Sự thành công của Apple đi ngược lại với 4 quy luật trong kinh doanh
Sau khi Apple công bố doanh thu ‘khủng’ của mình vào năm 2014, đã có nhiều ý kiến thú vị xung quanh bản báo cáo này. Jean-Louis Gassée, cựu Giám đốc Điều hành của Apple nhận định, thành công của Apple đi ngược lại với 4 quy luật thường thấy trong kinh doanh.
1. Quy luật thị phần
Trong lĩnh vực công nghệ và cụ thể hơn là smartphone, thiết bị và các ứng dụng hỗ trợ luôn song hành cùng nhau. Thiết bị nào có thị phần cao hơn sẽ dễ dàng chiếm được ưu thế của các nhà phát triển trong việc phát triển tiện ích cho nó.
Nếu theo quy luật trên, các nhà phát triển sẽ ưu tiên xây dựng ứng dụng cho điện thoại Android, vì lượng thiết bị Android đã chiếm tới 80% tổng thị phần. Nhưng sự thực lại hoàn toàn ngược lại. Các ứng dụng trên Google Play tuy nhiều nhưng các ứng dụng tốt, giúp ích cho người dùng lại được các nhà phát triển ưu tiên cho AppStore của Apple. Jean-Louis Gassée cho biết, sự thành công của Apple trong việc đi ngược lại quy luật này đến từ việc những người dùng sản phẩm của Apple sẵn sàng trả tiền để mua các ứng dụng hơn so với người dùng Android.
2. Luật thương mại hóa
Tất cả các sản phẩm khi phát triển rộng rãi sẽ dễ dàng tại ra một “cuộc đua tới đáy” trong việc định giá. Người dùng sẽ ít chấp nhận trả giá cao cho một thương hiệu cụ thể. Tuy nhiên, Apple đã từ chối ‘đi theo’ quy luật này, thay vào đó, các sản phẩm của hãng ngày càng lớn và có giá cao hơn các sản phẩm trước đó. Điển hình nhất là việc Iphone 6 Plus có giá 25 triệu trong khi Iphone 5S chỉ có giá là 15 triệu.
3. Luật con số lớn
Khi các công ty phát triển lớn mạnh, tốc độ tăng trưởng tự nhiên sẽ giảm. Tuy nhiên, dường như Apple đang đi ngược lại xu hướng chung khi doanh thu quý vừa qua lên tới 74,5 tỷ USD, tăng 30% so với một năm trước đây. Dự kiến quý tiếp theo còn tiếp tục tăng tới 20%.
Nếu tiếp tục tăng trưởng với mức độ trên, Apple sẽ tăng thêm khoảng 37 – 40 tỷ USD vào tổng doanh thu cuối năm, con số này tương đương một nửa doanh thu cả năm của Google hay Microsoft.
4. Luật của những thành phần cấu thành
Các công ty lớn như Samsung, Nokia, Microsoft hay bất kì một công ty công nghệ nào cũng áp dụng chiến lược: thuê các công ty khác nhau chế tạo các thành phần của một sản phẩm nào đó rồi giao cho họ thay vì đứng ra sản xuất tất cả các linh kiện điện tử. Cuộc cạnh tranh từ mỗi thành phần nhỏ sẽ giúp giảm giá và cải thiện chất lượng so với việc chỉ một công ty làm điều đó. Kết quả cuối cùng sẽ giúp sản phẩm cấu thành sẽ có giá rẻ hơn.
Tuy nhiên, Apple đã chống lại điều đó, đầu tiên là với máy Mac, sau đó là iPod và giờ là iPhone và iPad, giá của chúng không ngừng tăng lên và chưa có dấu hiệu giảm xuống, bằng chứng là đã có đến 74,5 triệu chiếc iPhone bán ra trong quý vừa qua.
Theo GK