Sự kiện 11/9 và cuộc chiến chưa có hồi kết của nước Mỹ
Hôm nay vừa tròn 13 năm kỉ niệm ngày 11/9. Gần 3.000 người thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố làm cả thế giới bàng hoàng. Đây cũng là thời điểm khởi đầu của cuộc chiến chống khủng bố dường như chưa có hồi kết của nước Mỹ.
Hoa và ảnh của những nạn nhân xấu số của vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 trên bia tưởng niệm tại Mỹ.
13 năm qua, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể, trong đó có việc tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden.
Khi người Mỹ đang nghĩ rằng họ có thể tạm yên tâm với Trung Đông và bắt đầu tính đến chuyện thúc đẩy việc xoay trục sang châu Á, thì tình hình Trung Đông đột nhiên nóng trở lại bởi sự bành trướng và hành xử cực đoan, tàn bạo của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (ISIS).
Đỉnh điểm là hai vụ hành quyết nhà báo Mỹ, thu hút 94% sự quan tâm của người Mỹ, một con số “cao hơn bất kì sự kiện tin tức nào”, theo kết quả khảo sát của NBC news/Wall Street Journal.
Sự kiện khiến Chính phủ và nhân dân Mỹ nhận ra rằng, họ không thể rút khỏi Trung Đông và nước Mỹ không hề an toàn hơn sau hơn 10 năm diễn ra chiến dịch chống khủng bố.
Tổ chức nhà nước hồi giáo ISIS.
Cuộc thăm dò của NBC news/Wall Street Journal được thực hiện từ ngày 3/9 đến 7/9 cho thấy, 47% trong số 1000 người được khảo sát cho biết, nước Mỹ kém an toàn hơn so với trước thời điểm Trung Tâm Thương mại và Lầu Năm Góc bị tấn công. Con số này gấp hai lần mức độ bất an vào thời điểm một năm sau các cuộc tấn công và tăng 19% so với năm ngoái.
Thượng nghị sỹ Mitch McConnell cho biết: “Đối với rất nhiều người dân Mỹ, nỗi lo đang ngày một lớn hơn khi họ chứng kiến cảnh một công dân Mỹ bị một nhóm khủng bố hành quyết dã man và một vị Tổng thống vẫn đang loay hoay chưa tìm được giải pháp ứng phó với nhóm khủng bố này, đặc biệt khi tất cả chúng ta đều thấy rõ rằng ISIS có dã tâm, có phương tiện và có điều kiện để có thể thực hiện nhiều tội ác hơn nữa”.
Tổng thống Obama được cho là thiếu quyết đoán trong vấn đề ISIS khiến dân Mỹ bất an.
Phe Cộng hoà cho rằng sự thiếu quyết đoán trong chính sách đối ngoại của ông Obama là một nguyên nhân dẫn đến sự bất an đó.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích độc lập cho rằng, sở dĩ chiến lược chống khủng bố của Mỹ vẫn còn dang dở là vì người dân Mỹ đã quá chán ngán với những bất ổn ở Trung Đông, và họ cần Chính phủ ưu tiên xử lý những vấn đề trong nội bộ. Ông Obama thắng cử cũng vì cử tri Mỹ muốn có một vị Tổng thống có thể đáp ứng nguyện vọng đó.
Cuộc khảo sát trên cũng thống kê số liệu phản ánh quan điểm của người dân trước các chiến lược mà Lầu Năm Góc dự kiến đưa ra. Cụ thể, 61% người được khảo sát ủng hộ Hoa Kì triển khai hoạt động quân sự tấn công nhóm khủng bố ISIS. Trong khi chỉ 13% cho rằng hành động quân sự này không mang lại lợi ích cho nước Mỹ. Thêm vào đó, 24% người Mỹ không thể bày tỏ quan điểm vì không nắm rõ thông tin. Tuy nhiên, 40% cho rằng việc tấn công vào ISIS chỉ nên hạn chế ở các cuộc không kích, trong khi 34% ủng hộ việc không kích và triển khai lực lượng chiến đấu.
CNN cũng đưa ra kết quả thăm dò của mình, với 61% dân Mỹ phản đối việc đưa binh lính đến xây dựng căn cứ quân sự chống ISIS tại Irag và Syria; trong khi đó, 38% không phản đối chiến lược ‘đóng quân’ này.
Người dân Mỹ hy vọng rằng, bằng việc thúc đẩy trách nhiệm đa phương trong cuộc chiến chống khủng bố, nước Mỹ sẽ bớt được nhiều gánh nặng từ bên ngoài để tập trung xử lý vấn đề nội bộ của mình.
Theo VTV, news.yahoo.com