Sinh nhật Google: “Gã khổng lồ tìm kiếm” tròn 21 tuổi và những tiết lộ hết sức thú vị
Hôm nay, ngày 27/9/2019, Google Doodle đã cập nhật hình ảnh chúc mừng sinh nhật, đánh dấu 21 năm sự ra đời của “gã khổng lồ công nghệ” Google. Nhân sự kiện đặc biệt này, hãy cùng điểm lại một vài thông tin thú vị về Google mà không hẳn ai cũng biết.
Ra đời bên trong ga ra ô tô
Google ban đầu là một công trình nghiên cứu của Larry Page và Sergey Brin, 2 nghiên cứu sinh đã có bằng tiến sĩ tại trường Đại học Stanford, California.
Khi đó Google hoạt động dưới trang web của đại học Stanford với các tên miền google.stanford.edu và z.stanford.edu. Tên miền www.google.com được đăng ký vào ngày 15/9/1997.
1 năm sau, công ty Google, Inc. chính thức thành lập ngày 4/9/1998 tại một ga ra của nhà Susan Wojcicki, chị dâu của Brin (được thuê làm nhân viên đầu tiên của Google, Phó Chủ tịch cấp cao, phụ trách bộ phận quảng cáo) tại Menlo Park, California.
Thành lập ngày 4/9 nhưng kỷ niệm sinh nhật lại là 27/9
Về vấn đề ngày sinh của Google, có khá nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến nó, tuy nhiên, hầu hết các tài liệu đều khẳng định hồ sơ công ty được chính thức ghi nhận vào ngày 4/9/1998. Đến nay, không hiểu vì lý do gì, Google chính thức kỉ niệm ngày sinh nhật của mình bằng Doodle trên trang chủ vào ngày 27/9.
Tên gọi Google bắt nguồn từ một lỗi chính tả
Page và Brin ban đầu đặt biệt danh cho công cụ tìm kiếm mới của họ là “BackRub” (gãi lưng), vì hệ thống này dùng các liên kết đến để ước tính tầm quan trọng của trang. Cuối cùng, họ đã đổi tên thành Google.
Trên thực tế cái tên Google này bắt nguồn từ một lỗi chính tả của từ “googol”, tức 10100. Cái tên này phù hợp với mục tiêu của Page và Brin là xây dựng công cụ tìm kiếm quy mô rất lớn đầu tiên trên thế giới. Lỗi này xảy ra khi các nhà đầu tư điền séc để đầu tư vào Google đã viết sai tên thành “Google”. Và cái tên này tồn tại cho đến ngày nay.
Giao diện ban đầu của trang chủ Google
Cả Larry Page lẫn Sergey Brin đều không giỏi trong việc sử dụng ngôn ngữ lập trình web HTML, do vậy, trang chủ của đầu tiên của Google khá sơ sài.
Chức năng ít người sử dụng
Chỉ 1% số người sử dụng tiến hành tìm kiếm kết quả bằng cách bấm vào nút ‘I’m Feeling Lucky’. Đây là nút bấm mà người dùng “thử vận may” để truy cập thẳng vào trang web đầu tiên có trong kết quả tìm kiếm thay vì hiển thị danh sách kết quả khi tìm kiếm. Tuy nhiên, thậm chí nhiều người dùng còn không biết đến chức năng này của Google.
Chiếc máy chủ đầu tiên của Google
Sergey Brin và Larry Page đã xây dựng chiếc máy chủ đầu tiên cho Google và chứa nó trong một chiếc hộp máy tính được lắp ghép từ trò chơi Lego.
Trước đó trong thời còn là học sinh phổ thông, Larry Page cũng đã từng sử dụng Lego để lắp ráp nên một chiếc máy in phun.
“Không thích” người dùng ghé thăm trang web càng lâu càng tốt
Trong khi các trang web trên thế giới đều mong muốn người dùng ghé thăm trang web của mình càng lâu càng tốt, thì Google có lẽ là trang web duy nhất mong muốn rút ngắn thời gian người dùng ghé thăm trang web của mình.
Google đã liên tục cải tiến công nghệ và tính năng để giúp tăng tốc độ tìm kiếm trên Google.com để giúp người dùng chuyển đến trang web cần tìm kiếm một cách nhanh chóng nhất.
Trung bình mỗi tuần thâu tóm một công ty
Kể từ năm 2010, trung bình mỗi tuần Google thâu tóm một công ty. Trong số các công ty đã được Google thâu tóm thành công nhất có thể kể đến Youtube và Android.
Một trong ‘Bộ tứ quyền lực’ Big Four
Google là một trong ‘Tứ đại quyền lực – Big Four’ trong làng công nghệ hiện đại của thế giới, cùng với Amazon, Apple và Facebook, đã cung cấp một chuỗi các ứng dụng thịnh hành.
Ngoài công cụ tìm kiếm cốt lõi là Google Search, Google còn cung cấp các dịch vụ được thiết kế cho công việc và năng suất (Google Docs, Google Sheets và Google Slides), email (Gmail/Inbox), lập lịch và quản lý thời gian (Lịch Google), lưu trữ đám mây (Google Drive), mạng xã hội (Google+), nhắn tin và trò chuyện video trực tiếp (Google Allo, Duo, Hangouts), dịch ngôn ngữ (Google Translate), lập bản đồ và điều hướng (Google Maps, Google Earth, Chế độ xem phố), chia sẻ video (YouTube), ghi chú (Google Keep) và tổ chức và chỉnh sửa ảnh (Google Ảnh)…
Công ty Google cũng dẫn đầu sự phát triển của hệ điều hành di động Android, trình duyệt web Google Chrome và Chrome OS, một hệ điều hành nhẹ dựa trên trình duyệt Chrome.
“Don’t be evil”
Google là thương hiệu có giá trị hàng đầu thế giới nhưng đã nhận được sự chỉ trích đáng kể liên quan đến các vấn đề như lo ngại về quyền riêng tư, tránh thuế, chống độc quyền, kiểm duyệt và trung lập trong tìm kiếm.
Tuyên bố sứ mệnh của Google là “tổ chức thông tin của thế giới và làm cho nó có thể hữu dụng trên toàn cầu”, và “Don’t be evil” (đừng trở nên xấu xa) là khẩu hiệu trong bộ quy tắc ứng xử của công ty. Khẩu hiệu này từng bị xóa đi vào tháng 5/2018 nhưng đã được đưa vào trở lại ngày 31/7/2018.
Môi trường làm việc tốt nhất hiện nay
Hiện Google được đánh giá là một trong những công ty có môi trường làm việc tốt nhất, với văn phòng làm việc đẹp như mơ cùng chế độ đãi ngộ tuyệt vời và đầy nhân văn dành cho các nhân viên của mình.
Tại các văn phòng làm việc của Google trên toàn cầu thường có tối thiểu 3 quán ăn tự phục vụ, 6 đến 8 khu vực ẩm thực với đầy đủ đồ ăn nhẹ miễn phí, nhân viên pha chế cà phê và đồ uống luôn sẵn sàng phục vụ, một gian đồ ăn tráng miệng theo phong cách những năm 1950, hàng chục tủ lạnh với đồ uống miễn phí…
Google cũng trang bị nhiều sân chơi thể thao, như một bức tường leo núi trong nhà cho những ai yêu thích mạo hiểm, sân bóng đá, bán đánh bi-a, bóng rổ và hàng chục bộ ghế mát-xa đắt tiền. Nếu thích chơi game, các nhân viên có thể giải trí trên các máy Wii và Xbox được bố trí rải rác bên trong trụ sở của Google, với hàng ngàn tựa game khác nhau.
Giang Hội (t/h)