Siêu lỗ đen gấp 12 tỉ lần Mặt Trời giúp hiểu thêm về sự hình thành vũ trụ
Các nhà thiên văn học vừa phát hiện một lỗ đen “siêu khủng” lớn gấp 12 tỉ lần Mặt trời của chúng ta, và giống như “ngọn hải đăng sáng nhất trong vũ trụ hiện nay”. Thông qua việc quan sát và phân tích siêu lỗ đen sơ khai này, chúng ta sẽ hiểu thêm về sự hình thành vũ trụ.
Siêu hố đen này được phát hiện khi vẫn đang hoạt động rất mạnh mẽ, nó đang hút các vật chất xung quanh vào bên trong và tạo ra một nguồn bức xạ nhiệt mãnh liệt, với năng lượng gấp 1 triệu tỷ lần Mặt Trời. Nó giống như một ngọn hải đăng sáng nhất trong vũ trụ hiện nay.
Siêu lỗ đen mới phát hiện, ký hiệu SDSS J0100+2802, nằm cách Trái đất 12,8 tỉ năm ánh sáng và được hình thành 900 triệu năm sau vụ nổ Big Bang (thời điểm khai sinh ra vũ trụ). Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, khoảng thời gian này là quá sớm để có thể hình thành lỗ đen, vì theo lý thuyết hiện tại, một lỗ đen được sinh ra từ cái chết của ngôi sao.
Các nhà thiên văn học không thể lý giải làm cách nào mà một lỗ đen khổng lồ như vậy có thể hình thành từ rất sớm sau khi các ngôi sao và thiên hà đầu tiên xuất hiện.
Tiến sĩ Fuyan Bian, một thành viên nhóm khám phá đến từ Đại học quốc gia Australia, giải thích: “Việc hình thành một siêu lỗ đen nhanh như vậy rất khó lý giải với các giả thuyết hiện có … Lỗ đen này nằm ở trung tâm chuẩn tinh giành được khối lượng cực lớn chỉ trong một thời gian ngắn”.
Chuẩn tinh là nguồn sáng rực rỡ nhất từng được phát hiện trong vũ trụ thuở sơ khai. Nó nổi bật như một thiên thể già cỗi và ở rất xa vì có hiện tượng chuyển về vạch đỏ của quang phổ.
Các nhà khoa học đã đo sự trải dài của ánh sáng tới ngưỡng đỏ của quang phổ thông qua sự giãn rộng của vũ trụ của chuẩn tinh này và có kết quả là 6,3.
Theo thống kê, chỉ 40 chuẩn tinh đã biết có chỉ số chuyển về vạch đỏ của quang phổ cao hơn 6, và tất cả đều được hình thành vào thời kỳ sơ khai nhất của vũ trụ, đó là lúc vừa diễn ra vụ nổ Big Bang.
Mặc dù trong vũ trụ có rất nhiều ngôi sao và chuẩn tinh sơ khai, được sinh ra vào thời kỳ đầu của vũ trụ, tuy nhiên tất cả đều ở rất xa và khá mờ nhạt khiến cho việc quan sát rất khó khăn. Lố đen SDSS J0100 + 2802 chính là một điều rất đặc biệt, mà nhờ có bức xạ rất lớn khiến chúng ta có thể phát hiện sự tồn tại của nó.
Giáo sư Xue-Bing Wu, người đứng đầu nghiên cứu đến từ Đại học Bắc Kinh, cho biết, chuẩn tinh mới phát hiện giống như ngọn hải đăng sáng rõ nhất ở vũ trụ xa xôi.
Các nhà khoa học hy vọng rằng thông qua việc quan sát và phân tích siêu lỗ đen sơ khai này, chúng ta sẽ hiểu thêm về sự hình thành của vũ trụ, cũng như tìm được câu trả lời cho câu hỏi muôn thuở của vật lý vũ trụ “Vũ trụ được tạo ra như thế nào?”. Chuẩn tinh này cũng sẽ đóng vai trò như phòng thí nghiệm để các nhà khoa học nghiên cứu về cách lỗ đen và thiên hà dung chứa nó tiến hóa như thế nào.
Theo VietnamNet, Genk