Sau nhiều thăng trầm, đạo đức của giáo dục ngày nay chỉ còn tính “tương đối”
Có thể sai hoặc hơi cường điệu, nhưng ở một mức độ nào đó, người ta có thể nói rằng nền giáo dục ngày nay đã quay lưng lại với các giá trị đạo đức…
Không hoàn toàn là vậy nhưng giá trị đạo đức mà nền giáo dục ngày nay theo đuổi trên thực tế chỉ dừng ở mức tương đối, và sự tương đối đó sẽ có lợi cho những buổi “hội đàm lớn” của ngành giáo dục trong suốt một thời gian dài. Trong vở kịch Hamlet của Shakespeare, quan đại thần Polonius đã nói với con trai ông trước khi tốt nghiệp rằng: “Trên hết: hãy sống thực với chính mình”.
Ngày nay, người ta cũng có một câu khác với ý nghĩa tương tự. Đó là “Be true to yourself” (Hãy cứ là chính mình) – nghĩa là hãy hành xử theo niềm tin của bạn và làm những gì bạn nghĩ là đúng, đừng quan tâm đến người khác nghĩ gì.
Tương tự như thế, theo các nguyên lý của giáo dục hiện đại thì sự thật khách quan là không tồn tại, mọi “chân lý” đều phải được xuất phát từ nhận thức chủ quan. Giống như Polonius đã dạy con ông, cái quan trọng trên hết mà chúng ta cần đó là chân lý đối với tự chúng ta. Chân lý phục vụ cho con người, cũng giống như nhiều sự vật hiện tượng khác trong tự nhiên, đều tồn tại để phục vụ cho con người. Với tư duy như vậy, cũng không có gì ngạc nhiên khi nền giáo dục hiện đại là một nền giáo dục chủ quan.
Và hệ quả của cách làm mang nặng tính vị tư này đó là đã khiến cho giáo dục hiện đại dần rời xa các giá trị đức hạnh truyền thống. Điều đó không chỉ đơn giản dừng lại ở việc các nhà giáo dục ngày nay đã từ bỏ những gì được truyền thống coi là “đúng”, mà họ còn từ bỏ những điều mà văn hóa truyền thống coi là “tốt”. Ví như người xưa thường nói tích đức, hành thiện để đời sau sống tốt, nhưng ngày nay nói đến tích đức thì không mấy người trẻ còn tin nữa.
Do vậy, hầu như không có gì ngạc nhiên khi nhiều người muốn dùng thành tựu và trí tuệ truyền thống để khôi phục đạo đức từ đống đổ nát của nền giáo dục hiện đại. Điều đó đã dẫn đến việc thành lập một thế hệ mới các trường cao đẳng – đại học với mục đích giảng dạy các luân lý dựa trên văn hóa truyền thống. Những luân lý này từ ngàn xưa vẫn luôn giúp cho nền văn minh chúng ta duy trì đạo đức con người để tránh khỏi sự sụp đổ.
Cho đến nay, các trường cao đẳng – đại học này vẫn phải tuân theo tiêu chuẩn tuyển sinh chung của ngành giáo dục đương đại, nền giáo dục mà họ đang muốn sửa chữa và thay đổi. Tuy nhiên, mới đây người ta đã tìm ra một phương án thay thế. Chúng tôi đang nói về “Bài kiểm tra học vấn cổ điển” (The Classic Learning Test: CLT). Đây là bài test được thêm vào nhằm giúp các sinh viên hiểu rõ về nơi mình sắp đến học tập và có thêm niềm tin vào đức hạnh truyền thống.
Trên trang web chính thức của CLT có công bố về những “nỗ lực thất bại” của hệ thống tuyển sinh đại học đã được chuẩn hóa và kết quả vẫn là các “giá trị trung lập” và chúng “đã tước đoạt nhiều thứ từ nền giáo dục Hoa Kỳ [đặc biệt là] về sự kế thừa nguồn trí tuệ phong phú của nền văn minh phương Tây”:
“Nhiều nhà giáo dục nổi bật đã phải tẩy sạch các giá trị vốn có của lịch sử, văn học và khoa học trong các buổi thảo luận quan trọng để chuẩn bị cho sinh viên một bài kiểm tra chuẩn hóa với yêu cầu đơn giản là nêu ra được sự thật còn dở dang hoặc trình bày về một “giá trị trung lập” nào đó đang còn trong tranh luận. Ngay cả một khám phá nhỏ trong phòng thí nghiệm cũng có những tác động đến đạo đức nhân loại, như tai nạn đau lòng ở Hiroshima [năm 1945] là một ví dụ.
Trên thực tế, thuật ngữ ‘giá trị trung lập’ là sự kết hợp các mâu thuẫn vốn không thể đứng cùng với nhau (phép nghịch hợp). [Do đó] các bài kiểm tra theo chuẩn hóa hiện tại đòi hỏi học sinh phải phủ nhận những tác động đến đạo đức từ các quyết định, ý tưởng và khám phá, [rồi sau đó] đào tạo các sinh viên trở thành bậc tri thức bị khuyết tật cả về đạo đức lẫn trí tuệ”.
Kể từ sau sự bùng nổ của các cuộc cách mạng công nghiệp, rồi sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật hiện đại, nhiều khi chúng ta đắm chìm vào con đường phát triển theo hướng của cải vật chất, mà lãng quên rằng, con người còn có phần tâm linh: đạo đức, tình yêu bác ái, đức tin, tín ngưỡng, v.v. những giá trị phổ quát vốn luôn có trong mọi nền văn minh.
Suốt nhiều thập kỷ, nhân loại đã luôn nỗ lực tìm kiếm tri thức và khẳng định bản thân. Nhưng trong nền văn minh vật chất quá nhiều giới hạn này, chúng ta đã thất bại trong việc đạt được một nhận thức cao hơn về sự tồn tại của con người và vũ trụ. Đời sống tinh thần của con người trở nên mờ nhạt, khái niệm thiện ác hỗn loạn, thẩm mỹ truyền thống trở thành một giáo điều, tôn giáo biến tướng khiến con người chỉ “theo” mà không còn thật sự “tin”.
Hoàng An (Theo Intellectual Takeout)