Quỳ gối có phải là hành động “nhục nhã”? Dưới đây là 4 câu chuyện đáng suy ngẫm
Qùy gối là tư thế dùng một hoặc hai đầu gối cùng chạm xuống đất, đồng thời lưng duỗi thẳng. Một người nếu đến mức phải quỳ gối, nghĩa là họ đang ở trong trạng thái cảm xúc cực hạn, ví như quá cảm kích, hoặc là quá sợ hãi, cũng có thể là van xin hoặc mong được tha thứ. Do đó, có thể nói quỳ gối là hành vi ứng xử lịch sự nhất, cũng là cách bị đối xử nhục nhã nhất.
4 câu chuyện ngắn dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về ý nghĩa của hành động quỳ gối.
Người đàn ông Cơ Đốc giáo, quỳ gối trước họng súng của cảnh sát Hồng Kông
Vào lúc 8 giờ tối 25/8/2019, tại đường Sa Chủy, thị trấn Thuyền Loan, Hồng Kông, trong chiến dịch trấn áp phong trào “chống dự luật dẫn độ”. Cảnh sát lần đầu tiên đã dùng đạn thật bắn vào người biểu tình. Lúc đó, đoàn cảnh sát cầm súng ngắn cổ, chĩa súng tiến về phía đám đông, khiến những người biểu tình phải lùi lại. Trong hỗn loạn, có người hét lên “Nổ súng!”, “Tiến về phía trước!”, “Đạn thật đấy, lũ khốn nạn!”
Lúc này một người đàn ông tên là Anthony, 42 tuổi, đã lao tới và quỳ xuống trước mặt nhóm cảnh sát, anh dang hai tay ra và hét lên rằng: “Không được! Không được!”.
Một cảnh sát đã đá anh ngã xuống đất. Anthony lại đứng dậy, anh dang hai tay ra và tiếp tục yêu cầu phía cảnh sát không được bắn.
Anthony là người theo đạo Cơ Đốc giáo, anh chia sẻ rằng: “Lúc đó tôi Không nghĩ bất cứ điều gì cả“, chỉ vội vàng lao ra theo “bản năng”.
“Để cầu xin cảnh sát đừng bắn. Tôi đã khẩn khoản yêu cầu họ. Bố tôi nói với tôi rằng: ‘Sao con phải quỳ gối trước cảnh sát như vậy?’, Thực ra, hành động đó của tôi không phải vì tôn trọng họ mà là tôi đang khẩn cầu họ. Tôi đã nói với bố tôi rằng đó là hành động vì chính nghĩa”, Anthony nói.
Như vậy hành động quỳ gối của Anthony là để van xin. Tuy nhiên sự van xin này không phải cho bản thân anh mà là cho người khác. Có thể nói đây là một hành động đẹp vì chính nghĩa, vượt trên cả nỗi sợ hãi và an nguy của bản thân.
Người phụ nữ Trung Quốc khiếu nại thất bại, bị cưỡng chế phải quỳ xuống đất
Vào lúc 4 giờ chiều ngày 13/7/2016, một nhóm 6 đến 10 người dân đã rải khắp nơi hơn 2.000 tờ rơi và truyền đơn tại lối vào của ga tàu điện ngầm đường Trường An, quảng trường Thiên An Môn. Họ yêu cầu chính quyền Tập Cận Bình thực hiện Chính sách quốc gia, trả lại tài sản cho dân và giải quyết kháng cáo của người dân.
Những người kêu oan này đã gửi đơn kiện suốt nhiều năm liền nhưng không được giải quyết, họ đã thử mọi cách nhưng đều không có kết quả gì. Không còn lựa chọn nào khác, họ chỉ có thể chọn cách rải truyền đơn này, hy vọng thông qua phương cách trên lời kháng cáo của họ sẽ được xử lý và lấy lại được những quyền lợi đã bị mất.
Khi nhìn thấy ba người phụ nữ kháng cáo đang rải truyền đơn, một cảnh sát mặc thường phục đã giận giữ hét lên và bắt ba người họ quỳ xuống. Trong đó, hai người đã sợ hãi ngồi thụp xuống đất, còn người phụ nữ thứ 3 tuyên bố rằng có chết bà cũng không bao giờ quỳ.
Người cảnh sát kia sau đó đã túm tóc, ấn đầu bà xuống, ép người phụ nữ phải quỳ.
Cuối cùng, tất cả những người dân khiếu nại đều bị áp giải lên xe cảnh sát và bị tống giam ở Trung tâm hỗ trợ cứu nạn Cửu Kính Trang.
Có thể thấy, trong trường hợp này, hành động quỳ gối của những người dân kháng cáo là do bị áp bức, cưỡng ép và sỉ nhục.
Hành vi xui khiến chồng đánh người già của nữ cảnh sát Sơn Đông khiến công chúng phẫn nộ
Vào khoảng 17:30 ngày 17/8/2011, một nữ cảnh sát tên là Lâm Na, công tác tại nhà tù tỉnh Sơn Đông, trên đường đi làm về đã ghé vào một cửa hàng sửa chữa ô tô nằm trên ngã tư đường Mẫn Tư Khiên,Tế Nam để sửa xe đạp điện.
Trong lúc chờ sửa xe, cô và một đôi vợ chồng già họ Tạ cũng chờ sửa xe đã nảy sinh tranh chấp. Lâm Na sau đó đã gọi điện cho chồng đến. Và người chồng vừa đến đã lao vào đánh đôi vợ chồng già, đồng thời bắt bà lão phải quỳ xuống. Sau khi bà lão quỳ xuống, người chồng còn tiếp tục dùng chân đá vào bà.
Hành vi của vợ chồng Lâm Na khiến công chúng vô cùng phẫn nộ, hơn 500 người dân đã vây quanh khiến giao thông bị tắc nghẽn. Người ngoài xem bất bình trước hành động của vợ chồng Lâm Na nên đã yêu cầu hai người họ phải xin lỗi, nhiều người đã đồng thanh hét lên “Quỳ xuống!”.
Trước áp lực của dư luận, cuối cùng hai người chỉ còn cách quỳ gối trước vợ chồng bà cụ.
Lâm Na thân là một cảnh sát, lại vì một tranh chấp nhỏ mà phạm phải tội vi phạm an ninh trật tự, do đó cô đã bị đơn vị sa thải. Người chồng họ Chu của cô cũng bị kết án giam giữ 15 ngày.
Như vậy, bà lão sửa xe quỳ gối là do sợ hãi trước cường quyền nên đành phải phục tùng, còn nữ cai ngục quỳ gối là để cầu xin sự tha thứ và chuộc tội.
Học viên Pháp Luân Công đưa ông lão bị lạc về tận nhà
Vào trưa ngày 16/8/2006, tại một ngôi làng nhỏ ở Trung Quốc có một gia đình ba người đều tu luyện Pháp Luân Công, khi thấy một ông lão ốm yếu, mặt mũi nhem nhuốc bẩn thỉu bước vào nhà xin nước, họ đã rất tận tình giúp đỡ.
Lúc đó, người mẹ cùng con gái bà đã mời ông lão vào nhà ngồi và uống nước. Ông lão vừa uống nước vừa kể lại tình cảnh của bản thân. Hóa ra, ông đã 84 tuổi, bị lưu lạc ngoài đường từ hôm qua đến giờ mà vẫn chưa tìm được đường về nhà. Trông ông vô cùng lo lắng, lại vừa đói vừa khát rất tội nghiệp.
Sau khi nghe xong câu chuyện của ông lão, cô con gái đã lập tức đi làm cơm, còn cha mẹ cô thì ở lại an ủi ông lão, qua nói chuyện thì biết được nhà của ông cách đó chừng 60 đến 70 dặm.
Ăn cơm xong, cặp vợ chồng nhiệt tình tốt bụng này đã bắt xe buýt và xe taxi đưa ông lão về tận nhà. Khi ấy, gia đình, người thân và hàng xóm của ông lão đều đang nháo nhác đứng ngoài cửa, mặt ai nấy cũng đầy sự lo lắng. Khi thấy ông lão đột nhiên trở về, mọi người ai nấy đều tỏ ra hết sức vui mừng và hạnh phúc!
Con trai của ông lão đã quỳ phịch xuống trước mặt cặp vợ chồng học viên Pháp Luân Công và nói: “Thực sự cảm ơn ân nhân, các vị chính là quý nhân của gia đình chúng tôi!”
Trong trường hợp này, con trai của ông lão quỳ gối là vì sự kính trọng và tấm lòng biết ơn, muốn khấu tạ trước ân nhân của mình.
Thảo Nguyên (Theo secretchina)