Quan niệm tình yêu truyền thống và hiện đại có gì khác biệt?
Không như nhiều người hiện đại tưởng tượng rằng người xưa chỉ có “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, mà xã hội phương Đông cổ xưa luôn tồn tại việc nam nữ tìm hiểu và nảy sinh tình cảm. Vậy điểm khác nhau giữa quan niệm tình yêu thời nay và thời xưa là gì?
Tình yêu nam nữ là một phần không thể thiếu của con người, cho nên cổ nhân tất nhiên sẽ không cấm tuyệt. Tuy nhiên, bởi vì tình yêu ảnh hưởng rất lớn tới tâm tư tình cảm của con người, đặc biệt là con trẻ mới lớn, cũng ảnh hưởng tới sự chính thường của xã hội, cho nên cổ nhân cũng đưa ra những yêu cầu về “Lễ” và “Nghĩa” trong tình yêu.
Trong Kinh Thi có mô tả rất rõ quan niệm của người xưa về tình yêu nam nữ. Chẳng hạn chương thứ nhất trong thiên Quan thư có ghi:
Quan thư
Quan quan thư cưu,
Tại hà chi châu.
Yểu điệu thục nữ,
Quân tử hảo cầu.
Dịch nghĩa:
Đôi chim thư cưu hót họa nghe quan quan,
Ở trên cồn bên sông.
Người thục nữ u nhàn,
Phải là lứa tốt của bậc quân tử.
Dịch thơ:
Quan quan kìa tiếng thư cưu,
Bên cồn hót họa cùng nhau vang dầy.
U nhàn thục nữ thế này,
Xứng cùng quân tử sánh vầy lứa duyên.
“Thư cưu” là loài chim nước, lại có một tên nữa là vương thư, hình trạng giống như chim phù y. Chim này sống có đôi nhất định mà không hề lẫn lộn. Hai con thường lội chung mà không lả lơi, cho nên sách cổ nói rằng: Đôi chim Thư cưu tình ý đậm đà, nhưng cũng luôn giữ gìn khoảng cách. Sách Liệt nữ truyện cho là người ta chưa từng thấy chim Thư cưu sống dư cặp hay sống lẻ loi, là vì tính của Thư cưu như thế.
Người xưa ví tình yêu nam nữ cũng giống như loài chim Thư cưu kia, có lễ độ, cũng có tín nghĩa. Đây chính là điều cơ bản trong tình yêu. Dưới đây là một câu chuyện tình yêu vừa đẹp vừa thê lương thời xưa tên là “Vĩ Sinh bão trụ” nói về mỹ đức “thủ tín” của người xưa trong tình yêu:
Vĩ Sinh là người nước Lỗ, vốn là một Nho sinh, nổi tiếng văn hay. Chàng tính tình hiền hậu, luôn giữ chữ tín. Trong trường, bài của Vĩ Sinh thường được thầy đem ra bình. Gần trường là nhà viên ngoại họ Triệu, có nàng Thường Khanh. Giờ bình văn, Thường Khanh thường sang trường, đứng sau vách nghe trộm. Sau nhiều lần, trong lòng nàng Thường Khanh nảy sinh tình cảm với chàng Vĩ Sinh nhưng chưa dám thổ lộ.
Vĩ Sinh mỗi lần đến trường, đi qua vườn hoa của viên ngoại họ Triệu đều nhìn thấy bóng nàng Thường Khanh đang hái hoa. Trong lòng Vĩ Sinh cũng đã đem lòng yêu mến nhưng cũng chưa được dịp mở lời. Một lần, Vĩ Sinh bạo dạn đứng lại, hỏi xin Thường Khanh một cành hoa. Nàng e lệ cười, cầm hoa trao tặng cho Vĩ Sinh.
Kể từ đó, ngày nào cũng thế, mỗi khi Vĩ Sinh đi qua thì nàng Thường Khanh đã thăm vườn ở đó. Họ tuy không hẹn gặp nhưng lại gặp nhau như đã hẹn. Sau đó, Vĩ Sinh xin hẹn gặp Thường Khanh bên một đầu cầu phía Tây thôn để tâm sự, kết niềm giao ước. Thường Khanh nghe xong, rất vui vẻ bằng lòng.
Một hôm, Vĩ Sinh đến bên cầu chờ đợi, nhưng không thấy bóng nàng Thường Khanh đến. Thế rồi, bỗng mây kéo đen kịt một góc, trời tối sầm lại. Mưa rơi mỗi lúc càng nặng hơn. Vì giữ chữ tín và lo lắng Thường Khanh ra cầu sẽ bị ủy khuất, Vĩ Sinh đã đứng chờ mãi. Chàng xuống dạ cầu để tránh mưa. Khi ấy, gió giật mạnh từng hồi như muốn xô đổ cây cối. Vĩ Sinh vẫn cố ôm lấy cột cầu chờ đợi. Mưa băng gió quật, nước dưới cầu mỗi lúc một dâng cao và chảy xiết. Chàng thư sinh cuối cùng bị cuốn theo dòng, rồi chết đuối dưới sông.
Câu chuyện về chàng Vĩ Sinh được ghi chép trong “Chiến quốc sách”, “Hán Thư”, “Sử ký”, hay trong rất nhiều lời đàm luận về “thủ tín” của người xưa. Có thể thấy rằng, cổ nhân rất coi trọng lời hứa giữa nam và nữ. Vì sao người xưa lại coi trọng lời hứa đến vậy?
Thực ra chữ Tín trong tình yêu không chỉ có trong văn hóa truyền thống phương Đông, khi người phương Tây vào nhà Thờ làm lễ thành hôn, họ cũng thề nguyện trước Chúa. Cho nên “Tín” là quan niệm đạo đức cơ bản phổ quát của người xưa.
Văn hóa truyền thống phương Đông cho rằng lời một khi đã nói ra thì Trời Đất đều biết. Một khi giữa nam và nữ có tình cảm với nhau thì người nam nhất định phải có trách nhiệm với người nữ, phải từ đầu đến cuối đối xử tốt với người con gái ấy. Người nam phải làm được như thế thì người nữ mới có thể an tâm trao thân gửi phận.
Vì vậy, người xưa vẫn luôn cho phép việc nam nữ có nảy sinh tình cảm, nhưng từ đầu đến cuối là có tiết chế, không hề giống như người hiện đại “tự do yêu đương”, “giải phóng tình dục” v.v. Bởi vì cái gọi là “tự do” và “giải phóng” là có hàm ý không cần tiết chế, cũng không cần thủ tín, cuối cùng gây ra tai họa cho gia đình và cả xã hội.
Người xưa không chỉ coi trọng “Lễ” và “Nghĩa” khi nam nữ mới nảy sinh tình cảm, mà lễ độ và tín nghĩa cũng thẩm thấu vào hôn nhân truyền thống. Người nam khi đã là chồng thì phải gánh vác công việc nặng nhọc, đảm đương những điều lớn lao, không chỉ biết lo cho gia đình mà còn biết lo cho xã hội. Người nữ khi đã có bến đỗ thì cũng phải cố gắng trông nom việc nhà, chăm sóc cha mẹ, nuôi dạy con cái. Đây vừa là trách nhiệm cũng vừa là tiêu chuẩn đánh giá phẩm đức của tình yêu và hôn nhân truyền thống.
Lương Phong
Theo trithucvn.org