Phải chăng “người không biết thì không có tội”? Lời giảng của Đức Phật khiến thế nhân bừng tỉnh
Rất nhiều người thường hay có quan điểm cho rằng “Người không hiểu biết thì không có tội”. Thoạt nghe thì có vẻ câu nói này rất hợp lý, vì không biết việc kia xấu nên vô tình phạm phải thì không thể quy cho người đó phạm tội. Nhưng sự thật có như thế không? Lời giảng của Đức Phật dưới đây sẽ lý giải vấn đề này.
Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết Pháp, giọng nói của Ngài luôn rất từ tốn, thân thiện, dễ gần. Các đệ tử của Ngài đều chăm chú lắng nghe từng lời Phật giảng. Đức Phật dùng những câu chuyện bình dị, dễ hiểu nhất để giảng cho mọi người những đạo lý cao thâm.
Một hôm, sau khi Đức Phật thuyết Pháp xong, một đệ tử hỏi: “Thưa Đức Phật! Mọi người hay nói rằng ‘người không biết thì không có tội’, lý giải như vậy có đúng không?”
Đức Phật không trực tiếp trả lời câu hỏi này mà đưa ra một ẩn dụ: “Bây giờ ta có một chiếc kẹp gắp đang được nung trong lò lửa nhưng con lại không biết rằng nó nóng. Giả sử con là người cầm chiếc kẹp gắp này, con nghĩ thử xem biết nó nóng sẽ bị bỏng nghiêm trọng hơn, hay là không biết nó nóng sẽ bị bỏng nghiêm trọng hơn?”
Vị đệ tử liền suy nghĩ rồi trả lời: “Thưa Đức Phật, không biết nó nóng thì sẽ bị bỏng nghiêm trọng hơn ạ. Bởi vì không biết thì sẽ không đề phòng, cho nên sẽ bị bỏng tay.”
Phật Đà gật đầu ôn tồn giải thích: “Đúng vậy! Nếu con biết chiếc kẹp gắp kia rất nóng thì con sẽ cảnh giác, không dám khinh suất dùng tay mà cầm lên, vì thế cũng sẽ không bị bỏng. Nhưng nếu con không biết chiếc kẹp gắp kia rất nóng, thì con sẽ sơ ý dùng tay nắm chặt lấy nó.”
“Như vậy, không phải người không hiểu biết thì không có tội, mà là người không hiểu biết sẽ chịu tổn hại nặng nề hơn, gánh chịu tội nghiệp và khổ nạn nghiêm trọng hơn. Bởi vì nhân loại không hiểu rõ chân lý cho nên mới trầm luân trong bể khổ.”
Lời dạy của Phật Đà quả là ẩn chứa nội hàm cao thâm. Người không hiểu biết nên mới mê muội, gánh chịu nhiều khổ nạn, không hay biết mà tạo tội nghiệp thì cuối cùng cũng phải hoàn trả. Người có hiểu biết mới có thể minh bạch mọi điều. Hiểu rõ căn nguyên của tội lỗi, thuận theo cái lý của vũ trụ mà biết ước thúc bản thân, tránh phạm điều xấu.
Cổ nhân cho rằng trời đất tạo ra vạn vật, đồng thời cũng ban cho vạn vật khả năng sinh sôi nảy nở. Bên trong năng lực sinh sôi nảy nở này chứa đựng một lực lượng mang đến cho vạn vật sinh cơ.
“Đức” là ngọn nguồn nuôi dưỡng vạn vật, là bản nguyên của sinh mệnh. Lão Tử từng nói: “Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên”, ý rằng “Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo đạo, đạo thuận theo tự nhiên”. Câu nói này đã miêu tả rõ ràng mối quan hệ giữa con người và vũ trụ, chỉ ra vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều phải tuân theo đặc tính và quy luật vận hành sinh sôi không ngừng nghỉ này. Quy luật này được gọi là Đạo, cũng được gọi là Pháp.
Người xưa có câu: “Người đang làm Trời đang nhìn” hoặc “Trên đầu ba thước có Thần linh”, những việc làm thiện ác của con người thế gian đều có quỷ Thần đang quan sát. Đạo Trời vốn rất công bằng, thiện ác phân minh, duyên nợ là có vay có trả, gieo nhân nào thì gặt quả ấy.
Người ta làm chuyện ác thì phải hoàn trả nợ nghiệp, chiếm lấy lợi thì phải chịu tổn phúc đức, không thể nói rằng gây ác nghiệp mà “không biết” thì không phải chịu phán xét gì.
Theo Minh Huệ Net
Theo vn.minghui.org