Phải chăng con trẻ suy nghĩ tiêu cực là do cách hành xử thiếu tinh tế của cha mẹ?
Tâm hồn trẻ em trong sáng như pha lê, nhưng lại mong manh dễ vỡ. Cho nên, trong việc giáo dục con trẻ cần hết sức chú ý, đừng khiến chúng bị tổn thương hay suy nghĩ tiêu cực, bởi hậu quả sẽ khó lường…
Có một cậu bé quanh quẩn bên ngoài tiệm hải sản, cậu đi đi lại lại, ngơ ngác tự hỏi không biết tiệm này có còn bán hay không. Cửa là cửa tự động luôn đóng, kính lại màu đen không thể nhìn thấy bên trong.
Cậu bé bắt đầu nghĩ: “Rõ ràng không mở cửa, vậy mà bảo mình đến đây mua đồ ăn?”
Chuyện là, mẹ cậu bé đã dặn dò, tối nay cha mời một người bạn đến chơi, đến lúc đó nhất định sẽ uống chút rượu, vì vậy bảo cậu đến tiệm hải sản mua ít đồ nhắm.
Cậu bé nhìn về phía một hướng khác, suy tư: “Cách nhà không xa có mấy gian tiệm ăn nhanh, vì sao hết lần này tới lần khác cứ nhất định bảo mình đến tiệm hải sản này mua, chỗ đó cách nhà có vài con hẻm!”
“Bố mẹ chỉ thương anh hai thôi, không sai anh hai làm gì hết”.
Mặc dù lúc này trời sắp tối, nhưng mùa hè thời tiết rất nóng bức, cậu bé toàn thân đổ mồ hôi.
Cậu bé quay người chuẩn bị rời đi, trong đầu nghĩ: “Cố ý bảo mình đi xa như vậy, biết rõ tiệm hải sản hôm nay đóng mà còn bảo mình đến mua, mẹ ngày hôm qua còn mắng mình, chẳng ai thương mình hết”.
Cậu bé đi được vài bước thì đột nhiên nghe thấy tiếng động ở đằng sau, cậu quay đầu lại, thấy chủ tiệm mở cửa.
Chủ tiệm và đầu bếp mồ hôi đầy người đi ra, hai người cũng giống như vừa dầm mưa về. Chủ tiệm châm một điếu thuốc hút, nhìn thấy cậu bé liền bước đến nói: “Này nhóc, hôm nay mất điện không bán”.
Nhìn thấy cậu bé quay người đi, đầu bếp mới quay đầu thảo luận với chủ tiệm nói: “Tủ lạnh bên phải, một số hàng đã không còn tươi nữa rồi…”
Cậu bé nghĩ: “Thôi về tiệm ăn nhanh mua cũng được”. Cậu lau mồ hôi trên mặt, rồi đi đến tiệm ăn nhanh.
Cậu bé bước vào tiệm ăn nhanh, nhân viên phục vụ niềm nở chào hỏi. Cậu sờ sờ túi, lúc này mới phát hiện mình quên mang tiền.
Cậu bé nghĩ: “Cố ý không đưa tiền cho mình đây mà”, rồi bẽn lẽn quay trở về.
Vừa bước vào đến nhà, cậu bé nói lớn: “Tiệm hải sản hôm nay không bán!”
Cậu cởi giày ra, chuẩn bị cho lên kệ rồi lấy dép lê đi, thì nhìn thấy tiền để ở trên kệ.
Cậu cố nhớ lại, lúc mình lấy giày đi ra ngoài, hình như mẹ có đến gần mình, nói vài câu gì đó, lúc đó mải đeo giày mình không để ý lắm…
Cậu bé trong câu chuyện, từ đầu đến cuối đều suy nghĩ rất tiêu cực, cho thấy tâm lý cậu đã có những biểu hiện lệch lạc. Nếu tiếp tục như vậy, hậu quả sẽ rất khó để cứu vãn.
Rất nhiều người khi còn nhỏ đã từng nghĩ “mình không được mọi người yêu quý”. Nhất là khi cha mẹ sai bảo làm việc nhà, hoặc khi uốn nắn con cái mà lời nói hành vi không khéo, thì rất dễ làm cho con cái sinh lòng oán hận, cho rằng mình không được yêu thương. Kể cả được người lớn trong nhà yêu quý đến mức độ nào thì một số đứa trẻ vẫn có những suy nghĩ tiêu cực kiểu như thế.
Tâm hồn trẻ nhỏ trong sáng như pha lê, nhưng lại mong manh dễ vỡ, rất dễ bị tổn thương, cũng rất dễ bị vẩn đục. Để nuôi dưỡng tâm hồn của các em thì những bậc phụ huynh, những người lớn không chỉ là qua loa bề mặt, mà thực sự phải dụng tâm rất nhiều.
Lê Hiếu biên dịch