Ông Mikhail Gorbachev – Lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô qua đời ở tuổi 91
Lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, Mikhail Gorbachev, người có tác động lớn tới sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh cũng như sự tan rã của Liên bang Xô Viết đã qua đời hôm 30/08, hưởng thọ 91 tuổi.
CNBC dẫn nguồn tin từ Quỹ Gorbachev cho biết, ông Mikhail Gorbachev, nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô đã qua đời hôm 30/8 ở tuổi 91.
“Mikhail Sergeevich Gorbachev đã qua đời vào tối nay (30/8) sau một trận ốm nặng và kéo dài”, Bệnh viện Lâm sàng Trung ương thông báo.
Hãng tin TASS cho biết, cựu lãnh đạo Liên Xô phần lớn trải qua những năm tháng cuối đời trong bệnh viện khi sức khỏe ngày càng sút kém và phải tự cách ly trong thời gian dịch Covid-19 để tránh nhiễm virus.
Ông Gorbachev sẽ được an táng tại Nghĩa trang Novodevichy (Moscow), bên cạnh mộ phần của người vợ quá cố.
Người đàn ông được tôn vinh ở khắp nơi trên thế giới nhưng ‘không được tôn trọng’ tại quê nhà
Xuất thân từ nông dân, ông Gorbachev ra đời vào năm 1931. Năm 1955, ông tốt nghiệp khoa luật của Đại học Tổng hợp Moscow. Sau khi tốt nghiệp, ông được bổ nhiệm vào Văn phòng tư pháp khu vực Stavropol ở miền nam nước Nga…
Mặc dù chỉ cầm quyền chưa đến 7 năm (từ tháng 3/1985 đến tháng 12/1991), nhưng ông Gorbachev đã tạo ra hàng loạt những thay đổi ngoạn mục tại Liên Xô. Tuy nhiên, những thay đổi đó đã nhanh chóng vượt qua tầm kiểm soát của ông và dẫn tới sự sụp đổ của nhà nước chuyên chế Liên Xô, giải phóng các quốc gia Đông Âu khỏi sự thống trị của Nga và kết thúc nhiều thập kỷ căng thẳng hạt nhân Đông – Tây.
Quyền lực của ông Gorbachev tại Liên Xô đã kết thúc trong ê chề. Ông Gorbachev bị giảm dần quyền lực sau một cuộc đảo chính chống lại ông vào tháng 8/1991. Những tháng cuối cùng trong nhiệm sở là thời gian ông Gorbachev phải chứng kiến việc các nước cộng hòa thuộc Liên Xô lần lượt tuyên bố độc lập.
Đến ngày 25/12/1991, ông Gorbachev từ chức. Một ngày sau đó, tức ngày 26/12/1991, liên bang Xô Viết chính thức tan rã.
Một phần tư thế kỷ sau khi Liên Xô sụp đổ, ông Gorbachev đã nói với hãng tin AP rằng ông đã không tính đến việc sử dụng lực lượng quân đội trải rộng để nỗ lực giữ thống nhất Liên bang Xô Viết vì lo sợ bạo loạn sẽ xảy ra trong quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
“Đất nước này đã chất đầy vũ khí. Và điều đó sẽ lập tức đẩy đất nước vào một cuộc nội chiến”, ông Gorbachev nói về việc sử dụng quân đội.
Vào giai đoạn cuối cầm quyền, ông Gorbachev đã không còn thực quyền để ngăn chặn cơn gió lốc mà ông đã gieo. Nhưng có lẽ ông đã là nhân vật ảnh hưởng lớn hơn bất kỳ chính trị gia nào khác trong nửa sau của thế kỷ 20.
“Tôi coi bản thân mình là người đã khởi xướng cải cách vốn là cần thiết cho đất nước này và cho châu Âu, cũng như cho thế giới”, ông Gorbachev chia sẻ với AP hồi năm 1992, thời điểm không lâu sau khi ông rời nhiệm sở.
“Tôi thường được hỏi, liệu tôi có bắt đầu tất cả điều đó lại nếu tôi được chọn lại? Vâng, tôi vẫn làm thế. Và với sự kiên định và quyết tâm hơn”, ông Gorbachev nói.
Ông Gorbachev đã nhận giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1990 vì vai trò kết thúc Chiến tranh Lạnh. Trong nhiều năm sau đó, ông Gorbachev nhận được sự tôn vinh và phần thưởng ở khắp nơi trên thế giới, nhưng lại không được tôn trọng tại chính quê nhà của mình.
Người Nga đổ lỗi cho ông Gorbachev đã làm Liên Xô sụp đổ năm 1991, khi đó một siêu cường quốc từng rất đáng gờm đã bị chia tách thành 15 quốc gia độc lập. Các đồng minh cũ đã bỏ rơi ông Gorbachev và biến ông thành ‘con dê thế tội’ cho những vấn đề trầm kha của Liên Xô.
Vũ Tuấn (t/h)