Nỗi ám ảnh đau thương khi bị dán nhãn “làm chính trị” ở Trung Quốc
Thời gian gần đây, rất nhiều những cuộc biểu tình đã nổ ra khắp Trung Quốc. Trái ngược với sự phát triển kinh tế, dường như những mâu thuẫn và xung đột trong xã hội ngày càng gia tăng, phản ánh những bất ổn vốn tiềm tàng nay có cơ hội để bộc phát.
Mới nhất là cuộc biểu tình của 30.000 người dân huyện Lân Thuỷ tỉnh Tứ Xuyên vào ngày 17/5 vừa qua với mong muốn chính quyền thực hiện kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt qua huyện của họ, nơi mà hệ thống giao thông hiện đang bị cô lập.
Ngày 17/4/2014, hàng nghìn sinh viên ở Thành phố Bửu Kê, Thiểm Tây biểu tình phản đối nhà máy đá nằm cạnh trường học gây ồn ào và ô nhiễm môi trường.
Ngày 10/4/2014 có đến 10.000 người dân thành phố Trùng Khánh biểu tình phản đối việc sáp nhập hai quận của Trùng Khánh thành quận mới.
Các cuộc biểu tình diễn ra dồn dập khiến người ta không khỏi đặt ra câu hỏi, người Trung Quốc chẳng lẽ không còn sợ bị coi là “làm chính trị” như trước hay sao? Trước kia, hễ ai bày bỏ quan điểm của mình thì liền bị chính quyền chụp mũ là “làm chính trị” và bị bỏ tù, thậm chí có thể mất cả mạng sống.
Vậy rốt cuộc, “làm chính trị” là như thế nào, và câu nói này có nguồn gốc hình thành ra sao mà khiến người ta sợ hãi đến vậy? Chúng ta cùng điểm lại một số sự kiện nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc để xem quá trình hình thành tư tưởng này trong suy nghĩ của người dân bắt nguồn từ đâu.
Cuộc vận động chống cánh hữu năm 1957
Năm 1957, Chủ tịch nước Trung Quốc khi đó là Mao Trạch Đông phát hiện thấy tầng lớp trí thức trong xã hội có những tư tưởng đổi mới tiến bộ, đe dọa đến sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Với quyền lực trong tay, ông Mao đã thực hiện kế hoạch “dụ rắn ra khỏi hang”, lấy danh nghĩa “tự do tư tưởng” và “chỉnh đốn Đảng” để khuyến khích mọi người thẳng thắn bày tỏ quan điểm. Sau đó ông Mao lại dùng chính những ý kiến đóng góp xây dựng ấy để liệt họ vào hàng ngũ cánh hữu và tiến hành đàn áp. Hơn 2 triệu người bị bắt giữ, 540 nghìn người bị chụp mũ “làm chính trị”.
Kết quả là 270 nghìn người bị mất việc làm, 230 nghìn người bị dán nhãn là “phần tử trung hữu” hoặc “phần tử chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội”. Nhiều người bị quy cho là “phản động”, “làm chính trị” rồi bị đày 30 năm đến những nơi xa xôi của đất nước, có những người phẫn uất cùng đường mà tự tử.
Nhiều nông trường “cải tạo phần tử cánh hữu” mọc lên và thảm án đã xảy ra tại các nông trường này. Điển hình là nông trường ở Cam Túc với 3.000 người bị cải tạo chỉ còn 400 người sống sót. Thế nhưng, ĐCSTQ nhất quyết không thừa nhận là đã bức hại các phần tử cánh hữu đến chết mà bịa đặt rằng 2.600 ca “tử vong vì bệnh”. Cuộc vận động chống cánh hữu này đã đem đến thảm cảnh cho hàng triệu gia đình trí thức Trung Quốc trong mấy thập niên.
Đến khi bị phê phán là tại sao lại dùng “âm mưu” để bức hại tầng lớp trí thức, ông Mao nói thẳng: “Không phải âm mưu, mà là ‘dương’ mưu — làm công khai đấy chứ”.
Nỗi ám ảnh mà sự việc này để lại đã hằn sâu vào tư tưởng của người dân Trung Quốc. Kể từ đó, mỗi khi muốn nói một điều gì, phát biểu ý kiến gì, người Trung Quốc đều e dè, nghi ngại, chú ý cẩn thận kẻo bị chụp cho cái mũ “phản động” hay “làm chính trị”.
Nạn đói trong “Đại nhảy vọt” (1958 – 1961), thanh trừ Lưu Thiếu Kỳ
Vào năm 1958, ông Mao Trạch Đông muốn Trung Quốc nhanh chóng tiến từ một nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp sang một xã hội công nghiệp cộng sản hiện đại, chính sách này được gọi là “Đại nhảy vọt”.
Từ năm 1958 đến 1960, Trung Quốc xuất khẩu một lượng lớn nông sản sang Liên Xô để đổi lấy việc công nghiệp hóa mau chóng trong quân sự. Xuất khẩu lương thực của Trung Quốc trong những năm này lên tới đỉnh điểm, tính riêng năm 1959, xuất khẩu tới 4,2 triệu tấn lương thực, gấp 2 lần lượng lương thực xuất khẩu trong năm được mùa 1957.
Chính quyền đã tước đoạt khẩu phần ăn của người dân để xuất khẩu sang Liên Xô, khiến từ năm 1958 đến 1961, có 40 triệu người Trung Quốc bị chết đói. Sau này người ta phát hiện ra trong tác phẩm “Mao Trạch Đông: Những câu chuyện ít biết” rằng vào ngày 15/10/1957, Liên Xô và ĐCSTQ đã ký kết “Hiệp định Kỹ thuật Quốc phòng mới” tại Moscow: Liên Xô cung cấp cho Trung Quốc một mô hình bom nguyên tử. Các bộ của Liên Xô tiếp nhận chỉ thị: “Cung cấp cho phía Trung Quốc tất cả những thứ để họ có thể tự chế tạo bom nguyên tử”. Hàng loạt chuyên gia hỏa tiễn đã được điều động tới Trung Quốc. Chỉ để có bom nguyên tử, ĐCSTQ đã rắp tâm khiến hàng chục triệu người chết đói trong phong trào “đại nhảy vọt” này.
Trong lúc cận kề cái chết vì đói, nông dân đã liều lĩnh cướp ngũ cốc tại các kho lương thực. ĐCSTQ ra lệnh bắn vào đám đông để trấn áp rồi sau đó dán nhãn cho những người bị chết là các phần tử phản cách mạng.
Những người can đảm phản đối chính sách trưng thu lương thực, bảo vệ người dân đều bị chụp lên cái mũ “làm chính trị” rồi bãi chức, điều tra. Điển hình là Nguyên soái Bành Đức Hoài bị chụp cho cái mũ “phần tử cánh hữu” và “làm chính trị” rồi bị mất chức và đánh hạ.
Năm 1959, trong Hội nghị lần thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Khóa 2, ông Lưu Thiếu Kỳ trúng cử Chủ tịch nước. Khi ấy trên chính trường Trung Quốc xuất hiện 2 vị Chủ tịch, một là Chủ tịch Đảng Mao Trạch Đông, hai là Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ.
Trước tình cảnh hàng chục triệu người chết đói, cả nước bao trùm bởi cảnh chết chóc tang thương, ông Lưu Thiếu Kỳ đã bị thảm cảnh này đánh thức lương tâm và cho rằng Trung Quốc không thể cứ tiếp tục thế này mãi được. Ông phản đối chính sách sưu cao thuế nặng điên cuồng mà ông Mao áp lên người dân.
Tháng 1/1962, trong “Đại hội bảy ngàn người”, là hội nghị có quy mô lớn nhất của ĐCSTQ, ông Lưu Thiếu Kỳ đã có lời phát biểu bác bỏ báo cáo dối trá của ĐCSTQ về kết quả tốt đẹp của “Đại nhảy vọt”. Ông Lưu nói sự thật: “Tình hình không tốt, “nhân dân không đủ ăn, thực phẩm không đủ, thịt, dầu, v.v. không đủ; mặc cũng không đủ, vải bị thiếu rất nhiều; cứ như vậy không được.” “Chúng ta lúc đầu cho rằng, về phương diện công nghiệp và nông nghiệp, mấy năm qua đều có đại nhảy vọt… thế nhưng hiện tại không những chẳng tiến lên, mà còn thụt lùi rất nhiều… Nguyên nhân gây ra khó khăn là ‘ba phần thiên tai, bảy phần nhân họa’”.
Bài phát biểu của ông đã nhận được sự đồng cảm từ trong tâm của các đại biểu khác. Sau đó, họ đều lần lượt nói lên suy nghĩ chân thực của mình và phản đối việc tiếp tục chính sách “Đại nhảy vọt”. Cuối cùng, ông Mao Trạch Đông bất đắc dĩ phải “tự phê bình” và bị buộc phải nhịn nhục hạ thấp chỉ tiêu trưng thu lương thực năm 1962. Nạn đói lớn của Trung Quốc cuối cùng đã kết thúc. Từ đó ông Mao hận ông Lưu đến “nghiến răng nghiến lợi”.
Ngày 3/1/1965, ông Lưu Thiếu Kỳ lại trúng cử Chủ tịch nước lần thứ 2. Khắp nơi trên toàn quốc, người ta tổ chức các hoạt động chào mừng, múa sư tử, đốt pháo, đồng thời trưng cả ảnh của ông Mao và ông Lưu. Báo chí viết: “Mao Chủ tịch, Lưu Chủ tịch đều là những lãnh đạo kính yêu nhất của chúng ta”.
Trung Quốc xuất hiện “hai mặt trời”, đây là điều khiến ông Mao không sao chịu nổi; ông ta nhất định phải đánh đổ ông Lưu Thiếu Kỳ, đồng thời để trả mối thù trong “đại hội bảy nghìn người”. Tuy nhiên, lúc ấy uy tín của Lưu Chủ tịch trong nội bộ Đảng ngày một tăng, chỉ dựa vào lực lượng trong Đảng để đánh đổ ông Lưu thì không phải dễ; do đó ông Mao đã phát động cái gọi là “cuộc vận động quần chúng” trong “Đại cách mạng văn hóa”.
Tháng 10/1966, ông Mao vận động Hồng vệ binh phê phán đường lối phản động của giai cấp tư sản. Phương thức là viết báo chữ lớn công kích, mở các hội nghị đấu tố, diễu phố. Những cán bộ Đảng không nghe theo lập tức bị chụp cho cái mũ “phản động” hay “làm chính trị” để đấu tố.
Ngày 25/12/1966, ông Mao chỉ thị cho 5 nghìn sinh viên tạo phản của Đại học Thanh Hoa tiến hành tuần hành tại Bắc Kinh, rải truyền đơn, hô khẩu hiệu, chạy xe gắn loa công suất lớn, hô to: “Đả đảo Lưu Thiếu Kỳ!” Đây chính là đại hành động “25/12″ chấn động cả trong và ngoài nước; ông Mao đã lợi dụng Hồng vệ binh để đẩy khẩu hiệu “đả đảo Lưu Thiếu Kỳ” ra toàn xã hội.
Từ đó trở đi nhiều đại hội được mở ra nhằm phê phán và đấu tố (phê đấu) ông Lưu Thiếu Kỳ. Ngày 1/4/1967, tờ “Nhân dân Nhật báo” đăng một bài viết tuyên bố ông Lưu Thiếu Kỳ là phản động, là “kẻ đương quyền lớn nhất trong Đảng đi theo con đường chủ nghĩa tư bản”, chụp cho ông Lưu cái mũ “làm chính trị”.
Trong ngày hôm ấy đại hội 30 vạn người được triệu tập để phê đấu vợ ông Lưu Thiếu Kỳ là bà Vương Quang Mỹ. Tháng 8/1967, Trung Nam Hải mở một đại hội phê đấu ông Lưu Thiếu Kỳ, “Lưu Thiếu Kỳ bị đánh ngã xuống đất, lại bị hết người này tới người khác dẫm đạp lên”. Đại hội phê đấu được làm thành phim để ông Mao Trạch Đông thưởng thức; ông ta vui vẻ xem cảnh đối thủ của mình bị đả hạ và phê đấu. Năm 1969, ông Lưu Thiếu Kỳ đã bị ĐCSTQ bức hại đến chết trong nhà giam.
Trong các cuộc vận động chính trị tại Trung Quốc, những người bị gán cho cái mác “làm chính trị” này hầu hết đều có những tư tưởng đổi mới, vì dân vì nước mà cất lên tiếng nói của mình. Nhưng vì tư tưởng này đi ngược với quyền lợi của Đảng, hay quyền lợi của người nắm quyền lực, vì vậy mà họ đều bị đấu tố và đánh đổ.
Cuộc thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989
Ngày nay khi mà truyền thông thế giới đã lên tiếng kêu gọi sự công khai minh bạch thông tin về cuộc thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4/6/1989, ĐCSTQ vẫn một mực bưng bít, giấu giếm và không thừa nhận điều này.
Chính quyền của ĐCSTQ đã huy động 180.000 quân với xe tăng rầm rộ tiến vào thành phố để trấn áp cuộc biểu tình của những học sinh sinh viên yêu nước, muốn cất lên tiếng nói của mình trong bối cảnh Trung Quốc đói khổ lầm than và quan chức tham nhũng tràn lan, không quan tâm đến nỗi thống khổ của người dân.
Ông Đặng Tiểu Bình còn tuyên bố “Chúng ta sẽ giết 200 nghìn người để đổi lấy 20 năm ổn định”. ĐCSTQ vu khống cho những học sinh sinh viên này là những phần tử bạo loạn phản cách mạng, bắt cóc và giết chết nhiều binh lính, đang chiếm giữ quảng trường Thiên An Môn nên cần phải bị tiêu diệt để bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân.
Quân lính đã nhận lệnh và tin điều này. Họ tiến vào quảng trường Thiên An Môn và xả súng vào hàng ngàn người tay không tấc sắt, xe tăng nghiền nát tất cả các chướng ngại vật và sinh viên. Họ không thể ngờ rằng hành động này đã mang lại nỗi ân hận và tội lỗi lớn nhất trong cuộc đời của họ và không sao gột rửa hết được.
Sau cuộc thảm sát, những người tham gia biểu tình đều bị ghi lý lịch, bị xem như những phần tử “phản cách mạng”, bị chụp mũ “làm chính trị” khiến tương lai sự nghiệp coi như chấm hết.
Những người lính 26 năm trước từng giương súng bắn vào sinh viên, hay lái xe tăng nghiền nát thân thể họ, giờ đây đã nhận ra rằng mình bị Đảng lừa dối. Người mà họ giết chết không phải là những “kẻ phản động” hay “làm chính trị” chống lại nhân dân, mà đó là những con người hoàn toàn vô tội, khát khao tự do.
Đến tập luyện khí công cũng bị dán nhãn là “làm chính trị”
Từ năm 1992, Pháp Luân Công, một môn khí công với 5 bài luyện tập thân thể và tu luyện tâm tính theo Chân Thiện Nhẫn, bắt đầu trở nên phổ biến tại Trung Quốc. Vì những lợi ích về sức khỏe và đề cao đạo đức mà môn khí công này mang lại cho người dân, số lượng người theo tập tại Trung Quốc đã tăng lên rất nhanh chóng. Đến năm 1999, ước tính có khoảng 100 triệu người theo tập.
Lãnh đạo ĐCSTQ khi đó là ông Giang Trạch Dân, vốn đã quen nghe người khác ca ngợi mình. Vào thời đó, khi đi đâu ông Giang cũng nghe người khác nói về những lợi ích sức khỏe do tập Pháp Luân Công. Khi đọc báo hay nghe tin, ông Giang đều thấy nhiều tấm gương người tốt việc tốt là các học viên Pháp Luân Công, điều này khiến sự đố kỵ của ông Giang dâng cao.
Ghen gét, đố kỵ vì ông Giang cảm thấy tầm ảnh hưởng của mình đối với người dân Trung Quốc ngày càng giảm dần, trong khi ảnh hưởng của Pháp Luân Công đối với người dân ngày càng tăng cao.
Đến năm 1999, số người tham gia luyện tập đã là 100 triệu người (theo thống kê của chính quyền), trong khi đó số Đảng viên chỉ có 60 triệu người (tức lớn hơn nhiều số Đảng viên), và có khoảng 20 triệu Đảng viên cũng theo tập Pháp Luân Công. Điều này khiến ông Giang cảm thấy rất ghen ghét đố kỵ.
Do đó, ông Giang đã quyết định phải đàn áp Pháp Luân Công bất chấp sự phản đối của 6 vị thường ủy Bộ Chính trị trong đó có Thủ tướng Chu Dung Cơ.
Người dân Trung Quốc khi đó không thể hiểu được vì sao Pháp Luân Công tốt thế, chính quyền đang rất ủng hộ phát triển lại quay sang cấm đoán luyện tập. Họ cùng nhau đến Trung Nam Hải để nói cho chính quyền biết những lợi ích do tập luyện Pháp Luân Công mang lại. Có khoảng 10.000 người tập Pháp Luân Công đã đến Trung Nam Hải bằng các phương tiện khác nhau từ khắp các tỉnh thành trong cả nước. Đám đông 10.000 người ấy hết sức ôn hòa, không có khẩu hiệu, không hô hào la ó, chỉ im lặng và trật tự đứng bên ngoài Trung Nam Hải.
Cảnh sát được huy động tối đa nhằm kiểm soát đám đông này. Thủ tướng Chu Dung Cơ đã có mặt để giải quyết, ông bảo mọi người cử ra người đại diện để vào gặp mình. Lúc này mọi người ai cũng nhìn nhau và hoàn toàn bất ngờ vì trong đó không có ai là người đại diện, không có ai là người lãnh đạo, không có ai đứng ra tổ chức. Tất cả chỉ chung một tâm niệm nói rõ sự tốt lành mà mọi người có được nhờ tập Pháp Luân Công.
Cuối cùng 1 người cảnh vệ của Thủ tướng Chu Dung Cơ đã chỉ định 3 người gần đó vào giải quyết, và mọi việc đã tốt đẹp khi ông Thủ tướng tuyên bố không cấm tập luyện Pháp Luân Công trên toàn quốc.
Trong lúc chờ đợi được giải quyết, đám đông ôn hòa đứng tập các bài công pháp. Cảnh sát nhàn nhã chẳng có việc gì phải làm nên đứng hút thuốc và vứt đầu mẩu thuốc lá xuống đầy đường.
Khi giải tán, những người đi thỉnh nguyện này đã nhặt sạch những đầu mẩu thuốc lá mà cảnh sát vứt lại. Đường phố sạch sẽ như trước đó chưa hề có cuộc thỉnh nguyện của 10.000 người. Trên đường trở về một số học viên đã bị cảnh sát bắt.
Một cuộc thỉnh nguyện ôn hòa đến thế đã bị ông Giang Trạch Dân vu cho là Pháp Luân Công “làm chính trị” và ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công.
Ngày 20/7/1999, theo lệnh của ông Giang, tất cả các phương tiện phát thanh, truyền hình, báo chí đang ca ngợi Pháp Luân Công bỗng quay ngược trở lại vu khống và đả kích môn tập này để dọn đường cho cuộc đàn áp.
Sau đó ông Giang và người phụ trách đàn áp Pháp Luân Công là ông La Cán đã chỉ đạo dàn dựng việc học viên Pháp Luân Công tự thiêu trên quảng trường Thiên An Môn, nhằm lấy lý do để gia tăng đàn áp. Thế nhưng truyền thông thế giới sớm phát hiện ra cảnh tự thiêu trên phim là dàn dựng và bộ phim “Lửa giả” đã vạch trần việc dàn dựng này.
ĐCSTQ tự đặt mình cao hơn hết thảy, cao hơn nhân dân, cao hơn nhà nước, cao hơn pháp luật nên sẵn sàng dùng quyền lực để thanh trừ bất kỳ ai mà họ muốn, bằng cách chụp lên đầu họ một cái mũ nào đó, như “làm chính trị” chẳng hạn.
Ai bị chụp lên cái mũ này thì bị mặc nhiên coi là đối lập với chính quyền, đối lập với Đảng, đối lập với nhân dân và bị đả kích thậm tệ. Thậm chí nếu thấy họ có ảnh hưởng đến quyền lực của Đảng thì có thể bị bỏ tù hoặc tử hình.
Ngày nay tác dụng của việc chụp mũ “làm chính trị” đối với người dân Trung Quốc như thế nào?
Thế nhưng lịch sử trôi qua đến ngày nay, nhiều người đã hiểu được sự thật của những từ chụp mũ này, nhất là những người trong giới trí thức.
Người ta cũng hiểu ra rất nhiều điều mâu thuẫn trong cách dùng từ của ĐCSTQ. Nếu ai đọc hay học hỏi được điều gì tốt và muốn thay đổi hay cải cách nhưng không có lợi cho quyền lực của Đảng thì bị phán ngay là “lập trường quan điểm có vấn đề” hay “bản lĩnh chính trị không vững vàng”. Tuy nhiên nếu người đó có quan điểm, lập luận vững vàng thì lại bị chụp ngay cái mũ là “làm chính trị”.
Tuy nhiên ngày nay, việc chụp mũ này có vẻ không còn phát huy tác dụng nhiều như trước nữa khi mà nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao, và đặc biệt là các chính sách hà khắc của chính quyền đã dồn họ đến bước đường cùng nên họ không còn sợ gì nữa.
Bên cạnh đó, cũng như việc lạm dụng thuốc sẽ gặp tác dụng phụ, việc càng dùng nhiều chiêu thức chụp mũ này càng khiến người dân hiểu rõ hơn bản chất thật sự của Đảng rằng bất kỳ một tư tưởng tiến bộ nào trái với tư tưởng của Đảng, hay ảnh hưởng tới quyền lực của Đảng đều bị vu khống và chụp cho cái mũ “làm chính trị” hay “có tư tưởng phản động” để tiến hành thanh trừ.
Theo daikynguyenvn.com