Những thủ đoạn TQ đánh cắp công nghệ và thông tin cơ mật của Mỹ
Nhiều thập kỷ qua, đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã âm thầm thực hiện mục tiêu chiến lược trở thành bá chủ thế giới bằng nhiều thủ đoạn đánh cắp công nghệ và những thông tin cơ mật của Mỹ.
“Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn tìm cách đánh cắp bí mật công nghệ của Mỹ và họ rất giỏi trong việc này”. Bài viết trên kênh Tài chính của Yahoo ngày 18/8 tựa đề “Trung Quốc (ĐCSTQ) dùng những thủ đoạn nào để đánh cắp bí mật công nghệ của Mỹ” đã mở đầu như thế.
Về vấn đề này, tại tại Diễn đàn An ninh Aspen tổ chức ở Afghanistan hồi tháng 7/2018, Giám đốc Christopher Wray của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã nhận định: “Từ quan điểm phản gián, Trung Quốc (ĐCSTQ) là thách thức lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt với tư cách một quốc gia”.
Một báo cáo gần đây của chính phủ Mỹ mang tên “Gián điệp kinh tế nước ngoài trên không gian mạng” cũng chỉ ra những cách mà ĐCSTQ đã đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và thông tin cơ mật của chính phủ Mỹ như thế nào.
Trong báo cáo này, Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia Mỹ (NCSC) đã chỉ ra rằng, ĐCSTQ “đã có những nỗ lực to lớn” trong việc mua lại công nghệ của Mỹ, bao gồm bí mật thương mại nhạy cảm và thông tin độc quyền. “Họ tiếp tục sử dụng gián điệp mạng để hỗ trợ các mục tiêu phát triển chiến lược: Thúc đẩy tiến bộ công nghệ, hiện đại hóa quân sự và các mục tiêu chính sách kinh tế”.
NCSC đã chỉ ra, ĐCSTQ muốn thúc đẩy các mục tiêu chiến lược bằng cách sử dụng gián điệp mạng. Đối tượng của gián điệp mạng là các công ty tư nhân ở Mỹ, tập trung vào các nhà thầu quốc phòng hoặc các công ty IT và truyền thông (có sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ chính phủ và mạng lưới khu vực tư nhân toàn cầu).
Báo cáo NCSC đã phân tích chi tiết chiến lược của ĐCSTQ trong hợp tác học thuật, hoạt động gián điệp con người và hacker tấn công mạng internet, qua đó tiết lộ thủ đoạn Bắc Kinh đầu tư tinh lực để có được bí quyết công nghệ của người Mỹ.
“Chúng tôi tin rằng Trung Quốc (ĐCSTQ) bằng phương tiện mạng Internet hoặc bằng cách khác, sẽ tiếp tục là mối đe dọa đối với công nghệ mũi nhọn và quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ”. Báo cáo cho biết, “Nếu mối đe dọa này không được giải quyết, về lâu dài sẽ làm suy yếu năng lực cạnh tranh kinh tế của Mỹ”.
Về thủ đoạn đánh cắp của ĐCSTQ
Bài viết trên trang tài chính Yahoo chỉ ra, thủ đoạn mà ĐCSTQ dùng không chỉ thông qua tình báo kiểu truyền thống, mà còn theo những cách phi truyền thống. Cụ thể, có thể chia thành các loại sau:
Dịch vụ tình báo và hacker không gian mạng
Ví dụ, vào ngày 2/6, cựu sĩ quan tình báo Mỹ Ron Rockwell Hansen đã bị FBI bắt giữ tại Sân bay Quốc tế Seattle – Tacoma khi ông này trên đường đến Trung Quốc. Hansen bị buộc tội có ý đồ tiết lộ thông tin quốc phòng của Mỹ cho ĐCSTQ để thu được “hàng trăm ngàn đô la Mỹ”. Đồng thời, ông ta cũng đã hành động bất hợp pháp như một đặc vụ của chính phủ Trung Quốc.
Bài báo chỉ ra trường hợp Hansen chỉ là một trong nhiều trường hợp mà ĐCSTQ đã nhắm vào các công dân Mỹ để có được các bí mật quốc phòng của Mỹ (từ máy bay quân sự tới các hệ thống hạt nhân của Mỹ).
Nếu ĐCSTQ không thể thu hút các quan chức tình báo hoặc người trong cuộc của Mỹ, họ cũng sẽ dùng hacker tấn công, chẳng hạn như trường hợp của máy bay chiến đấu F-35.
Các chuyên gia quốc phòng Mỹ đã sớm chỉ ra rằng các máy bay chiến đấu tàng hình của ĐCSTQ và chiếc F-35 của Mỹ có những điểm tương đồng nổi bật.
Giới bình luận có nhận định rằng, Trung Quốc đã dùng lực lượng tin tặc đánh cắp thông tin công nghệ vũ khí từ các nhà thầu quốc phòng của Mỹ. Chiếc F-35 đã được Trung Quốc cải biến thành loại máy bay chiến đấu tàng hình, tiêu biểu như J-31 và Chengdu J-20.
Tình báo kiểu phi truyền thống
Thu thập thông tin tình báo kiểu phi truyền thống mà ĐCSTQ thực hiện bao gồm: Lôi kéo các chuyên gia nước ngoài làm việc trong những lĩnh vực quan trọng cung cấp cho Trung Quốc những công nghệ của Mỹ; lôi kéo doanh nghiệp liên doanh chuyển giao công nghệ; mua lại các công ty Mỹ để có được công nghệ; các chương trình tuyển dụng nhân sự để thu hút nhân tài nước ngoài làm việc tại Trung Quốc.
1. Thu hút chuyên gia nước ngoài trong các lĩnh vực quan trọng
Theo báo cáo của NCSC, Trung Quốc (ĐCSTQ) đã sử dụng các chuyên gia khoa học công nghệ để đánh cắp công nghệ của Mỹ.
Ví dụ, Trịnh Hiếu Thanh (Xiaoqing Zheng), một người Mỹ gốc Hoa của công ty General Electric bị bắt vào đầu tháng 8/2018 vì ăn cắp các tập tin điện tử dạng cơ mật về công nghệ tăng áp (turbo) của công ty và tiết lộ cho công ty Trung Quốc.
Các nhà điều tra phát hiện ra Trịnh có quan hệ lợi ích với nhiều công ty công nghệ hàng không vũ trụ có bối cảnh hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Cộng sản Trung Quốc, bản thân ông ta cũng sở hữu một công ty công nghệ ở Nam Kinh. FBI đã tịch thu được một cuốn sổ tay trong nhà của ông ta, cuốn sổ có các thông tin liên quan đến nhân viên tình báo của chính phủ Trung Quốc cung cấp tài trợ cho ông ta để thu về những thông tin kỹ thuật công nghệ.
Năm 2014, nhân viên an ninh của công ty General Electric đã phát hiện Trịnh Hiếu Thanh đã sao chép hơn 19.000 tệp tài liệu từ máy tính của General Electric sang thiết bị lưu trữ bên ngoài. Sau đó, Trịnh đã khai với các quan chức General Electric rằng các tài liệu đã bị xóa bỏ. Tuy nhiên, vào năm 2017, Trịnh lại tiếp tục vi phạm.
Trang tin tức chính trị Politico tại Mỹ chỉ ra, Trung Quốc đặc biệt chú ý nhắm vào các công ty công nghệ cao hàng đầu thế giới tập trung tại Thung lũng Silicon, nhưng nhiều công ty mục tiêu đã không được chuẩn bị tốt để đối phó với các mối đe dọa bị đánh cắp công nghệ ngày càng gia tăng.
Kathleen Puckett, một cựu quan chức phản gián của Vùng Vịnh cho biết, ĐCSTQ đã tập trung mọi tinh lực vào hoạt động gián điệp tại Thung lũng Silicon.
Tháng 7/2018, chính phủ Mỹ đã bắt giữ cựu kỹ sư của Apple là Trương Hiểu Lãng (XiaoLang Zhang) vì đã đánh cắp bí mật công nghệ xe không người lái cung cấp cho một công ty khởi nghiệp Trung Quốc.
2. Liên doanh
Một cách khác để ĐCSTQ ăn cắp công nghệ là sử dụng các công ty liên doanh để tiếp cận công nghệ và bí quyết kỹ thuật.
Doanh nghiệp liên doanh về mặt lý thuyết là quan hệ đối tác: Hai công ty làm việc cùng nhau để học hỏi các phương pháp hay nhất của nhau. Nhưng khi hợp tác với các công ty Trung Quốc, quan hệ đối tác này sẽ trở nên mờ nhạt.
Trong một thời gian dài, nhiều công ty quốc tế đã phàn nàn rằng ĐCSTQ yêu cầu họ trao các bí mật thương mại để đổi lấy việc tiếp cận thị trường ở Trung Quốc.
Trong một số ngành, ĐCSTQ chỉ cho phép các công ty nước ngoài hoạt động thông qua liên doanh. Trong đó, phía Trung Quốc phải chiếm đa số để chi phối được tình hình.
Một báo cáo khảo sát do Viện Nghiên cứu kinh tế Quốc gia Mỹ (NEBR) tiết lộ, công ty Trung Quốc lợi dụng vào mối quan hệ liên doanh để thu được kiến thức kinh doanh phong phú từ các công ty hạt giống nước ngoài, sau đó cho sản xuất sản phẩm tương tự và cạnh tranh với công ty nước ngoài.
Đã có hàng loạt công ty nước ngoài cáo buộc rằng cách liên doanh này chẳng khác nào họ tự huấn luyện cho các đối thủ cạnh tranh với họ trong tương lai.
Trong một cuộc khảo sát năm 2017 của Ủy ban Thương mại Mỹ – Trung, gần 20% công ty Mỹ ở Trung Quốc cho biết trong quá trình đàm phán với phía Trung Quốc, họ bị yêu cầu chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc.
Thomas Holmes, tác giả báo cáo NEBR chia sẻ với kênh Tài chính Yahoo rằng, để theo dõi những trường hợp này rất khó vì các công ty nước ngoài phải giữ im lặng do đã có những thỏa thuận hợp tác với phía Trung Quốc để được tham gia vào thị trường Trung Quốc.
Holmes trích dẫn một trường hợp liên quan đến công ty Đức Siemens (SIE.DE), đây cũng là một trong những trường hợp mà ĐCSTQ lợi dụng việc liên doanh để lấy cắp thông tin.
Năm 2011, Giám đốc điều hành Kron (Patrick Kron) của công ty kỹ thuật Pháp Alstom (ALO.PA) cho biết, hãng Siemens có thể đã vô tình cung cấp chuyên môn kỹ thuật cho các công ty Trung Quốc thông qua dự án hợp tác tàu cao tốc.
Kron cho biết, Alstom không muốn tham gia quan hệ đối tác với Trung Quốc vì ông không muốn bàn giao “các thành phần công nghệ cao” cho các đối tác Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc có thể sử dụng những công nghệ cao này để cạnh tranh với họ.
Alstom đã sớm khẳng định rằng 90% công nghệ đường sắt tốc độ cao được Trung Quốc sử dụng là lấy từ các công ty đối tác nước ngoài hoặc từ thiết bị do các công ty nước ngoài phát triển.
3. Sáp nhập và mua lại
Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã dùng thủ đoạn sáp nhập và mua lại để thu được bí mật thương mại và công nghệ của các công ty nước ngoài, thủ đoạn đã thu hút sự chú ý của các nước châu Âu và Mỹ.
Trong một số trường hợp, ĐCSTQ đã công khai chọn mua các công ty nước ngoài để có được các công nghệ quan trọng, thiết bị và nhân viên chủ chốt. Tuy nhiên, nhiều vụ mua lại cuối cùng lại phải qua xem xét của Ủy ban Đầu tư nước ngoài Mỹ (CFIUS).
Sau khi Tổng thống Trump nhậm chức, CFIUS đã tăng cường công tác đánh giá các vụ mua lại của Trung Quốc và từ chối nhiều vụ mua lại trên cơ sở an ninh quốc gia.
“Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Mỹ 2019” (NDAA) mà Tổng thống Trump ký có hiệu lực vào ngày 13/8 khiến nhiệm vụ của CFIUS được mở rộng. Tổ chức này có trách nhiệm đánh giá các nhà đầu tư và các công ty nước ngoài hoạt động mua bán cổ phiếu và thu mua công ty tại Mỹ, nhằm đảm bảo các giao dịch không gây hại cho an ninh quốc gia của Mỹ.
Vào tháng 2/2018, Mỹ đã từ chối quỹ đầu tư bán dẫn Hâm Viêm Hồ Bắc (Hubei Xinyan Equity Investment Partnership) của Trung Quốc mua lại công ty Mỹ Xcerra. Mặc dù Xcerra chỉ sản xuất thiết bị kiểm tra chip chứ không phải chính con chip, nhưng thiết bị của Xcerra được các nhà sản xuất chip sử dụng, những doanh nghiệp sản xuất con chip là một phần chuỗi cung ứng của chính phủ và quân đội Mỹ. Do đó, CFIUS không thể thông qua thương vụ.
4. Kế hoạch chiêu mộ nhân tài
ĐCSTQ cũng thu hút người tài bằng mức lương cao và các điều kiện thuận lợi khác để họ đến Trung Quốc tham gia vào các kế hoạch chiến lược quan trọng.
Đầu năm 2017, cựu kỹ sư hạt nhân người Mỹ gốc Trung Quốc là Hà Tắc Hùng (Allen Ho) đã nhận tội tại Tòa án Quận liên bang Tennessee. Ông ta bị buộc tội cung cấp công nghệ hạt nhân bất hợp pháp cho ĐCSTQ. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, từ năm 1997 đến tháng 4/2016, ông Allen Ho đã hợp tác với đối tác ở Trung Quốc nghiên cứu và phát triển vật liệu hạt nhân mà không có sự chấp thuận của Bộ Năng lượng Mỹ.
Ông Allen Ho được Tổng công ty Điện hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CGNPC) thuê làm tư vấn và giúp công ty tuyển dụng các kỹ sư công nghệ hạt nhân của Mỹ để hỗ trợ thiết kế và chế tạo các bộ phận cho lò phản ứng hạt nhân. CGNPC nằm dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Tài sản công Chính phủ Trung Quốc.
Theo Trithucvn