Những cuộc chiến thương mại thù nghịch của Trung Quốc
Từ Mỹ, EU đến Nhật Bản hay Philippines, tất cả các đối tác thương mại đều từng phải chịu hậu quả khi chẳng may động chạm đến quyền lợi của Trung Quốc.
1. Cuộc chiến chuối với Philippines
Ngày 8/4, tàu chiến lớn nhất của Philippines đụng độ một đội tàu giám sát Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough (Biển Đông) khi phát hiện nhiều ngư dân nước bạn đang đánh bắt cá ở đây. Chỉ vài tuần sau, Trung Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu chuối từ Philippines. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là chiêu “giết gà dọa khỉ” vì Trung Quốc chiếm tới 30% thị trường xuất khẩu chuối của Philippines.
Cuộc chiến thương mại giữa hai nước đã âm ỉ từ tháng 3 khi nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tố cáo chuối của Philippines nhiễm thuốc trừ sâu và không an toàn cho người dân nước này.
Ngoài ra, Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng Trung Quốc còn tăng cường kiểm tra các mặt hàng như đu đủ, xoài, dừa và dứa của Philippines. Vì thế, nước này phải chuyển hướng sang các thị trường xuất khẩu như Trung Đông và một số quốc gia lân cận.
Ngành du lịch Philippines cũng bị vạ lây khi Trung Quốc khuyến cáo công dân nước mình không nên đến đây vì lý do an ninh. Việc này khiến không chỉ Philippines mà ngay các hãng lữ hành Trung Quốc cũng thiệt hại nặng nề vì phải hủy tour. Trung Quốc là thị trường khách du lịch lớn thứ 4 của quốc gia này, chiếm từ 20-60% tổng khách nước ngoài của nhiều khu nghỉ dưỡng tại đây.
Cho đến ngày 29/5, Trung Quốc mới bắt đầu nhập khẩu trở lại chuối từ Philippines. Tổng thiệt hại lệnh cấm này gây ra cho Philippines ước tính vào khoảng 33,6 triệu USD.
2. Chiến tranh đất hiếm với Nhật Bản
Ngày 7/9/2010, Nhật Bản bắt giữ một thuyền trưởng Trung Quốc khi tàu đánh cá của ông này va chạm với hai tàu tuần tra của Nhật Bản tại hòn đảo tranh chấp Sensaku/Điếu ngư nằm giữa Okinawa và Đài Loan. Sau đó ít ngày, New York Times đưa tin Trung Quốc đã ra lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm vào Nhật Bản từ 21/9. Đây là nguyên liệu quan trọng để sản xuất nhiều thiết bị từ pin năng lượng mặt trời đến hệ thống dẫn đường cho tên lửa và động cơ ô tô.
Chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ thông tin trên. Tuy nhiên, lãnh đạo một công ty Nhật Bản cho hay, Toyota – một trong những khách hàng của ông đã bày tỏ lo ngại về việc nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc đang bị hạn chế. Trung Quốc kiểm soát tới 95% đất hiếm của thế giới và thậm chí còn cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu hàng năm theo lộ trình. Trong khi đó, nguyên liệu này lại là một trong những “gót chân Achilles” của Nhật Bản. Cường quốc số ba thế giới hiện phải nhập tới 96% đất hiếm từ Trung Quốc.
Tương tự như với Philippines, Trung Quốc cũng khuyến cáo các công ty du lịch nhà nước không được để tên và ảnh của Nhật Bản để quảng cáo. Tuy nhiên, tính chung thương mại song phương của hai nước năm 2010 chỉ bị ảnh hưởng không đáng kể.
3. Cuộc chiến cá hồi với Na uy
Trung Quốc không chỉ nhắm đến các quốc gia châu Á. Ví dụ điển hình về việc nước này ưa thích dùng kinh tế để gây ảnh hưởng chính trị là khi Hội đồng Nobel Na Uy quyết định trao giải Nobel Hòa bình 2010 cho ông Lưu Hiểu Ba, một người đang thụ án tù ở Trung Quốc.
Khi thông tin này được công bố, Trung Quốc ngay lập tức triệu tập đại sứ Na Uy đến để phản đối. Họ cũng cảnh báo việc này có thể tổn tại đến mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Oslo, dù thực tế là Hội đồng Nobel hoàn toàn độc lập so với chính phủ Na Uy. Trung Quốc còn khuyến cáo các đoàn ngoại giao nước ngoài gửi đại diện đến dự lễ trao giải Nobel Hòa bình sẽ phải chịu hậu quả. Vì vậy, tổng cộng 18 quốc gia đã vắng mặt trong sự kiện này.
Trong nhiều tháng sau đó, Trung Quốc gần như đóng băng mọi thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Na Uy và áp đặt lệnh kiểm tra nghiêm ngặt với sản phẩm cá hồi nhập khẩu từ nước này. Vì thế, lượng cá hồi từ Na Uy xuất sang Trung Quốc đã giảm tới 60% trong năm 2011. Trong khi đó, nhu cầu từ thị trường Trung Quốc lại tăng 30%.
4. Chiêu bài chống bán phá giá hàng hóa từ Mỹ
Chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế này đã kéo dài trong nhiều năm qua và luôn là tâm điểm chú ý của cả thế giới. Tháng 9/2009, Mỹ tuyên bố nâng thuế nhập khẩu lốp xe từ Trung Quốc lên 35%. Bộ Thương mại Trung Quốc phản ứng rất gay gắt với việc này và đáp trả bằng thông báo sẽ điều tra liệu các thiết bị ôtô và thịt gà nhập từ Mỹ có được trợ giá hoặc bán phá giá ở thị trường nước này hay không.
Tháng 10/2009, Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá lên túi nylon nhập khẩu từ Mỹ, EU, Nga và cả Đài Loan. Trong đó, mức thuế dành cho Mỹ là 36%.
Tháng 12/2009, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ tuyên bố thị trường nước này đang bị lũng đoạn bởi thép được trợ giá của Trung Quốc. Vì vậy, họ đã áp thuế từ 10% – 16% đối với các sản phẩm ống thép dùng để chiết xuất dầu mỏ và khí gas được nhập từ Trung Quốc.
Tháng 3/2012, Mỹ, Nhật Bản và EU cùng đâm đơn kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) do nước này hạn chế xuất khẩu đất hiếm. Họ cho rằng động thái của Bắc Kinh là để đẩy giá đất hiếm lên cao một cách bất hợp pháp. Còn Trung Quốc thì lại giải thích việc này chỉ nhằm bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Cũng trong tháng 3, Bộ Thương mại Mỹ thông báo nâng thuế nhập khẩu đối với các loại pin mặt trời của Trung Quốc với lý do nước này bán phá giá. Cụ thể, thuế cho các sản phẩm này sẽ từ 31% trở lên. Trung Quốc kịch liệt phản đối chính sách trên và cảnh báo thuế cao sẽ gây thiệt hại cho ngành công nghiệp năng lượng sạch của Mỹ.
5. Cuộc chiến chống bán phá giá với EU
Tháng 4/2006, EU áp thuế chống bán phá giá lên giày da Trung Quốc với mức khởi điểm 4,8% và sau 5 tháng sẽ tăng lên 19,4%. Đến tháng 12/2009, EU lại gia hạn mức thuế trên thêm 15 tháng nhằm bảo hộ thị trường giày da châu Âu.
Để đáp trả, chỉ vài ngày sau, Bắc Kinh tuyên bố đánh thuế chống bán phá giá lên các sản phẩm bu lông và ốc vít từ EU. Theo thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc, mức thuế này dao động từ 6,1% – 26% và sẽ kéo dài trong 5 năm.
Năm 2009, EU áp thuế chống bán phá giá lên sản phẩm thép ống nhập khẩu từ Trung Quốc. Thời hạn là 5 năm với mức thuế cao nhất có thể tới 39,2%.
Tháng 10/2011, Trung Quốc cũng tuyên bố đánh thuế chống bán phá giá lên sản phẩm Caprolactam (một hợp chất được sử dụng trong polymer tổng hợp) của Mỹ và EU. Quy định này có hiệu lực trong 5 năm với mức tối đa là 25,5%.
Đầu tháng 1/2012, Liên minh châu Âu EU chính thức thu thuế thải khí CO2 lên những hãng hàng không bay vào các quốc gia châu Âu, với mục đích chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, theo ước tính, việc này sẽ khiến vé máy bay tăng lên từ 2 – 12 euro cho một chuyến trung bình và từ 4 – 24 euro cho một chuyến xuyên Đại Tây Dương. Vì vậy, Trung Quốc đã cực lực phản đối chính sách trên và ra lệnh cấm các hãng hàng không nước này trả thuế, bắt đầu từ ngày 6/2.
6. Cuộc chiến dầu đầu nành từ Argentina
Ngày 1/4/2010, Trung Quốc thông báo cấm nhập khẩu dầu đậu nành từ Argentina với lý do các sản phẩm này không đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Cụ thể, dầu đậu nành của Argentina có chứa dung lượng chất hòa tan dùng trong xử lý quá tiêu chuẩn quy định. Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu đậu nành lớn nhất thế giới, trong khi Argentina là nước xuất khẩu sản phẩm này lớn nhất, cung cấp tới 75% nhu cầu cho Trung Quốc. Đại sứ Trung Quốc sau đó đã bị chính phủ Argetina triệu tập để phản đối quyết định trên.
Giới chuyên gia nhận định đây chỉ là một hành động nối tiếp cuộc chiến thương mại dai dẳng của hai quốc gia. Trong những tháng trước đó, Argentina đã ra lệnh hạn chế nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Trung Quốc để bảo vệ thị trường trong nước. Một số sản phẩm như giày dép và hàng dệt may của nước này còn bị áp thuế nhập khẩu. Chính phủ Argentina cho rằng hành động này là cần thiết để tránh việc hàng phá giá của Trung Quốc lũng đoạn thị trường nước này.
Đến ngày 11/10/2010, Trung Quốc đã đồng ý cho hai công ty dầu hạt và ngũ cốc nhà nước nhập khẩu lại dầu đậu nành từ Argentina. Lệnh cấm của Trung Quốc đã ảnh hưởng đáng kể đến ngân sách của Argentina khi có tới 32% thuế xuất khẩu dầu đậu nành được nộp cho chính phủ.
7. Chiến tranh thương mại Trung – Ấn
Tháng 9/2008, Ấn Độ ban lệnh cấm nhập khẩu sữa và các sản phẩm làm từ sữa của Trung Quốc do scandal nhiễm chất tẩy trắng melamine. Sau đó, nước này đã nhiều lần gia hạn lệnh cấm cho đến tận 24/6/2013 và còn cấm nhập đồ chơi Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn an toàn và điện thoại di động không có số IMEI (được dùng để theo dõi việc mua bán và sử dụng sản phẩm).
Việc này đã khiến Trung Quốc rất bất bình. Sau lần gia hạn đầu tiên của Ấn Độ, Tổng cục Quản lý chất lượng của Trung Quốc đã cảnh cáo sẽ điều tra độ an toàn và chất lượng các sản phẩm nhập khẩu từ nước này, bao gồm hải sản, các sản phẩm làm từ sữa và dầu vừng. Mục đích là gây sức ép buộc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm trên. Một quan chức nước này còn tuyên bố: “Thực ra chúng tôi vẫn rất tôn trọng Ấn Độ khi không cấm nhập khẩu các sản phẩm của họ”.
Hà Thu (tổng hợp)