Những cái giếng xuyên thời không đi vào xứ thần tiên và địa ngục dưới lòng đất
Dưới mặt đất mà con người sinh sống hàng ngàn năm nay thật sự là gì? Những văn bản cổ xưa và các nghiên cứu của khoa học hiện đại ngày nay đã thuật lại một thế giới khác dưới những cái giếng khiến nhiều người kinh ngạc.
“Bác Dị Chí” của Cốc Thần Tử thời Đường đã ghi chép lại một sự kiện. Vào năm Thần Long thứ nhất triều đại nhà Đường (năm 705), ở Phòng Châu huyện Trúc Sơn có một phú hộ tên là Âm Ẩn Khách, ông ta đã thuê một nhân công đến phía sau trang viên nhà mình đào một cái giếng nước.
Người thợ vất vả đào tận 2 năm, dù đã đào hơn 300m, nhưng bên trong giếng vẫn không có lấy một giọt nước nào, nên phải tiếp tục đào thêm hơn một tháng nữa. Bỗng một ngày nọ, người thợ chợt nghe thấy dưới đất có tiếng gà gáy, chó sủa, bèn đào thêm vài mét nữa. Trên thành giếng bỗng xuất hiện một hang đá, người thợ liền chui vào cửa động.
Người thợ phát hiện cuối hang đá đó có một ngọn núi, ông liền men theo cửa hang mà xuống núi. Khi ông đứng thẳng người, thì phát hiện đã đến một thế giới tràn ngập ánh sáng khác.
Ngọn núi này cao hơn vạn trượng, nham thạch trên núi đều là ngọc lưu ly xanh biếc. Trong mỗi một hang núi đều có cung vàng điện bạc, vô cùng nguy nga lộng lẫy.
Người thợ đi đến trước một tòa cung điện, ông ta ngẩng đầu nhìn lên cửa cung, thấy có treo một tấm hoành phi, trên đó viết “Thiên Quế Sơn Cung”, bốn chữ đều là màu bạc.
Lúc này, từ trong cửa cung có hai người bước ra, kinh ngạc nhìn ông ta. Đoán chắc rằng người này đến từ nhân gian, vì trên người ông ta toàn là mùi của cõi phàm trần. Một người trần tục như ông lại xuất hiện trước tiên cung, khiến cho nhiều người trong cung phải đề phòng cảnh giác.
Chỉ một lúc sau, có một người mặc áo đỏ đi tới, truyền lệnh cho quan gác cửa thết đãi người thợ, sau đó đưa ông ta quay trở về.
Người ở tâm Trái Đất dẫn người thợ đi tham quan “Thê Tiên Quốc”
Người gác cửa được người trong cung cho phép nên đã đưa người thợ đi tham quan ngắm nhìn cung điện. Dưới chân núi có một tòa thành, các cung điện trong thành đó đều dùng vàng bạc, châu báu tạo nên, trên cửa thành khảm ba chữ to “Thê Tiên Quốc” bằng ngọc thạch.
Người thợ hỏi “Thê Tiên Quốc” có nghĩa là gì? Người gác cổng trả lời: “Phàm là người vừa thành tiên sẽ đưa đến nơi này. Họ phải ở đây tiếp tục tu hành thêm bảy trăm ngàn ngày mới có thể lên thiên cung, hoặc là đến Ngọc Kinh nơi ở của Thiên Đế, cũng có thể đến chỗ đảo Bồng Lai, núi Côn Luân nơi ở của các vị thần tiên, hay là lên núi Cô Xạ chỗ ở của các tiên nữ. Sau đó mới được nhậm chức trên tiên cung, được trao ấn tín và ấn quan. Lúc đó mới có thể tự do tự tại bay lượn khắp mọi nơi”.
Tham quan tiên quốc nửa ngày, ở nhân gian đã trải qua gần trăm năm
Người thợ hỏi: “Nếu là tiên quốc, vậy sao lại ở bên dưới nước Đại Đường của chúng tôi?”
Người gác cổng nói: “Nơi này chẳng qua là tiên quốc ở hạ giới, phía trên đất nước của các ông vẫn còn tồn tại một tiên quốc giống như ở đây, cũng được gọi là Thê Tiên Quốc, hoàn toàn giống nơi này”.
Người gác cổng nói xong, liền bảo người thợ: “Bây giờ ông có thể quay trở về rồi!”
Mặc dù người thợ chỉ dừng lại tham quan Thê Tiên Quốc một chút, nhưng dưới nhân gian đã trôi qua mấy mươi năm, lần theo đường cũ không cách nào có thể quay trở lại được. Người gác cổng dùng chìa khóa mở cổng trời, đưa người thợ quay trở lại nhân gian.
Người thợ sau khi quay lại, liền đi tìm nhà của Âm Ẩn Khách, người ta nói với ông rằng, lúc này cũng đã qua ba bốn thế hệ rồi. Người thợ nói mình chính là người thợ mà nhà Âm Ẩn Khách năm xưa thuê về đào giếng, nhưng cũng không ai biết về chuyện này cả.
Người thợ không nghĩ rằng mình chỉ đi tham quan tiên quốc nửa ngày, mà ở nhân gian bây giờ đã là Đường Đức Tông năm Trinh Nguyên thứ bảy (năm 791). Từ đó về sau, người thợ đó bắt đầu chú tâm tu hành, không còn muốn ở lại nhân gian nữa, người ta cũng không biết ông đã đi đâu.
Đây là chuyện được ghi lại trong thư tịch cổ có liên quan đến người ở tâm Trái Đất và thế giới bên trong tâm Trái Đất. Sách cổ ghi chép lại người thời Đường đi nhầm vào tiên quốc dưới lòng đất, chuyện này được xem là vô cùng may mắn.
Hơn thế nữa, ngành nghiên cứu khoa học hiện đại cũng đã đào đến thế giới dưới lòng đất, còn ghi âm lại được một âm thanh rất chân thực, đây quả là một tin tức gây chấn động cả giới khoa học.
Liên Xô đào giếng sâu, ghi âm lại được “âm thanh địa ngục”
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh của thế kỷ trước, Liên Xô và các nước thuộc khối Cộng sản cạnh tranh với các quốc gia của châu Âu và Châu Mỹ bằng hàng loạt các nghiên cứu, bắt đầu từ việc chạy đua vũ trang, kỹ thuật khoan sâu, nghiên cứu về tâm lý siêu nhiên… Trong đó hạng mục nghiên cứu về kỹ thuật khoan sâu có độ khó không thua gì những kỹ thuật về hàng không vũ trụ.
Năm 1970, tại bán đảo Kola, Liên Xô đã cho tiến hành 16 hạng mục khoan giếng siêu sâu, do Bộ trưởng Bộ Địa chất Evgeny Kozlovsky đích thân chỉ huy. Năm 1983, đội nghiên cứu kỹ thuật khoan sâu của Liên Xô đã khoan được tận 12.000m, đội khoan lại phải tốn thêm mười năm nữa (từ năm 1983 đến 1993), mới khoan được 12.262m.
Để xác định quy luật vận động của tầng nham thạch trên vỏ Trái Đất, giới khoa học dùng phương pháp phát tín hiệu âm tần, ghi âm lại tiếng vang để tiến hành nghiên cứu. Khi thiết bị khoan đến độ sâu 12.000m, micro của nhà khoa học ghi âm được một âm thanh rất ghê rợn, được người ta gọi là “âm thanh của địa ngục”. Chuyện này đã làm chấn động cả giới khoa học Nga và giới chính trị.
Giếng khoan sâu ở Kola Liên Xô, giếng sâu tận 12.262m
Sau khi đoạn ghi âm được công bố, tờ “Ammenusastia” của Phần Lan đã đưa tin về sự việc này. Lúc ấy, người phụ trách hạng mục khoan sâu này là nhà địa chất học nổi tiếng của Liên Xô, Tiến sĩ Dmitry Azzakov.
Tiến sĩ Dmitry Azzakov cho biết, để ghi lại âm thanh vận động của tầng nham thạch ở vỏ Trái Đất, đội nghiên cứu đã đặc biệt chế tạo nên một chiếc micro bỏ xuống nơi sâu nhất, nhưng lại nghe thấy tiếng kêu chói tai giống hệt như tiếng người.
“Đó là tiếng kêu thảm thiết phát ra khi vô cùng đau đớn, lúc đầu chúng tôi cho rằng âm thanh đó là do thiết bị khoan sâu của chúng tôi gây ra, nhưng khi chúng tôi đã điều chỉnh lại thiết bị rồi ghi âm lại lần nữa, đã chứng minh được rằng tiếng kêu rên đó không phải là tiếng khóc và tiếng rên rỉ của một người nào cả, mà giống như tiếng thét và kêu rên của trăm ngàn người vậy”, Tiến sĩ Azzakov vốn không tin vào sự tồn tại của thiên đường, nhưng thực tế trước mắt khiến ông không thể không tin vào sự tồn tại của địa ngục.
Nghi vấn của nhà kinh tế học người Nga: Là ai kêu thét bên dưới độ sâu trăm ngàn mét ấy?
Chuyên mục “Sự kiện thần bí” của đài truyền hình PEH của Nga từng phỏng vấn nhà kinh tế học Sergey Semenishchev, lúc đó ông là một trong những thành viên tham gia nghiên cứu kỹ thuật đào sâu.
Khi được hỏi ông đã nói: “Nhiệt độ dưới đất rất cao, nơi đó không thể có sinh vật sinh sống được. Rốt cuộc là ai đang kêu thét? Chúng ta biết, có thể kêu thét được thì chỉ có thể là sinh vật, hoặc là những sinh vật có thân thể xương thịt như chúng ta mà thôi. Thế nhưng, thứ gì có thể kêu thét ở dưới độ sâu trăm ngàn mét đây?”
Video tiếng kêu thét thảm thiết bên dưới siêu hố khoan Kola
Đối với hiện tượng kỳ quái này, các nhà khoa học Nga khó có thể tìm ra lời giải thích hợp lý khi đứng từ góc độ khoa học, chỉ có thể chuyển hướng sang góc độ thần học tôn giáo, vì nó rất phù hợp với những miêu tả về địa ngục trong các tác phẩm như “Kinh Thánh”.
Người thời Đường đào giếng đào nhầm đến Thê Tiên Quốc, thời hiện đại đào sâu lại ghi được âm thanh của địa ngục. Hai câu chuyện này một của ngày xưa, một của ngày nay, tuy thời gian cách nhau rất xa, nhưng đều dùng một cách thức để nói với chúng ta, rằng ngoài thế giới của loài người, rất có khả năng còn có một hoặc nhiều thế giới khác đang song song tồn tại.
Tuệ Tâm, theo NTDTV