Nhiệm vụ đặc biệt của Học viện Khổng Tử Trung Quốc
Ngày 23/1 vừa qua tại phiên họp của Ban Cải cách Trung ương (thuộc Ủy ban Trung ương), chính quyền Trung Quốc cho biết phải đẩy mạnh phát triển Học viện Khổng Tử, dùng để “phục vụ ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc”.
Sứ mệnh ngoại giao
Theo Tân Hoa Xã đưa tin, cuộc họp Ban Cải cách Trung ương Trung Quốc đã thông qua một số báo cáo và hướng dẫn chỉ đạo, trong đó có quan điểm chỉ đạo về đẩy mạnh cải cách và phát triển Học viện Khổng Tử. Quan điểm chỉ đạo này được gọi là nhằm mục đích phục vụ ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc, làm cho nó trở thành sức mạnh quan trọng của giao lưu văn hóa Trung Quốc ở nước ngoài.
Theo thông tin, Học viện Khổng Tử thuộc quản lý của Văn phòng Chỉ đạo Phát triển Hán ngữ Quốc tế thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc, chương trình hoạt động của Viện Khổng Tử để thúc đẩy nước ngoài hiểu hơn về Trung Quốc và đồng thời phát triển tiếng Hán. Theo truyền thông Trung Quốc Đại Lục, kể từ Viện Khổng Tử đầu tiên thành lập tại Seoul, Hàn Quốc năm 2004 cho đến tháng 12 năm ngoái, đã có 146 quốc gia (khu vực) thành lập được 525 Học viện Khổng Tử và 1113 lớp học Khổng Tử bậc tiểu học và trung học.
Truyền bá các giá trị Trung Quốc
Tốc độ phát triển của Học viện Khổng Tử làm giới học thuật phương Tây lo lắng. Giáo sư khoa học chính trị Sam Crane thuộc Học viện Williams bang Massachusetts (Mỹ) nói với Financial Times: “Học viện Khổng Tử là văn phòng hoặc chi nhánh của Chính phủ (Trung Quốc)”.
Vì kinh phí hoạt động Học viện Khổng Tử là của Chính phủ Trung Quốc, nhiều người chỉ trích cho rằng mục đích của nó để thúc đẩy chương trình nghị sự của Chính phủ Trung Quốc, không chỉ làm đẹp hình ảnh của Trung Quốc, mà còn để ngăn chặn các thảo luận về Tây Tạng, Đài Loan và thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Ngay từ năm 2014, chia sẻ trên BBC (Anh), Chủ nhiệm Hứa Lâm (Xu Lin) của Ban Hán ngữ Học viện Khổng Tử đã nói thẳng rằng mục đích của Học viện Khổng Tử để quảng bá giá trị quan Trung Quốc ra nước ngoài.
Bộ phim tài liệu đầu tiên về Học viện Khổng Tử mang tên “Mượn tên Khổng Tử” tiết lộ rằng, Học viện Khổng Tử công khai truyền bá chủ nghĩa cộng sản trong hệ thống giáo dục phương Tây. Ở Toronto (Canada), các tài liệu giảng dạy trẻ em của Học viện Khổng Tử ca ngợi cố lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông. Một phụ huynh nói: “Ở một quốc gia dân chủ không nên tồn tại thứ này, đây là điều cơ bản.”
Các Đại học phương Tây thay nhau đóng cửa Học viện Khổng Tử
Vì nội dung truyền bá chủ nghĩa cộng sản của Học viện Khổng Tử đã làm cho cộng đồng khoa học phương Tây cảnh giác, các trường đại học trên thế giới đã thay nhau đóng cửa Học viện Khổng Tử. Trong đó phải kể đến như Đại học Chicago, Đại học bang Pennsylvania tại Mỹ, Đại học Stockholm tại Thụy Điển, Đại học Lyon tại Pháp, và Đại học McMaster tại Canada. Ngoài ra, Hội đồng Giáo dục Toronto cũng đã hủy bỏ dự án “Lớp học Khổng Tử”.
Cơ quan Tình báo Quốc gia Canada cho rằng Học viện Khổng Tử là bước đệm cho nhà cầm quyền Bắc Kinh thâm nhập vào phương Tây. Nhiều thành viên của Quốc hội Thụy Điển cũng thừa nhận Học viện Khổng Tử để nhà cầm quyền Trung Quốc tuyên truyền chính trị.
Trên Huffington Post (Mỹ), nhà hoạt động nhân quyền quốc tế Benedict Rogers thuộc tổ chức hoạt động nhân quyền CSW đã viết một bài vạch trần Học viện Khổng Tử chẳng qua là dùng vỏ bọc tên của Khổng Tử để tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản tại Đại học phương Tây.
Theo Trithucvn