Người Trung Quốc đã ‘mất đi nhân tính’ như thế nào?
Có thể chúng ta không biết: Người Trung Quốc Đại lục cũng từng giàu lòng nhân nghĩa như người Hong Kong…
Bài viết của Hoa Hậu Anastasia Lin – một nhà hoạt động nhân quyền, diễn viên, người mẫu và hiện là học giả nội trú tại Trung tâm Nghiên cứu độc lập (CIS) của Úc.
Tôi đã từng đến Hong Kong một lần và đó là một trải nghiệm thật tuyệt vời. Năm 2015, tôi được bầu chọn làm đại diện cho đất nước Canada tham dự cuộc thi Hoa hậu Thế giới ở thành phố Tam Á, Trung Quốc. Khi đến sân bay Hong Kong thì hay tin các quan chức Trung Quốc tuyên bố tôi là “nhân vật không được hoan nghênh” và trục xuất tôi vì những hoạt động nhân quyền, họ cố ý ngăn cản tôi tham gia cuộc thi.
Hong Kong đã chào đón tôi bằng tất cả sự ấm áp và nồng nhiệt. Các nhà báo đổ xô đến sân bay và phỏng vấn tôi về các vấn đề vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc. Người Hong Kong thường gặp tôi trên phố và cất tiếng nói ủng hộ những việc mà tôi đang làm, họ còn chia sẻ với tôi những sự hiểu biết sâu sắc về quyền tự do và sự toàn vẹn lãnh thổ. Sau gần 2 thập kỷ sống dưới sự đe dọa của chính quyền Trung Quốc, họ không còn coi những giá trị đó là điều hiển nhiên nữa.
Ngày nay, sự đe dọa của dự luật dẫn độ đã khiến hàng triệu người lên tiếng chỉ trích chính quyền Bắc Kinh. Họ bước ra đường biểu tình và rất nhiều người đã lên tiếng ủng hộ điều này. Những người biểu tình đến từ tất cả mọi giai tầng cuộc sống: học sinh sinh viên, các bậc phụ huynh, các viên chức, tầng lớp trung lưu, kể cả tài xế taxi và các câu lạc bộ đua ngựa.
Điều gây ấn tượng với tôi nhất là sự khác biệt giữa người Hong Kong và người Trung Quốc Đại lục mà tôi biết trước khi di cư đến Canada năm 13 tuổi. Khi đó mẹ tôi là một giáo sư, bà thuyết phục tôi chuyển đến Canada để chúng tôi có thể sống trong một xã hội công bằng và tự do hơn. Bên cạnh đó, Canada cũng là nơi tôi sẽ nhận được một môi trường giáo dục dựa trên nền tảng sự thật chứ không phải là tuyên truyền chính trị.
Giáo dục ý thức hệ cộng sản ở Trung Quốc có một nửa là truyền bá chính trị. Giới trẻ được khuyến khích phỉ báng “các kẻ thù của chính phủ” bao gồm: các nền dân chủ phương Tây, Kitô hữu, người Tây Tạng, học viên Pháp Luân Công và bây giờ là những người biểu tình ở Hong Kong. Chúng tôi bị gieo rắc hậu quả đáng sợ nếu dám chống lại những lời tuyên truyền hoa mỹ đó và được khen thưởng vì đã sử dụng ngôn ngữ và hành động cực đoan để chụp mũ và phỉ báng “những nhóm mục tiêu thiểu số”.
Ngày nay, các phương tiện truyền thông do chính phủ cộng sản Trung Quốc thao túng đã tuyên truyền dối trá rằng các cuộc biểu tình ở Hong Kong là các cuộc bạo loạn bạo lực. Xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước lầm lạc, những thanh niên Trung Quốc đã tức giận và đe dọa những người Trung Quốc khác trên các diễn đàn Internet.
Các Hiệp hội sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài đóng vai trò là cánh tay của bộ máy cộng sản, khuyến khích các sinh viên “ủng hộ Bắc Kinh” bác bỏ các biểu hiện phản kháng, quấy rối bất cứ ai có ý kiến khác. Họ đăng lên Internet thông tin cá nhân nhạy cảm của những sinh viên Trung Quốc dám tham gia hoặc ủng hộ người biểu tình Hong Kong và đe dọa tải lên video để làm nhục họ. Trong đó mối đe dọa lớn nhất là họ sẽ báo cáo cho chính quyền Trung Quốc thông tin của những người này.
Tuần trước tại Đại học Nam Úc, khi một nữ sinh viên Hong Kong đang hô: “Hong Kong ơi, mạnh mẽ lên!”, thì lập tức các sinh viên Bắc Kinh đã hét lên đáp lại bằng ngôn ngữ dơ bẩn và mang tính xúc phạm giới tính để đe dọa cô.
Cộng đồng người Hoa ở nước ngoài đã bị sốc vì sự tàn nhẫn trong cách cư xử vô giáo dục đó, nhưng ở Trung Quốc thì các video sự kiện như thế này đã được các phương tiện truyền thông nhà nước truyền bá rộng rãi và xem đó như một ví dụ điển hình nhất về giáo dục lòng yêu nước. Giống như thủ đoạn điển hình của chế độ cộng sản: Khi muốn loại bỏ ai đó, hãy sử dụng bạo lực.
Người Trung Quốc Đại lục đã từng giàu tình người và lòng nhân ái như người dân Hong Kong. Nhưng trải qua nhiều thập kỷ bị đàn áp và lừa dối đã tạo ra sự hoài nghi giữa họ với nhau. Người ta đã chứng kiến từ cuộc thanh trừng chính trị này đến cuộc thanh trừng chính trị khác, trong đó một bộ phận nhỏ quần chúng được chọn ra làm mục tiêu đàn áp công khai để gieo rắc nỗi sợ hãi cho số đông.
Điều đó khiến cho chúng ta thờ ơ với những đau khổ của người khác. Sau vụ Thảm sát Thiên An Môn năm 1989, các nạn nhân còn sống sót đều bị bức hại thảm khốc, bị tống vào tù và “biến mất”. Đất nước trở lại như bình thường như thể không có chuyện gì xảy ra. Cuộc biểu tình đã khiến 10.000 sinh viên hy sinh một cách vô ích.
Tiếng nói của những người u mê ủng hộ Bắc Kinh không đại diện cho tiếng nói của người Hoa ở nước ngoài hoặc hầu hết công dân ở Trung Quốc. Nhiều người Trung Quốc được truyền cảm hứng từ quyết tâm của người Hong Kong và đã lên tiếng ủng hộ cuộc biểu tình mặc cho những kẻ chỉ điểm đang theo dõi sát sao cộng đồng người Hoa nước ngoài. Một số công dân Trung Quốc thậm chí đã đến Hong Kong để tham gia cuộc biểu tình.
Vào tháng 7 vừa qua ở quận Nguyên Lãng, những người đàn ông mặc áo phông trắng đã lao vào ga tàu điện ngầm tấn công các công dân Hong Kong, bao gồm phụ nữ đang mang thai, cha mẹ có con nhỏ, người già, nhà báo và thậm chí là các quan chức. Sau khi thủ phạm rời khỏi hiện trường được hơn một giờ thì cảnh sát mới đến và làm ngơ tất cả mọi chuyện.
Sau đó, người dân Hong Kong biết được nhóm lưu manh và cảnh sát thông đồng với nhau trong cuộc tấn công hôm đó, chính vì vậy nên cảnh sát mới cố tình không hành động gì cả.
Bà Lynette Ong, Phó Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Toronto nhận xét: “Đây không phải là lần đầu tiên những tên côn đồ được tùy ý phái đến để đánh đập và gây thương tích cho người biểu tình. Hành động này rõ ràng có tổ chức hơn và điều đó cho thấy họ đang trở nên manh động hơn. Chính phủ Hong Kong hoặc các quan chức Bắc Kinh đang trở nên tuyệt vọng trong việc xoa dịu cuộc biểu tình. Cho nên họ đưa ra động cơ giống nhau: phái bọn côn đồ đi giải quyết người biểu tình là một lựa chọn hoàn hảo để chối bỏ trách nhiệm. Nếu phái những tên côn đồ đi gây chuyện thì gần như không để lại manh mối gì và bạn có thể bắt bất cứ ai chịu tội thay”.
Tuy nhiên bất chấp những tin đồn và đe dọa bạo lực, ngày 18/8, 1,7 triệu người Hong Kong đã từ chối giữ im lặng, không còn gì làm họ sợ hãi. Họ cùng nhau bước ra bình hòa dưới mưa để thể hiện quyết tâm và tình yêu đối với thành phố.
Họ nhắc tôi nhớ về những người bất đồng chính kiến Trung Quốc mà tôi gặp ở Canada, nơi tôi đã trải qua quá trình tiếp thu văn minh xã hội phương Tây và rũ bỏ những những tư tưởng xấu xa được nhồi nhét khi còn nhỏ. Tôi đã gặp những người sống sót ở các trại lao động Trung Quốc, học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, luật sư nhân quyền dám hy sinh tất cả để bảo vệ đồng bào.
Một vài người trong số họ kể lại việc bị sốc bằng dùi cui điện liên tục, bị hãm hiếp, bị cưỡng bức, bị bức thực và bị đâm tăm tre vào móng tay chỉ vì kiên định với đức tin và dám nói lên suy nghĩ của mình. Nhưng những câu chuyện này không bao giờ được nghe nói ở Trung Quốc vì hệ thống kiểm duyệt đã bưng bít tất cả sự thật.
Tôi thật sự cảm thấy phẫn nộ khi phát hiện ra toàn bộ hệ thống niềm tin của mình đều dựa trên sự dối trá. Tôi nhận ra rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng thời thơ ấu của tôi như một công cụ tuyên truyền xấu xa. Nó muốn làm cho tất cả người dân Trung Quốc đồng lõa với tội ác của nó. Người Hong Kong đang can đảm chiến đấu vì dân chủ thay cho mọi người dân Trung Quốc, những người thậm chí còn không biết mình đã bị mất đi nhân tính từ lâu.
Nếu phần còn lại của thế giới đứng lên vì Hong Kong, có lẽ người dân Trung Quốc sẽ tìm thấy sự can đảm để đối đầu với tội ác của ĐCSTQ. Các cuộc biểu tình ở Hong Kong có thể là tia lửa châm ngòi cho ngọn lửa tự do to lớn trong tương lai.
Thiện Thành biên dịch