Người con gái đẹp trong mắt chú tiểu
Trong lịch sử loài người, trải qua bao nền văn minh, biết bao nhiêu triều đại, nhân loại luôn truy cầu thế nào là tiêu chuẩn của ‘cái đẹp’, “người phụ nữ đẹp”, mỗi thời, mỗi kỳ, mỗi quốc gia hay dân tộc đều tự xây dựng riêng cho mình tiêu chuẩn của cái đẹp, nhưng chung quy cho cùng đó chỉ là thoã mãn tâm truy cầu ‘sắc dục’, những ham muốn thể xác tầm thường của bản năng con người. Câu chuyện sau đây sẽ cho chúng ta hiểu được thế nào là “cái đẹp” thật sự:
Có một cô gái có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, ai cũng phải công nhận tầm vóc nhan sắc của cô. Một hôm, nhân dịp đầu năm cô đi lễ chùa, gặp một chú tiểu đang quét lá đa, cô liền tới trước mặt chú tiểu, kiêu hãnh hỏi:
“Tôi là người đẹp nhất trên trái đất này. Chú có thấy tôi đẹp không?”.
Chú tiểu nhẹ nhàng đáp:
“Cô chẳng có chi đẹp cả. Có cả ngàn vạn người còn đẹp hơn cô rất nhiều”.
Nghe nói thế cô gái mở tròn đôi mắt, bực bội nói:
“Tôi đã là người đẹp nhất trong những người đẹp của thế giới. Chú nói thử xem những người đẹp hơn tôi như thế nào?”
Chú tiểu đáp:
Giữ gìn trang nghiêm giới hạnh là thân đẹp.
Ăn ở hiền hòa, thủy chung là nết đẹp.
Thấy người ta ngã mà nâng lên, đó là cử chỉ đẹp.
Thấy người ta đói cho ăn, rách cho mặc, nghèo túng mà giúp đỡ, đó là tấm lòng đẹp.
Phụng dưỡng cha mẹ già, chu cấp người cô quả cô độc, tôn quý các bậc hiền thánh đó là tâm hồn đẹp
Thấy người ta lâm nguy, sợ hãi mà nói lời an ủi giúp đỡ, đó là ngôn ngữ đẹp.
Không một tà niệm nảy sinh, đó là ý đẹp.
Thấy người ta u tối, không hiểu biết mà khai mở trí tuệ, cho học hành chữ nghĩa, đó là trí tuệ đẹp.
Phá vỡ màn vô minh, hướng dẫn chúng sinh vào con đường an vui, giải thóat, đó là cái đẹp tối thắng mà Trời Đế Thích phải trải hoa tán thán.
Tất cả những cái đẹp này cần phải được phát bằng tuyên dương, ghi vào sử sách, lập bia ghi công, dựng tượng để chiêm ngưỡng.
Còn cái đẹp của cô là cái đẹp của sự ham muốn, chiếm đọat, xoay vần trong vòng sinh tử luân hồi, ngầm chứa khổ đau, sớm nở tối tàn không có chi đáng tán dương cả.
Nhất Tâm sưu tầm