Ngư dân Philippines kiện Trung Quốc đòi quyền lợi tại Scarborough
Hôm 22/9, 16 ngư dân Philippines đã đệ đơn kiện lên Liên Hợp Quốc yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các quyền của họ tại ngư trường truyền Scarborough thống trên Biển Đông.
Theo Inquirer, trong đơn kiện dài 26 trang về nhân quyền được gửi lên Cao ủy Liên Hợp Quốc (LHQ) và các báo cáo viên đặc biệt của LHQ, 16 ngư dân cho rằng Trung Quốc phải tôn trọng quyền sinh kế và được đáp ứng đầy đủ lương thực của họ.
Luật sư đại diện Harry Roque Jr. cho hay, từ tháng 4/2012, lực lượng tuần duyên và các cơ quan hàng hải Trung Quốc liên tục quấy rối ngư dân tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, nơi họ xem là ngư trường truyền thống.
Luật sư Roque dẫn ra vụ việc liên quan đến Poloso, một ngư dân của làng chài Cato. Tàu cá mang tên Ruvina của ông này bị một tàu Trung Quốc đâm ba lần khi đang đánh bắt tại bãi cạn trên hồi Tháng 3. “Sau khi Ruvina bị đâm, các thuyền cao su của tuần duyên Trung Quốc tăng tốc lao đến. Mỗi tàu có 10 người, một vài người trong đó còn trang bị cả súng trường tự động“, ông Roque cho biết.
Poloso và 8 thuyền viên của ông cũng 3 lần bị tuần duyên Trung Quốc dùng vòi rồng xua đuổi khỏi bãi cạn khi họ đánh cá ở đây từ Tháng 1 đến Tháng 2.
Bắc Kinh và LHQ vẫn chưa lên tiếng về đơn kiện nói trên.
Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham có diện tích 150 km2 , là một chuỗi gồm các rặng san hô và đá hình tam giác bao quanh một cái phá, với nguồn hải sản dồi dào. Bãi cạn nằm cách đảo lớn Luzon của Philippines 220 km và cách đảo Hải Nam, phần lãnh thổ gần nhất của Trung Quốc đại lục, 650 km.
Trung Quốc giành quyền kiểm soát bãi cạn từ năm 2012, sau một cuộc đối đầu với Philippines. Kể từ đó, Manila cáo buộc tuần duyên Trung Quốc thường xuyên quấy rối ngư dân Philippines trong khu vực này, trong đó có vụ chĩa súng và cướp đi số hải sản mà họ đánh bắt được hồi đầu năm 2015.
Manila tuyên bố Scarborough thuộc vùng đặc quyền kinh tế 370 km của mình nhưng vẫn đang tranh chấp với Bắc Kinh. Mới đây Chính quyền Philippines đã đệ đơn kiện lên tòa án quốc tế về tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo VnExpress