Luật An ninh Quốc gia phiên bản HK: Người dân HK quyết không lùi bước
Người phát ngôn của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp báo vào tối ngày 21/5, tuyên bố chương trình nghị sự bao gồm việc xem xét dự thảo “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”. Tin tức này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ phái Dân chủ Hồng Kông và xã hội quốc tế.
Chương trình nghị sự của Phiên họp thứ ba của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 13 của ĐCSTQ bao gồm việc xem xét dự thảo “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” đã nhận được nhiều sự chú ý. Người phát ngôn của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trương Nghiệp Toại thông báo vào tối ngày 21/5 rằng, “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” có thể chính thức bỏ phiếu vào ngày 28/5.
Tờ HK01 của Hồng Kông đã trích dẫn một nguồn tin nói rằng, “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” sau khi được Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc đề xuất và thông qua, nó sẽ được đưa vào Phụ lục III của “Luật Cơ bản” để thực thi tại Hồng Kông mà không cần qua quá trình lập pháp của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông.
Phái Dân chủ ở Hồng Kông đã đáp trả bằng cách tổ chức một cuộc họp báo vào lúc 10 giờ tối ngày hôm đó.
Trần Thục Trang (Tanya Chan), người triệu tập Phái dân chủ bày tỏ: “Đây rõ ràng là một mệnh lệnh bắt buộc đối với người đứng đầu Hồng Kông, và họ cũng không thèm quan tâm đến Điều 23 của Luật Cơ bản gây tranh cãi đã bị rút lại vào năm 2003.
Khi người dân thành phố vô cùng lo lắng về Điều 23, thì họ lại không tiến hành trưng cầu ý dân, mà ngược lại Bắc Kinh đã cưỡng ép Hồng Kông ký kết điều khoản ‘Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông’ này. Điều này là rất vô lý, chúng tôi cảm thấy rằng ‘một quốc gia, một chế độ’ đang chính thức được thực thi tại Hồng Kông”.
Dương Nhạc Kiều (Alvin Yeung), lãnh đạo Đảng Công dân Hồng Kông nói rằng: “Việc xử lý các điều lệ dẫn độ vào năm ngoái đã dẫn đến bất ổn chính trị, chính phủ Đặc khu và Bắc Kinh dường như không học được một bài học nào. Hôm nay mọi người thấy rằng họ đã sử dụng một điều luật xấu xa hơn để thay vào một điều luật xấu xa khác của năm ngoái, có thể thấy rõ sự thất bại trong quản lý”.
Theo văn bản đầy đủ của dự thảo “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” do truyền thông công bố vào ngày 22/5, ngoài việc yêu cầu chính phủ Hồng Kông nhanh chóng hoàn thành lập pháp của Điều 23 Luật Cơ bản, trong đó còn quy định việc cơ quan An ninh Quốc gia của ĐCSTQ có thể thiết lập cơ cấu và vận hành tại Hồng Kông.
Chủ tịch Đảng Dân chủ Hồ Chí Vĩ (Wu Chi-wai) nói rằng, điều này thể hiện cách “quản lý con người” của ĐCSTQ đối với Hồng Kông thông qua dự thảo “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”.
Ông Hồ Chí Vĩ cũng nói rằng: “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông này cũng đồng nghĩa với việc tuyên bố Hồng Kông không còn là một quốc gia hai chế độ nữa, cũng là tuyên bố với toàn thế giới rằng, đầu tư ở Hồng Kông, sinh sống tại Hồng Kông, có thể sẽ phải đối mặt với sự kiểm soát của ĐCSTQ, có thể tùy ý bắt người và khống chế các tổ chức thông qua cái gọi là cách mạng màu hoặc là thâm nhập, thậm chí còn có thể tịch thu tài sản”.
Tổng biên tập tạp chí “Khai Phóng” (Open) của Hồng Kông bày tỏ: “Tất nhiên tôi nghĩ rằng đây là một điều tiêu cực đối với xã hội Hồng Kông. ĐCSTQ sẽ từng bước tiến tới, bước tiếp theo chắc chắn sẽ là tiến hành lập pháp Điều 23. Người Hồng Kông biểu tình phản đối dự luật dẫn độ, bọn họ thì vẫn chần chừ tính toán thiệt hơn. Bọn họ không nhượng bộ các vấn đề ở Hồng Kông, người Hồng Kông cũng sẽ không chịu khuất phục”.
Dự luật mới gây ra phản ứng mạnh mẽ trong xã hội quốc tế
Vào ngày 21/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với các phương tiện truyền thông tại khu South Lawn của Nhà Trắng rằng, “Tôi vẫn chưa nắm bắt được tình hình, không ai biết chi tiết về kế hoạch của Trung Quốc, nhưng một khi nó xảy ra, Hoa Kỳ sẽ phản ứng mạnh mẽ”.
Chính phủ Trump vào năm ngoái đã thông qua “Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông”, yêu cầu Bộ Ngoại giao phải tiến hành ít nhất một cuộc kiểm tra hàng năm để chứng minh rằng Hồng Kông có đủ quyền tự chủ. Nếu không, Hoa Kỳ có thể bãi bỏ các điều kiện thương mại có lợi cấp cho Hồng Kông.
Theo dự luật này, các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông chịu trách nhiệm về vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông cũng sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt, bao gồm cấm visa và đóng băng tài sản.
Theo báo cáo của BBC, Thống đốc cuối cùng của Hồng Kông Chris Patten đã gửi thư cho Dominic Raab – Quốc vụ khanh Các vấn đề đối ngoại và khối thịnh vượng chung, yêu cầu chính phủ Anh không thể ngồi xem “Tuyên bố chung Trung-Anh” “bị Bắc Kinh đơn phương vứt bỏ”.
Đồng thời, một số lượng lớn các nhà lập pháp trong đảng cầm quyền Anh kêu gọi chính phủ đánh giá lại quan hệ chính trị và kinh tế với Bắc Kinh, bao gồm cả quyết định cho phép Huawei tham gia xây dựng mạng 5G ở Anh.
Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã đưa ra một tuyên bố rằng, sau khi được Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc thông qua, chính phủ Đặc khu sẽ dốc toàn lực để phối hợp, nhanh chóng hoàn thành lập pháp liên quan.
Tuy nhiên, các đoàn thể và các nhà dân chủ ở Hồng Kông nói rằng họ sẽ không lùi bước.
Hồ Chí Vĩ nói rằng : “(ĐCSTQ) đã mở màn trận địa này và tiến hành một bước đi quan trọng. Đối mặt với khó khăn này, người dân Hồng Kông vẫn sẽ kiên trì, bởi vì chúng tôi tin rằng làn sóng dân chủ vẫn còn nhiều hy vọng. Thuận ý trời thì sẽ hưng thịnh, nghịch ý trời thì sẽ tiêu vong, ĐCSTQ ắt sẽ diệt vong”.
Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), Tổng thư ký của Đảng Dân chủ Demosistō đã nói trên Facebook rằng: “Tiếp tục kiên trì, không có nghĩa là chúng tôi thực sự đủ kiên cường, mà là không có lựa chọn nào khác”.
Cựu Nghị viên của Hội Lập pháp Hồng Kông La Quán Thông (Nathan Law) nói rằng, “Chúng ta không thể lùi bước lúc này. Đến đây nào, người Hồng Kông không giỏi chiến đấu, nhưng nếu phải chiến đấu thì sẽ chiến đấu”.
Trương Khiết Bình (Annie Zhang Jie Ping), một nhân viên truyền thông thâm niên ở Hồng Kông nói rằng: “Hồng Kông chưa chết. Phong trào dân chủ năm 1989 đã diễn ra ở nơi có Luật An ninh Quốc gia”.
Minh Huy (Theo NTDTV)