LHQ: Chiến tranh Ukraine có thể khiến giá lương thực tăng đến 22%
Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) ngày 11/3 báo cáo, giá lương thực và thức ăn chăn nuôi quốc tế có thể tăng tới 22% do cuộc chiến ở Ukraine. Điều này có thể khiến tình trạng thiếu hụt thực phẩm ở các nước kém phát triển gia tăng.
Tổng sản lượng lương thực toàn cầu đã giảm kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào cuối tháng 2/2022, dẫn đến lượng lương thực từ các quốc gia xuất khẩu giảm đột ngột và nhanh chóng.
Một số quốc gia xuất khẩu thực phẩm trên toàn thế giới đang công bố các hạn chế xuất khẩu thực phẩm bổ sung, hoặc xem xét các lệnh cấm để bảo vệ nguồn cung trong nước.
FAO gần đây đã kêu gọi các nước sản xuất lương thực lớn không áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với sản phẩm của họ.
“Trước khi ban hành bất kỳ biện pháp nào để đảm bảo nguồn cung cấp lương thực, các chính phủ phải xem xét các tác động tiềm tàng của chúng đối với thị trường quốc tế”, Tổng giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc cho biết.
Ông nói: “Giảm thuế nhập khẩu hoặc sử dụng các hạn chế xuất khẩu có thể giúp giải quyết các thách thức về an ninh lương thực của từng quốc gia trong ngắn hạn, nhưng sẽ làm tăng giá trên thị trường toàn cầu”. Trên thực tế, giá lương thực đã tăng từ khi đại dịch Vũ Hán bùng phát vào năm 2020.
Cuộc chiến tại Ukraine có tác động mạnh mẽ đến nguồn cung lúa mì quốc tế. Kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, các bến cảng của Ukraine đã không thể xuất khẩu ngũ cốc, trong khi các thương nhân thực phẩm đang tránh mua hàng từ Nga do các lệnh trừng phạt tài chính, khiến giá thực phẩm toàn cầu gia tăng.
Nga và Ukraine cung cấp đến 19% nguồn cung lúa mạch, 14% nguồn cung lúa mì và 4% lượng ngô cho thế giới. Ngoài ngũ cốc, Nga còn là nước xuất khẩu phân bón hàng đầu.
Vào tháng 2/2022, chỉ số giá lương thực của FAO đã đạt mức cao kỷ lục và có vẻ còn tăng cao hơn nữa trong những tháng sắp tới, vì không rõ Ukraine có thể thu hoạch mùa màng trong năm nay hay không nếu chiến tranh tiếp tục kéo dài.
Ông Khuất cho biết: “Nhiều nước như các nước kém phát triển hoặc thu nhập thấp, thiếu lương thực” ở Châu Phi, Châu Á và Trung Đông rất nhạy cảm với tình trạng thiếu lương thực kéo dài.
Theo FAO, có đến 50 quốc gia phụ thuộc khoảng 30% nguồn cung lúa mì của Nga và Ukraine. Các quốc gia khác chỉ có thể đáp ứng một phần lúa mì thiếu hụt dự kiến từ 2 quốc gia này.
Ngoài ra, nhiều nước kém phát triển cũng phụ thuộc rất lớn vào Nga và Ukraine về nguồn cung lúa mì. Khoảng 70% lúa mì của Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ đến từ Nga và Ukraine, trong khi 90% lượng lúa mì và dầu ăn nhập khẩu của Lebanon đến từ Nga.
Thậm chí, các quốc gia nghèo hơn ở các khu vực như châu Phi còn dựa vào nước ngoài để trợ cấp lúa mì cho người dân. Nga cung cấp phần lớn lượng tiêu thụ lúa mì của châu Phi, nơi nhập khẩu 4 tỷ đô la nông sản từ Nga vào năm 2020.
Ông Khâu cho biết: “Cường độ và thời gian kéo dài cuộc chiến vẫn chưa chắc chắn. Khả năng gián đoạn hoạt động nông nghiệp của 2 nhà xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu này có thể khiến tình trạng mất an ninh lương thực leo thang nghiêm trọng trên toàn cầu, khi giá lương thực và thực phẩm quốc tế đã ở mức cao và biến động”.
Ông nói thêm: “Xung đột cũng có thể hạn chế sản xuất nông nghiệp và sức mua ở Ukraine, dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng tại địa phương”.
Trong khi đó, phần lớn phương Tây, bao gồm cả Hoa Kỳ, đang phải hứng chịu tỷ lệ lạm phát tăng vọt. Dữ liệu do Bộ Lao động Hoa Kỳ công bố vào ngày 10/3 cho thấy mức giá tăng 7,9% trong 12 tháng qua, và chỉ trong tháng 2/2022 đã tăng 0,8%.
Người tiêu dùng Mỹ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá khí đốt, giá bán lẻ tăng cao, và còn trở nên trầm trọng hơn trong hai tuần qua do lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga từ Chính quyền Biden.
Thùy Linh (Theo The Epoch Times)