Lâm Trịnh Nguyệt Nga ‘giao phó’ 12 công dân Hồng Kông cho chính quyền Trung Quốc xử lý
Theo Reuters, vào ngày 8/9, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) – Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông cho biết, trước hết 12 công dân vượt biển trái phép để sang Đài Loan lánh nạn vào ngày 23/8 “phải được xử lý bởi chính quyền Trung Quốc”, còn Hồng Kông sẽ cung cấp hỗ trợ cần thiết cho họ.
“Nếu người dân Hồng Kông bị bắt vì vi phạm pháp luật của Trung Quốc thì họ phải bị xử lý theo luật pháp và quyền hạn pháp lý của đại lục trước khi bất kỳ điều gì khác có thể xảy ra”, bà Lâm nói vào ngày 8/9.
Tuy nhiên, bà Lâm không nói rõ sau khi có bản án từ Bắc Kinh, chính quyền Hồng Kông có tiếp tục xét xử hành vi vượt biển trái phép của 12 công dân này theo pháp luật riêng của đặc khu hay không.
Trong trường hợp này, văn phòng đại diện của Hồng Kông tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đang cố gắng liên hệ với chính quyền Trung Quốc và cung cấp hỗ trợ cần thiết cho những người bị bắt giữ.
Cả hai phía chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh đều không công bố danh tính đầy đủ của 12 người bị bắt giữ, hơn nữa chính quyền Trung Quốc cũng không nêu rõ liệu những người này có bị truy tố với tội danh bổ sung nào khác ngoài vượt biên.
Một trong số đó được cho là Andy Li – người bị bắt mới đây sau khi luật an ninh quốc gia phiên bản Hồng Kông mới có hiệu lực vào hôm 30/6. Một người khác được cho là có cả hộ chiếu Hồng Kông và Bồ Đào Nha.
Vào ngày 7/9, hãng tin AFP cho biết, yêu cầu từ các luật sư của một số người trong nhóm 12 công dân Hồng Kông bị bắt giữ về việc tiếp cận thân chủ đã bị từ chối.
Theo Reuters, báo chí cũng đã đặt câu hỏi cho bà Lâm về thông tin trên của AFP trong buổi họp báo ngày 8/9 nhưng bà Lâm đưa ra câu trả lời rõ ràng.
Bà Lâm cũng nhắc lại một phát biểu được tuyên bố vào tuần trước làm dấy thêm lo ngại rằng, Hồng Kông đã có một bước ngoặt độc tài hơn, khi nói rằng thành phố không có sự phân chia quyền lực. Thậm chí, các quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp của họ đều có nguồn gốc từ chính quyền Bắc Kinh.
Có thông tin cho rằng, nhiều người Hồng Kông từng tham gia hoặc ủng hộ các cuộc biểu tình chống chính quyền kéo dài trong năm 2019 đang tìm cách trốn khỏi đặc khu này vì lo ngại rằng, bản thân sẽ bị đe dọa sau khi chính quyền Trung Quốc áp đặt Luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông.
Theo New York Times, vào ngày 6/9, hàng ngàn cảnh sát được trang bị công cụ chống bạo động có mặt để giữ trật tự tại Hồng Kông khi người biểu tình tràn ra phố để phản đối quyết định trì hoãn bầu cử hội đồng lập pháp và việc thực thi luật an ninh mới. Trong cuộc biểu tình, gần 300 người đã bị bắt giữ.
Lương Phong(t/h)