Kinh doanh lớn không bắt đầu từ bản kế hoạch
Bạn muốn bắt đầu kinh doanh, vì thế cần một kế hoạch phải không? Câu trả lời là không, không hẳn như thế.
Một nghiên cứu được in trong cuốn “Trái tim, Thông minh, Can đảm và May mắn” mà tôi đứng đồng tác giả, các đồng sự và tôi đã phỏng vấn và khảo sát hàng trăm trường hợp khởi nghiệp thành công trên thế giới để tìm hiểu xem điều gì tạo nên những công ty lớn mạnh. Một trong những khám phá bất ngờ nhất của chúng tôi là: trong những doanh nghiệp thành công (IPO hoặc bán cho công ty khác) thì 70% không có kế hoạch kinh doanh khi bắt đầu.
Thay vào đó, hành trình của họ bắt đầu từ nơi khác, nơi gọi là Trái tim. Họ cảm nhận không phải với một văn bản, mà với một cảm xúc mạnh mẽ, làm việc vì một mục tiêu thực sự có ý nghĩa. Mục đích và tầm nhìn rõ ràng đứng trên hết, họ sẽ dành hầu hết thời gian cho việc thực hiện thay vì miêu tả ý tưởng đó.
Một đồng sự của tôi đưa ra giả thuyết về bán một cục xà phòng với giá 1 đôla, cho 0.5% dân số của Trung Quốc mỗi tháng. Đó là một vụ kinh doanh trị giá 100 triệu đô đấy! Nhưng chúc may mắn nếu bạn có thể biến nó thành hiện thực!
Khi một ý tưởng kinh doanh xuất hiện, các nguồn lực còn rất hạn chế, và kế hoạch kinh doanh thì cần dựa trên thông tin thực tế thông qua thử nghiệm nhiều khía cạnh. Những thử nghiệm đó không nhất thiết phải phức tạp. Bạn cần làm cho nó đơn giản, tương tác cao và dễ đo lường, cho kết quả nhanh. Điều này không chỉ giúp ích cho giai đoạn đầu.
Chiến lược và mô hình của bất kì công ty nào cũng cần dựa trên thông tin từ thử nghiệm thực tế để có thể dễ dàng thích nghi với hoàn cảnh khi cần. Đây là chiến lược được Henry Mintzberg (mintzberg.org) một chuyên gia trong chiến lược cạnh tranh, gắn cho cái tên là “tiến hóa”. Mats Lederhausen (nguyên Giám đốc bộ phận chiến lược McDonald’s) từng nói rằng: “Nghĩ lớn, bắt đầu nhỏ, sau đó điều chỉnh hoặc thất bại.”
Vì thế đừng lo lắng quá về kế hoạch kinh doanh. Nhưng để định hướng tư duy cho bạn, cũng như để thuyết phục các nhà đầu tư, hoặc phối hợp nhóm tốt hơn, bạn có thể xem xét các điểm sau:
1. Xác định rõ, cực kì rõ, đam mê và mục đích. Bạn có thể dùng từ tầm nhìn, trái tim, mục đích hoặc tiếng gọi, nhưng phải thật rõ ràng về lí do tại sao lại có công ty này – một mục đích cao cả.
2. Đội ngũ quan trọng hơn bất kì ý tưởng hay kế hoạch nào. 3 ưu tiên hàng đầu là con người, tiếp theo là con người, và sau nữa là con người.
3. “Nghĩ lớn, bắt đầu nhỏ, sau đó điều chỉnh hoặc thất bại” – lời khuyên của Lederhausen. Hãy xem xét về “bắt đầu nhỏ”: tìm hiểu xem người ta có muốn mua sản phẩm hay ít ra là thử nó không?
4. Tập trung vào một phân nhánh nhỏ được xác định rõ ràng trong thị trường (niche). Ít ra là hãy nghĩ xem ở nơi nào thì bạn sẽ là người giỏi nhất.
5. Hiểu rõ mô hình kinh doanh của bạn. Cách bạn kiếm tiền thực sự quan trọng hơn những trang tính Excel lấp đầy những con số lí thuyết. Bạn cần hiểu rõ cốt lõi thu nhập của công ty: từ mua bán, quảng cáo hay bán thuê bao…
Trên thị trường có rất nhiều sách, lớp học và công cụ chỉ dạy việc lập kế hoạch kinh doanh, và chúng rất cuốn hút. Chúng cho bạn hướng tiếp cận có hệ thống, nhưng có thể làm cho bạn bị lạc hướng vì chúng ưu tiên tạo nên 1 kế hoạch, chứ không ưu tiên chỉ ra linh hồn công việc kinh doanh và xem xem người tiêu dùng có hứng thú hay không.
Con người cảm thấy thỏa mãn khi hoàn thành xong bản kế hoạch, nhưng kế hoạch đó sẽ đưa họ đến đâu? Lấp đầy các con số vào bảng tính không thể thay thế cho đam mê và mục đích khi làm kinh doanh.
Trái tim bạn phải dành cho nó từ ngày đầu tiên rồi. Ngay cả một kế hoạch được nghiên cứu kĩ cũng không có giá trị nếu thiếu đam mê thực sự và lòng can đảm để biến nó thành hiện thực.
Tác giả: Anthony Tjan – Harvard Business Review 22/5/12
Theo Bloomcoaching.vn