Khủng long tuyệt chủng vì ‘sao chổi siêu tốc’
Loài khủng long biến mất khỏi trái đất từ 65 triệu năm trước bởi vụ va chạm với một sao chổi kích thước nhỏ, nhưng di chuyển với tốc độ nhanh hơn nhiều so với những gì con người từng suy đoán.
Một nghiên cứu mới được tiến hành khẳng định, miệng hố Chicxulub khổng lồ rộng hơn 175 km ở Yucatan, Mexico được tạo ra bởi một đối tượng bay nhỏ hơn nhiều so với những gì con người từng nghĩ. Tuy nhiên, để gây ra được trận đại hồng thủy lan tỏa khắp địa cầu, đối tượng bay này phải có tốc độ di chuyển vô cùng lớn.
Theo đó, tốc độ di chuyển mà đối tượng bay va chạm với trái đất 65 triệu năm trước hoàn toàn không tồn tại bên trong hệ mặt trời. Nó chỉ được tìm thấy ở những sao chổi đi xuyên qua thái dương hệ từ sâu thẳm vũ trụ. Chính do tốc độ di chuyển lớn nên dù kích thước không quá ấn tượng, sao chổi này vẫn đủ sức xóa sổ sự tồn tại của loài khủng long. Trước đây, các nhà nghiên cứu vẫn tin rằng, thủ phạm gây ra sự tuyệt diệt của khủng long là một tiểu hành tinh khổng lồ, di chuyển với tốc độ chậm. Theo suy đoán, nơi rộng nhất của tiểu hành tinh gây ra vụ va chạm có thể đạt 10 km. Vụ va chạm với địa cầu khiến nó bị tan rã hoàn toàn, để lại một lớp trầm tích bằng iridium xung quanh đó. Thế nhưng, BBC dẫn báo cáo cho rằng, số lượng iridium xung quanh vị trí va chạm đã được phóng đại. So sánh với những số liệu khác xung quanh miệng hố khổng lồ Chicxulub, các chuyên gia phát hiện ra thiên thạch khiến loài khủng long bị tuyệt chủng nhỏ hơn nhiều so với dự đoán trước đó. Tiến sĩ Jason Moore của Đại học Dartmouth, Anh tiết lộ với BBC, một tiểu hành tinh đường kính khoảng 5 km khó có thể gây ra một miệng núi lửa có đường kính 200 km bởi tốc độ của nó bị giới hạn khi di chuyển trong hệ mặt trời. Chính vì lẽ đó, vật thể kích thước nhỏ đủ sức gây ra hố khổng lồ Chicxulub nhiều khả năng là sao chổi.
Các nhà khoa học tin rằng, sao chổi này sinh ra từ cái gọi là đám mây Oort, một hồ chứa hàng tỷ khối đá và băng, còn sót lại sau quá trình tái tạo các hành tinh. Đám mây Oort nằm cách hành tinh gần nhất hơn 4 năm ánh sáng nên sẽ mất khá lâu để một sao chổi đi đúng hướng có thể tiếp cận được hệ mặt trời của chúng ta. Ngôi sao giống như mặt trời cũng tồn tại bên trong đám mây Oort nhưng lực hấp dẫn nó tạo ra chỉ đủ duy trì sự tồn tại của toàn bộ khối này. Nếu chịu bất kể lực tác động nhỏ nào, bao gồm cả lực hút của các tiểu hành tinh cũng có thể làm đá và băng bay khỏi Oort, tạo ra những sao chổi lang thang khắp khoảng không vũ trụ. Đa phần các sao chổi xuất phát từ đám mây Oort đều có tốc độ di chuyển lớn nhờ quãng thời gian hàng triệu năm lang thang trong không gian. Tuy kích thước không phải là điểm mạnh nhưng tốc độ di chuyển mà những sao chổi này nắm giữ luôn là sự hủy diệt tiềm tàng đối với các hành tinh vô tình nằm trên đường di chuyển của chúng. Trịnh Duy Theo Infonet |