Jack Ma và Alibaba: Những góc tối phức tạp đằng sau thương trường
Alibaba được xem là sự kết hợp khổng lồ từ Amazon, eBay và Paypal, đã trợ giúp nhà sáng lập Jack Ma trong thời gian ngắn trở thành một trong những người giàu nhất châu Á. Tuy nhiên, đằng sau sự phát triển vượt bậc của nó, là những mối quan hệ chính trị phức tạp.
Việc làm kinh doanh và chính trị gần như không thể tách rời tại Trung Quốc. Việc trở thành một đảng viên hay có quan hệ thân thiện Đảng Cộng sản giúp các doanh nhân kiếm được những dự án lớn và dễ giành được lợi thế cạnh tranh. Đổi lại, Đảng Cộng sản cho phép các doanh nhân này tham dự các cuộc họp và sự kiện chính trị để biết trước những dấu hiệu thay đổi lớn.
Ở Trung Quốc, một công ty đơn lẻ chỉ có thể đạt được vị thế quyền lực cao khi dựa vào sự hậu thuẫn của các nhân vật trong bộ máy đảng. Tất nhiên, điều này đồng nghĩa với việc chọn không đúng phe có thể dính họa lớn. Và công ty Alibaba của tỷ phú Jack Ma cũng đã trải qua tình cảnh như vậy.
Hồi tháng 1/2015, Ủy ban Nhà nước về Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (SAIC) đã xuất bản một cuốn sách trắng chỉ trích nặng nề việc Alibaba đã không mạnh tay loại bỏ hàng giả, cũng như nạn hối lộ trong các vấn đề khác. Trước đó, SAIC đã thực hiện khảo sát cho thấy gần 60% sản phẩm trên Taobao, trang thương mại điện tử người tiêu dùng của Alibaba, là hàng giả.
>>> Alibaba mất tiền, Jack Ma ‘gặp hạn’ vì dính líu đến phe Giang Trạch Dân?
Nhưng sách trắng lần này khắc nghiệt và thẳng thừng một cách bất thường, gọi vấn đề hàng giả của Alibaba là “khủng hoảng uy tín tồi tệ nhất”. Quyển sách cũng tiết lộ họ đã họp với Alibaba về vấn đề này trước đó, nhưng không công khai nhằm tránh ảnh hưởng tiến trình phát hành cổ phiếu của doanh nghiệp này.
Nhưng thay vì nhượng bộ, Alibaba cho biết họ đã cố gắng giải quyết vấn đề hàng giả, cáo buộc ông Lưu Hồng Lượng, Trưởng phòng Giám sát mạng lưới SAIC là thiên vị và có hành vi sai trái trong khi điều tra, và nói rằng họ sẽ nộp đơn khiếu nại chính thức. Kết quả là, công ty Alibaba của ông Jack Ma đã mất 30 tỉ USD vốn hóa thị trường, cùng lúc Jack Ma rớt khỏi ngôi vị người giàu nhất châu Á.
Các nhà quan sát chính trị Trung Quốc dễ dàng nhìn thấy mấu chốt trong các rắc rối của Alibaba, chính là mối quan hệ mật thiết với Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), người thông qua mạng lưới đồng minh và thân tín rộng lớn, đã phủ bóng lên nền chính trị của đất nước này trong gần một thập kỷ, ngày cả khi từ nhiệm năm 2002.
Khi Jack Ma thành lập công ty năm 99, cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân đang nắm quyền. Và Alibaba tất nhiên có móc nối với phe Giang, vốn trong tầm ngắm của chiến dịch “chống tham nhũng” mà Tập Cận Bình đang tiến hành. Ví dụ, một trong những cổ đông của Alibaba là công ty đầu tư tư nhân Boyu Capital, do Alvin Giang (Giang Chí Thành) – cháu nội của Giang Trạch Dân – làm thành viên sáng lập. Mối quan hệ của Alibaba với Giang hiện không rõ ràng.
Jack Ma, luôn tự tin vào quan hệ của ông với chính quyền Trung Quốc, mặc dù ông thường công khai xem nhẹ tầm quan trọng của mối quan hệ này.
Trong lần phát biểu tại Đại học Columbia năm 2011, ông khuyên Google nên “tôn trọng chính phủ” nếu họ muốn hoạt động tốt ở Trung Quốc. Sau đó ông Ma ca ngợi điều mà ông gọi là sự quyết đoán của ĐCSTQ trong việc trấn áp người dân, và nói thêm: “Tôi đã nhiều lần nghiên cứu cách thức điều hành của ĐCSTQ. Vì vậy chúng tôi học hỏi để nâng cao, học hỏi để nâng cao”.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2013 với tờ Nam Hoa Nhật báo (SCMP), ông Ma cho rằng quyết định thảm sát sinh viên ở quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4/6/1989 là “quyết định đúng đắn nhất”.
Vậy tại sao SAIC sau đó đã xóa sách trắng và nhượng bộ trong cuộc chiến với Alibaba? Có thể Jack Ma vẫn còn đủ quan hệ chính trị để thoát khỏi rắc rối lần này. Jack Ma luôn công khai không thoải mái với ý tưởng pha trộn kinh doanh và chính trị và nói rằng ông phản đối việc liên đới chính trị với Alibaba và bảo nhân viên mình rằng “hãy yêu chính phủ, nhưng đừng ‘kết hôn’ với họ”.
Với các nhà đầu tư Mỹ, đây là một hồi chuông cảnh tỉnh. Chỉ 1 quyển sách trắng đã có thể gây ra rắc rối cỡ này cho Alibaba, thì nên suy nghĩ về việc đầu tư vào các công ty Trung Quốc. Không quan trọng thị trường Trung Quốc lớn thế nào, cuối cùng, nó vẫn bị kiểm soát bởi các quan chức đảng. Và họ sẽ làm hết sức, để đạt được mục đích chính trị họ muốn.
Tuệ Tâm (t/h)