Italy cho đóng toàn bộ cửa hiệu, Đan Mạch phong tỏa toàn quốc vì dịch Covid-19
Tối 11/3, Italy vừa ra lệnh đóng cửa toàn bộ cửa hàng, văn phòng, quán ăn, trừ các hiệu thuốc và cửa hàng thực phẩm để đối phó với sự bùng phát của Covid-19. Sau Italy, Đan Mạch cũng ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc khi số ca nhiễm ở nước này có dấu hiệu tăng mạnh, theo Daily Mail.
Sau khi ban hành lệnh phong tỏa cả nước từ ngày 10/3, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte mới đây lại tiếp tục tuyên bố các cửa hàng trên toàn quốc sẽ phải đóng cửa, trừ siêu thị, cửa hàng thực phẩm và cửa hàng bán dung dịch tẩy rửa.
Theo đó, các công ty phải đóng cửa tất cả bộ phận không phục vụ việc sản xuất. Quyết định có hiệu lực trong vòng 14 ngày, từ ngày 12/3 đến ngày 25/3.
“Cảm ơn sự hy sinh của tất cả người dân Italy. Chúng ta đang chứng tỏ mình là một quốc gia tuyệt vời,” ông Conte phát biểu.
Thủ tướng Conte khuyến cáo người dân Italy “không cần vội vàng đổ xô đến các siêu thị” để mua đồ dự trữ vì các kệ hàng vẫn sẽ được bổ sung như thường lệ.
“Mọi người đang chịu sự hy sinh to lớn. Tôi biết rằng điều đó không dễ dàng gì, nhưng những hy sinh này đang đóng góp to lớn và trân quý cho đất nước. Cả thế giới đang dõi theo chúng ta, đặc biệt là dõi theo số các ca lây nhiễm,” Thủ tướng Italy phát biểu.
Đến sáng 12/3, Italy vẫn là nước đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19, chỉ xếp sau Trung Quốc đại lục. Số ca tử vong vì virus corona hôm 11/3 tăng từ 631 lên 827 chỉ trong một ngày. Tổng số ca nhiễm được xác nhận đã tăng lên 12.462 ca.
Đan Mạch phong tỏa toàn quốc
Sau Italy, Đan Mạch cũng đã trở thành quốc gia thứ hai ở châu Âu ban bố tình trạng phong tỏa toàn quốc. Thủ tướng Đan Mạch, bà Mette Frederiksen tuyên bố đóng cửa tất cả các trường học, nhà trẻ và trường đại học trong 2 tuần để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, Daily Mail đưa tin hôm 12/3.
‘Quy định này sẽ có tác động rất lớn, nhưng nếu không làm vậy, mọi thứ sẽ tồi tệ hơn nhiều. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để giảm thiểu hậu quả cho người dân”, Nữ Thủ tướng Đan Mạch cho hay.
Cùng với lệnh phong tỏa, Đan Mạch cũng sẽ cấm các sự kiện tổ chức trong nhà với 100 người tham gia trở lên và cho phép các nhân viên công chức không nắm giữ vai trò quan trọng ở nhà. Lao động ở khu vực tư nhân cũng được khuyến khích làm việc tại nhà.
Hành động khẩn cấp của Đan Mạch được đưa ra sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức gọi Covid-19 là đại dịch. WHO còn cảnh báo việc nhiều chính phủ có thái độ thờ ơ và “không hành động” đủ quyết tâm để chống lại cuộc khủng hoảng dịch bệnh đang diễn ra.
Chính phủ Đan Mạch tuyên bố sẽ chuyển chiến lược chống Covid-19 từ “ngăn chặn” sang “trì hoãn”, ưu tiên ngăn chặn sự lây nhiễm dịch bệnh trong thời điểm hiện nay.
Thủ tướng Frederiksen nói thêm: “Chúng ta không thể vượt qua chuyện này mà không có hậu quả. Các công ty có thể sẽ đóng cửa. Nhiều người sẽ mất việc. Chúng ta sẽ làm tất cả những gì có thể để hạn chế tác động đối với người lao động”. Bà Frederiksen nói dịch bệnh Covid-19 không chỉ là mối đe dọa với Đan Mạch mà còn đối với cả thế giới.
Quốc gia Bắc Âu với 5,7 triệu dân này đã thông báo ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào ngày 27/2. Đến ngày 11/3, Đan Mạch lại có thêm 44 trường hợp nhiễm virus corona mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 516 ca.
Hành động khẩn cấp của Đan Mạch được đưa ra sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức gọi Covid-19 là đại dịch. WHO còn cảnh báo việc nhiều chính phủ “không hành động” quyết liệt để chống lại cuộc khủng hoảng dịch bệnh đang diễn ra.
Hôm 10/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố dịch Covid-19 do virus coronavirus gây ra là đại dịch toàn cầu sau khi số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 không ngừng tăng lên.
Dịch bệnh cũng đã nhanh chóng lan ra 109 quốc gia vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi khởi phát tại thành phố Vũ Hán vào tháng 12 năm ngoái. Tính đến ngày 12/3, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới đã lên đến 124.000 ca, trong đó có ít nhất 4.600 ca tử vong.
Thiện Thành