ISIS thu lợi bất chính từ các hoạt động ‘xã hội đen’
Theo nhận định của các nước phương Tây, thế giới đang phải đối mặt với một cuộc chiến cam go để chặn đứng nguồn tài chính có được từ hoạt động mang tính “xã hội đen” của nhóm khủng bố ISIS.
Các nhà phân tích cho biết, không giống như mạng lưới khủng bố al-Qaeda vốn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn tài trợ cá nhân; việc nhóm ISIS kiểm soát một khu vực rộng lớn ở Syria và Iraq cho phép tổ chức này thu tiền từ hoạt động ăn chặn, bắt cóc, buôn lậu dầu lửa và đồ cổ.
Theo Evan Jendruck, nhà phân tích thuộc cơ quan tư vấn quân sự IHS Jane’s, chính vì lý do này mà nguồn tài chính của ISIS rất khó để trở thành mục tiêu trừng phạt của phương Tây.
Ông cho rằng, việc trừng phạt hơn 160 nước đã chấm dứt hoạt động chuyển tiền cho al-Qaeda qua các tổ chức nhân đạo và ngân hàng. Tuy nhiên, ISIS sở hữu một nguồn tiền riêng tại các khu vực mà tổ chức này kiểm soát nên biện pháp tương tự sẽ không thể phát huy tác dụng.
Thậm chí, theo một số tính toán, ISIS là nhóm cực đoan giàu có nhất thế giới, với khoảng tiền thu về trong ngày ít nhất là 1 triệu USD. Giới chức Mỹ cũng thừa nhận nhóm này sở hữu rất nhiều tiền mặt và không ngừng nỗ lực bảo vệ khoản tiền này.
Một quan chức tình báo Mỹ giấu tên cho biết, ISIS “được rót đầy tiền mặt từ một loạt các hoạt động phi pháp như ăn chặn, bắt cóc, cướp bóc”.
Họ cướp tiền từ các doanh nghiệp địa phương và “thường thu thuế các chuyến xe lưu thông trên những tuyến đường mà chúng kiểm soát”, quan chức này cho hay. “Hoạt động này không khác nào một băng nhóm xã hội đen”.
Ngoài ra, người ta còn cho rằng nguồn lợi mà ISIS thu được đến từ hoạt động bắt cóc tống tiền các chính phủ châu Âu. Trong khi đó, Washington ra sức kêu gọi chính phủ các nước này không nên chi tiền chuộc cho nhóm phiến quân.
Mạng lưới buôn lậu dầu
Nguồn thu nhập quan trọng nhất của ISIS đến từ khoảng 11 giếng dầu tại khu vực miền Đông Syria và miền Bắc Iraq. Điều này cho phép tổ chức này bán dầu thô với giá rẻ để lấy tiền mặt hoặc buôn lậu.
Theo Luay al-Khatteeb thuộc Trung tâm Brookings Doha, khoảng thu từ việc bán dầu có thể lên tới 2 triệu USD/ngày.
Khatteeb cho biết, sau khi được khai thác và xử lý sơ bộ, dầu sẽ được vận chuyển bằng xe tải hoặc la thồ tới Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Jordan; giá bán vào khoảng 25 đến 60 USD/thùng thay vì 100 USD theo thị trường thế giới.
Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố sẽ siết chặt nguồn tiền thu từ buôn lậu dầu, hoạt động ăn chặn và phạm tội khác của ISIS. Tuy nhiên, cơ quan này không nói rõ cách xử lý.
Kể từ năm 2003, Washington đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với hơn 20 người có liên hệ với ISIS hoặc tổ chức al-Qaeda ở Iraq. Theo David Cohen làm việc trong Bộ tài chính Mỹ, trong những tháng qua, Mỹ đã thêm 2 cái tên nữa vào danh sách đen.
Tuần trước ông Cohen cũng cho hay, Washington hy vọng sẽ cắt đường tiếp cận với thị trường tài chính quốc tế của ISIS.
Nhưng vẫn chưa rõ liệu các quốc gia vùng Vịnh có ủng hộ hoàn toàn nỗ lực này hay không. Qatar và Kuwait bị cáo buộc là bật đèn xanh để rót tiền cho ISIS, nhưng chính phủ của cả hai nước đều phủ nhận.
ISIS sẽ suy yếu khi bị mất đất
Theo Howard Shatz, một nhà kinh tế học cấp cao tại cơ quan nghiên cứu RAND Corporation, do ISIS không phụ thuộc vào các nguồn tài trợ, nên trừng phạt về tài chính sẽ không có tác dụng ngăn chặn dòng tiền cung cấp cho nhóm này.
Ông cho biết, bán dầu lậu dầu chỉ có thể bị giới hạn nếu Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan thắt chặt biên giới hoặc đối tượng trung gian trong hoạt động buôn lậu này bị vạch mặt.
Song ông khẳng định ISIS đã từng rơi vào khủng hoảng và chắc chắn sẽ bị đánh bại.
Theo Dantri.com