Hacker lại tấn công chính phủ Mỹ, lấy cắp dữ liệu cá nhân của 22 triệu người
Mới đây hệ thống máy tính của văn phòng Quản lý nhân sự (OPM) Hoa Kỳ đã bị xâm nhập và các hacker đã lấy được dữ liệu cá nhân của 22 triệu người. Các văn phòng Chính phủ Mỹ liên tiếp bị tin tặc hỏi thăm trong thời gian vừa qua.
Báo cáo ngày 9/7 cho biết, trong số 22 triệu người này, có 19,7 triệu người là nhân viên liên bang hoặc đã nghỉ hưu, hoặc là những nhân viên tương lai và các nhà thầu, số còn lại chủ yếu là vợ/chồng, hoặc người sống chung cùng họ.
Các dữ liệu cá nhân bị tin tặc đánh cắp bao gồm số an sinh xã hội, địa chỉ, quá trình học tập, các mối quan hệ làm việc và gia đình bạn bè, tình hình tài chính. Quan trọng nhất là có 1,1 triệu dấu vân tay của các nhân viên Chính phủ cũng bị lấy cắp trong cuộc tấn công này.
Với các thông tin cá nhân đánh cắp được này, tin tặc có thể sử dụng vào nhiều mục đích xấu khác nhau như tạo hồ sơ giả, làm giả nhân dạng, bán thông tin người dùng cho các cơ quan khác … Đây được xem là vụ tấn công mạng lớn nhất nhằm vào các cơ quan Liên bang của Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên không có bất kỳ tài liệu Chính phủ nào bị mất, tất cả chỉ là thông tin cá nhân của các nhân viên.
Trong cuộc họp báo diễn ra ngay ngày 9/7, ông Michael Daniel, một quan chức cấp cao tại Hội đồng An ninh quốc gia Hoa Kỳ đã từ chối đưa ra bất kỳ lời bình luận nào về kẻ đứng sau vụ tấn công. Ông cho biết, vụ điều tấn công vẫn đang được tiến hành điều tra và làm rõ.
Các văn phòng Chính phủ Hoa Kỳ đang là mục tiêu của khá nhiều vụ tấn công mạng trong thời gian gần đây. Tính chất của các vụ tấn công này cũng ngày càng phức tạp, tuy nhiên tất cả lại đều nhắm vào thông tin cá nhân của các nhân viên. Đến nay, Chính phủ Mỹ vẫn chưa tìm được người đứng sau hai vụ tấn công trước đó. Một số người nghi ngờ phía Trung Quốc đã thực hiện những cuộc tấn công này, nhưng hiện tại chưa có bằng chứng và kết luận gì về điều đó.
Theo GenK