Giới trí thức Trung Quốc và biến cố 1989: Hai lựa chọn, hai con đường

06/05/16, 17:45 Trung Quốc

Với một nhóm các trí thức tại thành phố Thượng Hải thì khi những chiếc xe tăng lăn bánh trên đường phố Bắc Kinh vào năm 1989, tính cách của mỗi người đều trở thành định mệnh.

Ảnh kỷ yếu của sinh viên Khoa Chính trị Quốc tế tại khóa Đại học Phục Đán vào mùa hè năm 1988.Ông Vương Hỗ Ninh ở hàng đầu, người đầu tiên từ trái sang; và ông Hạ Minh ở hàng cuối, là người thứ bảy từ phải sang. (Ảnh do ông Hạ Minh cung cấp cho Epoch Times)

Đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị quyết định số mệnh tương lai của Trung Quốc, hai người trí thức trẻ đã đưa ra hai lựa chọn khác nhau. Khi phong trào dân chủ 1989 bùng nổ tại Quảng trường Thiên An Môn, một người quyết định bảo vệ Đảng và một người đứng về phía các sinh viên.

Với nhiều người, ông Vương Hỗ Ninh (Wang Huning) không khác gì một con tắc kè hoa. Giờ đây, ông đã chiếm được một chiếc ghế quan trọng trong Bộ Chính trị đầy quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và liên tục trở thành cố vấn tin cậy của ba nhà lãnh đạo tối cao – một thành công rực rỡ gây dựng bởi lòng trung thành ‘nửa vời’, vốn là điều thiết yếu trong quan hệ giữa các phe phái ở Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Hạ Minh (Xia Ming) là một giáo sư về chính trị Trung Quốc hiện sống tại New York. Trong những năm tháng đèn sách và sau khi tốt nghiệp, vị giáo sư này từng ở chung kí túc xá và rồi thành đồng sự của ông Vương. Ông Hạ vừa là một học giả và cũng là một nhà hoạt động dân chủ – một công việc gắn liền với nhiều trí thức Trung Quốc có tiếng nói lương tâm mạnh mẽ.

Cả hai cùng tốt nghiệp trường Đại học Phục Đán tại thành phố Thượng Hải (một trong những ngôi trường ưu tú nhất ở Trung Quốc). Họ cách nhau vài khóa học, ông Hạ nhập học năm 1981, khi 16 tuổi, còn ông Vương gia nhập năm 1978, vào lúc 22 tuổi. Họ đã ở gần nhau và làm việc chung với nhau trong gần một thập kỷ sau đó. Sau rất nhiều năm, ông Hạ vẫn duy trì tình bạn thân thiết với vợ cũ của ông Vương, và khi bà này tới Hoa Kỳ, ông đã mời bà ghé thăm nhà mình để tham gia đàm luận. Ông Hạ đã thầm lặng quan sát những bước thăng tiến của ông Vương trong thập niên qua, và không hề ngạc nhiên khi một người với tính khí như Vương Hỗ Ninh có thể đi rất xa trong một hệ thống chính trị tối tăm và tàn bạo.

Những câu chuyện về hai người đàn ông này khắc họa viễn cảnh sống động về số phận của giới trí thức hiện đại tại Trung Quốc: Các học giả “đánh thuê” sẵn sàng để trở thành vũ khí lý luận thời thượng của giai cấp thống trị bất cứ khi nào, họ sẽ tiến rất xa. Trong khi đó, những người ủng hộ giá trị truyền thống của Nho giáo, vốn tôn vinh sự trọn vẹn của trí tuệ, “xem tôn chỉ đạo đức của một nhà trí thức chính là dám lên tiếng khi nhà cầm quyền lạm dụng quyền lực”, theo học giả John Minford, và phần lớn họ đều phải bước đi trên con đường lưu vong.

Vương Hỗ Ninh – Một con người thận trọng

Ông Hạ Minh mô tả về người đồng nghiệp cũ của mình như sau: “Anh ấy là một người rất thận trọng và không bao giờ đứng về bất cứ phe nào”. Ông giải thích thêm: “Anh ấy sẽ hỏi han và chia sẻ một vài quan điểm của mình, nhưng sẽ không bao giờ để lộ bản chất thật sự của mình”.

“Đấy là tính cánh của anh ấy. Vương không bao giờ muốn để lộ bản chất thật của mình”.

Ông Trần Khuê Đức là một học giả khác hiện đang sống lưu vong. Ông học cùng khóa với Vương Hỗ Ninh, và là vị tiến sỹ đầu tiên tốt nhiệp tại trường Đại học Phục Đán vào thời hậu Mao Trạch Đông. Họ sống chung ký túc xá trong vòng 3 năm rưỡi. Ông Trần hiện là biên tập viên cho tạp chí “China in Perspective” – một tạp chí mạng về trí thức và giới chính trị.

Ông Vương Hỗ Ninh (bên trái) đang nói chuyện với ông Lưu Kì Bảo – một thành viên của Bộ Chính trị (bên phải) tại Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh vào 05/3/2016. (Wang Zhao/AFP/Getty Images).

Ông Trần cho biết, “Chúng tôi từng là bạn, bạn rất thân. Cậu ấy sáng tác thơ hiện đại và chúng tôi chơi với nhau. Nhưng, cậu ấy không phải tuýp người nói nhiều và luôn rất cẩn thận”.

Khóa học mà ông Hạ Minh và Vương Hỗ Ninh cùng tham gia vào năm 1988 là một trong những khóa học cạnh tranh nhất tại thời điểm đó trên toàn quốc. Cụ thể, ông Hạ là một trong 22 sinh viên ít ỏi được tuyển trọn từ tỉnh Tứ Xuyên rộng lớn với dân số lên đến 100 triệu người.

Trong khi ông Hạ đang học thì ông Vương đã tốt nghiệp; và đến khi ông Hạ tốt nghiệp thì ông Vương đã tham gia giảng dạy. Tại một thời điểm, cả hai người đều là những chính ủy trong lớp học của mình – viết báo cáo về tư tưởng và mức độ tín nhiệm của các bạn học cùng lớp.

Hai vị học giả này chỉ sống cách nhau 4 phòng ngủ và cùng nhau đến phòng ăn vào mỗi buổi sáng và chiều. Sau khi cả hai cùng tham gia giảng dạy, ông Hạ thường tạt qua phòng làm việc của ông Vương vài lần mỗi ngày để chọc gáy ông Vương và trò chuyện. Mối quan hệ của họ trong những năm 1980 được khắc họa bởi sự ngưỡng mộ xen lẫn những ngờ vực. Nhưng, điểm quan trọng nhất là Trung Quốc là một ‘sân chơi’ có tầm cỡ phù hợp với cả hai người.

Tuy nhiên, khi sự kiện quan trọng bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc hiện đại xảy ra (cuộc biểu tình của sinh viên vào năm 1989) thì bức tranh tư tưởng tại Trung Quốc bắt đầu co lại nhanh chóng. Tầng lớp trưởng giả đa cảm, những người uống Coca Cola và viết tiểu thuyết lãng mạn bắt đầu bị loại bỏ; những kẻ giả dối với hứa hẹn về lý luận chủ nghĩa toàn trị lên ngôi.

Mùa Xuân Phục Đán

Vào tháng 4/1989, những cuộc biểu tình của sinh viên tại Bắc Kinh đã truyền nhiệt huyết tới Thượng Hải, và những cuộc tuần hành tuyệt thực đã xảy ra quanh khuôn viên của trường Phục Đán. Ông Hạ – một giáo viên tiêu biểu lúc bây giờ, đồng thời là một Đảng viên và một chính ủy đã có bài phát biểu đầy nhiệt huyết trước hàng trăm học sinh tại một thính phòng vào cuối tháng 4.

Vào ngày kế tiếp, rất nhiều sinh viên từ các trường đại học khác tại Thượng Hải đã tham gia diễu hành và tuyệt thực để thể hiện tinh thần đoàn kết với những người biểu tình tại Bắc Kinh. Những người biểu tình tại Phục Đán cảm nhận được sự kiện này rất có thể sẽ trở thành một nỗi ám ảnh với họ, và bởi vậy họ đã “tìm cách khiến những rắc rối trở nên lớn hơn để làm loãng trách nhiệm”, theo ông Hạ.

Những giảng viên trẻ tìm đến các vị giáo sư để ký tên thỉnh nguyện. Họ đã thành công trong việc thuyết phục con trai của Nghiêm Bắc Minh ủng hộ, ông này là một trong những nhà triết học nổi tiếng nhất tại Đại học Phục Đán. “Chúng tôi đã hỏi Vương Hỗ Ninh, nhưng dĩ nhiên là cậu ta không ký”.

Ông Trần cho biết, Vương đã làm điều ngược lại, cậu ấy ký tên vào một văn bản phản đối việc cải cách và chống lại cuộc biểu tình: 

“Cậu ấy thể hiện lập trường chính trị của mình rất rõ ràng. Cậu ta không ủng hộ phong trào sinh viên”.

Những người tham gia đều phải trả giá đắt. Ông Hạ Minh đã phải ẩn náu tại dãy núi Hoàng Sơn cho đến khi nhận được báo tin là an toàn để trở về. Ông Vấn Tưởng Phẩm, bạn của ông Hạ và cũng là một nhà hoạt động, đã bị bắt và đưa về tỉnh Hòa Nam để làm việc trong một nhà máy phân bón, sản xuất Amoniac. Ông này sau đấy đã tự tử.

Ông Hạ có nền tảng giáo dục và gia cảnh rất tốt. Điều này đã giúp ông nhận được không ít sự ưu ái. Cha của ông là một phi công thuộc thế hệ cộng sản đầu tiên, và mẹ của ông là một nhà khoa học hạt nhân làm việc cho Đảng Cộng sản. Hơn thế nữa, gia đình họ vợ cũng từng ủng hộ cho cách mạng bằng cách cho cha của Tăng Khánh Hồng vay tiền mặt. Lai lịch phức tạp này đã giúp ông Hạ được tha thứ cho sự ‘thơ ngây’ của mình.

Ông Hạ chia sẻ: “Tuy nhiên, khi tôi quay trở lại, tôi đã đánh mất tự do của mình. Dẫu tôi không bị nhốt trong tù nhưng tôi phải làm báo cáo chính trị hàng ngày và không được phép rời khỏi khuôn viên trường học”.

Nấc thang tới quyền lực

Ông Vương Hỗ Ninh không có một lý lịch uy tín như vậy. Bởi thế, theo cách ông Hạ nói thì ông đã làm điều không thể tốt hơn là: “kết hôn với nó”. Trong những năm 1980, ông Vương đã sát cánh bên một nữ sinh tràn đầy hứa hẹn về một tương lai tươi sáng tên là Chu Kì. Người có cha nắm giữ chức vụ thứ trưởng trong bộ máy an ninh quốc gia thời bấy giờ.

Ông Hạ Minh nói: “Vương là dạng người rất cẩn thận và toan tính. Khi Chu Kì còn trẻ, cô có xuất thân từ một gia đình sung túc, còn cậu ta không là ai cả. Bạn thử nghĩ mà xem, nếu bạn là một giảng viên trẻ tại trường Đại học Harvard, và rồi bạn kết hôn với con gái của cố vấn an ninh quốc gia thì mọi chuyện sẽ thuận lợi biết nhường nào. Vương đã nhanh chóng trở thành vị giáo sư trẻ nhất làm việc trong phòng ban của chúng tôi”.

Đang trên đà định hướng bản thân nhằm vào việc nâng cao vị thế và đứng vào hàng ngũ tổ chức chính trị mới đang trên đà phát triển, rất có thể ông Vương đã nhận được thông tin về ‘chiều gió’ từ cơ quan tình báo Trung Quốc trước khi vụ thảm sát diễn ra vào ngày 4/6.

Các ấn phẩm Trung Quốc tại hải ngoại bao gồm tạp chí ‘Open Magazine’ và Boxun tại Hong Kong đã trích lời từ một giáo sư từng làm việc tại khoa quan hệ quốc tế ở trường Đại học Phục Đán và cho biết, “hiển nhiên” là các công chức an ninh tại Thượng Hải đã liên hệ với ông Vương. Hạ Minh cũng cho biết ông từng cự tuyệt rất nhiều lời tiến cử từ các nhân viên tình báo.

Một trong những ví dụ tiêu biểu thể hiện sự phục tùng của Vương là sự kiện diễn ra tại khán phòng của khách sạn Cẩm Giang. Tại đây, ông Giang Trạch Dân và Bí thư Đảng ủy thành phố đã mở một cuộc họp báo gặp mặt các học giả, nhà báo, các biên tập viên và những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa để giải thích về “cuộc cải tổ” tờ báo nổi tiếng nhất Trung Quốc lúc bấy giờ: World Economic Herald (Nhật báo Kinh tế Thế giới).

Tờ báo này đã hoạt động suốt những năm 1980, là cơ sở hoạt động của nhiều nhà văn, giới trí thức, và là nơi đăng tải những bài tiểu luận của 2 ông Hạ Minh và Vương Hỗ Ninh về chủ đề cải cách kinh tế và chính trị tại Trung Quốc. Tuy nhiên, bởi nó ủng hộ hoạt động biểu tình của giới sinh viên tại Bắc Kinh, nên ông Giang Trạch Dân đã đưa ra quyết sách cứng rắn chống lại nó (Nhiều học giả tin rằng sự kiện này là dấu ấn quan trọng để ông Giang dành được tín nhiệm và trở thành Tổng Bí thư sau khi sự kiện thảm sát Thiên An Môn và việc lật đổ ông Triệu Tử Dương).

Trong khi hầu hết những người có mặt tại khách sạn Cẩm Giang đều lên tiếng chống lại hành động công kích tờ báo, thì Vương Hỗ Ninh lại công khai ủng hộ việc này. Bởi vậy, ông nhanh chóng lọt vào mắt xanh của Tăng Khánh Hồng – một cánh tay đắc lực và là tham mưu chính của ông Giang Trạch Dân. Ông này sau đó đã giữ Vương ở lại và giới thiệu tới ông chủ của mình.

Hạ Minh đã nghe được câu chuyện trên thông qua một người từng tham dự cuộc họp báo. Ông Trần Khuê Đức xác thực sự kiện này từ một nguồn tin cậy khác. Trong khi đó, ông Trương Vệ Quốc, một cựu phóng viên và là biên tập viên của tờ báo “Nhật báo Kinh tế Thế giới” cũng xác nhận về sự kiện này tuy không được biết nhiều về giai thoại nói trên.

Mặc dù, Đảng Cộng sản Trung Quốc không xác thực về sự kiện này nhưng nhiều ấn phẩm được công bố cho thấy sự ngưỡng mộ đặc biệt mà ông Tăng dành cho Vương. Vào năm 1987, Nhật Báo Trung Hoa công bố: “Sự xuất sắc trong lĩnh vực khoa học chính trị của ông Vương Hỗ Ninh đã lọt vào mắt xanh của các nhà lãnh đạo trước khi Đại hội Đảng lần thứ 13 diễn ra. Đảng ta đặc biệt cần cái nhìn sâu sắc về khoa học chính trị trong đại hội này”.

Bài báo nói rằng trong một chuyến công tác tới Thượng Hải, ông Tăng đã ghé thăm Vương tại Đại Học Phục Đán và cùng nhau thảo luận hơn hai tiếng đồng hồ. “Hai người đã nói về một số chủ đề và có nhiều quan điểm chung. Dường như không có khoảng cách giữa họ và cuộc thảo luận nhiệt huyết tới mức chính cả hai đã quên mất ai là lãnh đạo và ai là học giả”.

Hoạt động trong cơ quan đầu não

Sau khi ông Vương tới Bắc Kinh vào năm 1994 – Nhật Báo Trung Hoa đăng bài có đoạn truyền tải lời khẳng định mang tính cá nhân của ông Giang Trạch Dân, trong đó ghi rằng ông Vương phải tạo dựng nên những lý thuyết chính trị hữu ích cho lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây là thời điểm mà ông Vương được giới quan sát từ nước ngoài biết đến nhiều nhất khi một loạt các tiến bộ và cải cách tại Trung Quốc đều có dấu ấn của ông.

Những thay đổi này bao gồm lý thuyết Ba Đại Diện được ông Giang Trạch Dân giới thiệu vào năm 2000. Về mặt lý luận, học thuyết này nhấn mạnh việc Đảng Cộng sản là “đại diện cho lực lượng sản xuất tiến tiến của xã hội”, “tiến bộ trong văn hóa”“lợi ích căn bản của đại đa số”. Mục tiêu chính của nó là để cho phép tư bản trở thành Đảng viên, mở đường cho chủ nghĩa tư bản thân hữu, định hình đặc trưng phát triển kinh tế của Trung Quốc trong ít nhất một thập kỷ tới.

Ông Vương cũng được cho là người đứng đằng sau học thuyết Quan điểm phát triển khoa học của Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào. Theo kênh truyền thông nhà nước, học thuyết này nhắm đến việc “tích hợp chủ nghĩa Mác với thực tế đương đại của Trung Quốc và các đặc tính cơ bản vào thời đại của chúng ta. Nó thể hiện đầy đủ thế giới quan Mác-xít và các phương pháp phát triển”.

Vương Hỗ Ninh (người thứ hai từ phải qua) hiện tại là một trong những cố vấn thân cận luôn sát cánh bên cạnh Tập Cận Bình.

Ảnh hưởng của ông Vương tiếp tục kéo dài tới thời đại của Tập Cận Bình – một tình huống hiếm hoi đã xảy ra khi ông Vương tiếp tục được tại vị để làm cố vấn cá nhân cho lãnh đạo đứng đầu Đảng Cộng sản. Ông Vương thường tháp tùng ông Tập trong các chuyến công du nước ngoài và tại các cuộc họp chính trị quan trọng ở Trung Quốc. Mọi đồng nghiệp cũ của ông Vương đều nghĩ rằng ông này cũng để lại dấu ấn của mình trong những lý luận của ông Tập. Một trong số đấy là “lý luận chiếc giày”, đáp trả những chỉ trích về chính sách cai trị hà khắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc bằng cách nhấn mạnh việc “giày có vừa chân hay không thì người mang giày mới biết”. Mặt khác, Vương Hỗ Ninh cũng từng là học trò thân cận của nhà lý luận chính trị người Mỹ là John Dewey – người nổi tiếng với nhận định “người mang giày là người biết rõ nhất … nơi nó bị chật”.

Các đồng nghiệp cũ của ông Vương hiện sống tại hải ngoại đã bày tỏ ít nhiều thất vọng về cách mà ông Vương sử dụng trí tuệ của mình. Ông Trần Khuê Đức chia sẻ: “Cậu ấy thông minh, ngoan ngoãn và sẵn sàng để bị lợi dụng. Khi cậu ta tới Bắc Kinh thì cậu đã làm quen với môi trường chính trị tại đấy và chấp hành theo những nội quy. Cậu không còn những giá trị của riêng mình”.

Theo ông Hạ Minh – “Vương Hỗ Ninh đã cải biên rất nhiều ý tưởng hay”.

Ông Vương có xu hướng luôn đứng sau một nhà lãnh đạo quyền lực. Đây cũng là điều được đưa vào trong một cuốn sách về chính trị học so sánh của ông: “Thật khó để khẳng định là văn hóa chính trị nào là tối ưu”. Ông Trần Khuê Đức đã trích dẫn câu nói này trong một đoạn giới thiệu của ấn bản năm 1987 và đáp trả rằng: “Nếu như vậy thì …chúng ta đã rơi vào một trạng thái hoài nghi thụ động hoàn toàn khi ấy mọi người chỉ có thể khẳng định mọi thứ thông qua thực tiễn chính trị và từ bỏ mọi hy vọng về tiến bộ xã hội”.

Theo ông Hạ Minh, “Vương Hỗ Ninh đã cải biên rất nhiều ý tưởng hay. Câu nói của Dewy đề cập đến cách thức để tạo sức mạnh cho cá nhân, nhưng giờ đây ông Vương đã cải biên ý nghĩa của nó trở thành trái ngược với nguyên văn, và sử dụng để bảo vệ chính quyền Trung Quốc. Tư tưởng dân chủ nguyên gốc đã bị ‘đoạn chương thủ nghĩa’. Và đấy là cách mà cậu ấy đã sử dụng trí tuệ của mình”.

Giai thoại được truyền miệng trong giới bạn học cũ của ông Vương nói rằng ông này thường ngủ trên một chiếc ghế trong văn phòng của mình để sẵn sàng phục vụ nhu cầu của các lãnh đạo khi được yêu cầu.

Ông Hạ Minh kể lại một sự việc vào năm 1997, khi một nhóm bạn học cũ của ông Vương từ Thượng Hải tới Bắc Kinh để tham dự buổi họp chính trị thường niên, đã mời ông này ăn tối. Ông Vương chỉ ghé thăm mọi người một chút để chúc tụng, nhưng từ chối tham gia buổi tiệc hay uống rượu. Theo ông Hạ thì “anh ấy không muốn thiết lập mối quan hệ với bất kỳ ai ngoại trừ cấp trên của mình – như thể cậu ấy muốn dâng hiến toàn bộ thân và tâm của mình cho lãnh đạo”. Và chính điều này giải thích lý do mà ông Vương có thể tại vị qua suốt ba thời kỳ của các nhà lãnh đạo khác nhau: Ông Vương luôn sẵn sàng phục vụ bất kỳ ai đang cầm quyền và không bao giờ tự hình thành nền tảng quyền lực riêng hay tạo ra những mối quan hệ ngoài luồng. Bởi vậy, dẫu là với Hồ Cẩm Đào hay Tập Cận Bình thì ông sẽ không bao giờ trở thành một mối đe dọa với họ.

Ông Vương Hỗ Ninh không khác gì một thuật toán được mã hóa một chiều – toàn tâm phục vụ quyền lực với bất kỳ ai sở hữu nó. Ông Hạ cho rằng ông Vương toàn tâm toàn ý tận tụy với Đảng Cộng Sản và luôn tin tưởng Đảng đã nắm bắt đúng trọng tâm khoa học trong quá trình phát triển. Đây có thể là thứ đã thúc đẩy ông Vương cống hiến quên mình.

Tuy nhiên cũng khá thú vị và bất ngờ khi ông Vương cũng từng hỗ trợ cho sự nghiệp tại hải ngoại của ông Hạ. Khi ông Hạ tìm cách rời khỏi Trung Quốc, gói học bổng toàn phần của ông tại Đại học Temple vào năm 1991 chỉ có thể có hiệu lực khi có sự đồng thuận của ông Vương, người khi đó đang là cấp trên của ông.

Những đứa trẻ bị chôn vùi và ly rượu Pháp

Có lẽ điểm khác biệt lớn nhất giữa tầm nhìn của ông Vương Hỗ Ninh và người bạn học cùng thời – ông Hạ Minh là tâm thái cho sự thay đổi.

Mặc dù có khuynh hướng ủng hộ dân chủ từ khi còn là một nhà tư tưởng trẻ nhưng ông Hạ luôn coi mình là một học giả trung lập từ khi tới Hoa Kỳ.

Sự kiện đầu tiên giúp ông bừng tỉnh trên con đường chính trị của mình đã diễn ra: ngay sau khi thất bại trong công cuộc cải cách chính trị tại Trung Quốc cuối những năm 1980, ông biết rõ là mình phải tìm kiếm vận may ở hải ngoại. 

Vào năm 2008, ông Hạ đi về vùng nông thôn ở phía Tây Nam Trung Quốc để giúp một đoàn quay phim tài liệu vén bức màn bí mật về cơn địa chấn xảy ra tại tỉnh Tứ Xuyên – nơi mà những nỗ lực cứu nạn phải nhường chỗ cho việc tranh giành quyền lực chính trị. Đảng Cộng Sản đã bỏ ra rất nhiều nỗ lực nhằm che đậy những cái chết bất thường của hàng ngàn học sinh Trung Quốc bị chôn vùi trong những ngôi trường kém chất lượng – hệ lụy của tham nhũng trong quá trình thi công. Bộ phim “Thảm họa phi tự nhiên: Nước mắt tỉnh Tứ Xuyên” sau đó đã giành được đề cử cho giải Oscar và chiến thắng một giải Emmy.

Phóng sự ngắn giới thiệu về bộ phim tư liệu – Thảm họa phi tự nhiên: Nước mắt tỉnh Tứ Xuyên:

Tuy nhiên, điều để lại ấn tượng khó phai trong ông Hạ không phải là dấu ấn về tham nhũng hay sự đau khổ các nạn nhân mà nó xảy ra tại một nhà hàng Pháp sang trọng trên tòa nhà Kim Mậu. Ông Hạ đã dừng chân tại đây để gặp mặt những người bạn cũ trước khi quay lại Mỹ. Khi họ dùng bữa, những người bạn của ông Hạ đã hỏi về quãng thời gian ông làm việc tại tỉnh Tứ Xuyên, và ông đã kể cho họ nghe những gì mình chứng kiến.

Phản ứng của toàn thể bạn học cũ đã khiến ông ngỡ ngàng, ông Hạ hồi tưởng lại lời nói của những người bạn: “Bọn này chắc chắn những gì cậu thấy không phải là Trung Quốc thực sự, Trung Quốc chính là đây – khi cậu đang ở bên bọn mình”. Họ từng mời ông trở lại Trung Quốc để “cho ông thấy lợi thế đích thực của xã hội chủ nghĩa”. Theo ông Hạ, trải nghiệm lạ thường nhất trong chuyến về thăm Trung Quốc, ngoại trừ sự khác biệt giữa bữa ăn tại tòa nhà sang trọng và những gì tại Tứ Xuyên, thì đó còn là việc “những người bạn luôn phủ nhận tính xác thực của dữ kiện thực tế, và tôi nghĩ điều này thực sự rất thú vị”.

Bạn của ông Hạ hoạt động trong chính phủ và hệ thống tài chính, trong đó có cả một vị cục phó quản lý các khoản đầu tư cho thành phố Thượng Hải. Trải nghiệm này là một bước ngoặt quan trọng trong chuyến hành trình của ông Hạ, ông nói: “Nếu tôi tiếp tục muốn nói gì thì nói, thì cái giá phải trả sẽ là không thể quay lại Trung Quốc lần nữa”. Và ông đón nhận định mệnh này.

Hướng về chân lý

Sau này, ông Hạ dần nhận thức được vài trò của một nhà trí thức cởi mở – không chỉ đơn thuần là phân tích chính trị, mà cần phải làm gì đó để thúc đẩy Trung Quốc tiến tới bến bờ tự do.

Hạ Minh, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học thành phố New York, ngày 30/7/2015. (Samira Bouaou/Epoch Times)

Một phần quan trọng trong quá trình này là chủ động loại bỏ những nhân tố Đảng đã ăn sâu trong tâm trí bao năm qua. Ông đã tuyên bố thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản trong một bữa tối tại thành phố New York vào năm 2010, và bắt đầu dành thời gian tĩnh tâm soi sét lại sức ảnh hưởng của ý thức hệ mà Đảng đã tuyên truyền cho  ông.

Ông Hạ chia sẻ: “Tôi thực sự tin rằng chúng ta đã từng là nạn nhân bị Đảng Cộng Sản tẩy não. Vậy làm thế nào để loại bỏ những vết nhơ này? Tôi đã dành tới 20 năm để nỗ lực loại bỏ những ý nghĩ xấu và nhận ra có thật nhiều mảng tối trong tim mình”. Ông Hạ bắt đầu đọc các kinh Phật cổ – Bát Nhã Tâm Kinh và Liên Hoa Kinh song song với tìm hiểu sâu hơn về triết học truyền thống của Trung Quốc bao gồm các học thuyết của Khổng Tử, Mạnh Tử và Mặc Tử. Ngoài ra, ông cũng phát triển mối liên hệ thân thiết với Đức Đạt Lai Lạt Ma, đọc các cuốn sách của ông và đeo một chuỗi tràng hạt trên tay.

Ông Hạ nói: “Tất cả những điều này đã thay đổi thế giới quan trong tôi. Tôi đưa ra những quyết định dựa trên những chân lý về vũ trụ”. Ông Hạ thường xuất hiện trên kênh truyền hình VOA và Tân Đường Nhân (hai kênh truyền thông phản ánh nhiều bất cập tại Trung Quốc được phát sóng tại hải ngoại). Mặt khác, ông cũng viết bài cho các ấn phẩm thể hiện tư tưởng dân chủ, và tham gia các diễn đàn thảo luận cùng các học giả đương thời để đưa ra những chính kiến mà họ chỉ có thể đề cập đến khi đã xuất ngoại.

Trong cuốn sách “Political Venus” do ông Hạ làm tác giả, ông Trần Khuê Đức đã viết một lời bình như sau: “Những ai đã từng biết người anh em Hạ Minh sẽ nhận thấy sự thay đổi rõ rệt của cậu ta, thậm chí, vài người bạn đã vô cùng kinh ngạc”

Như ông Hạ đã đề cập trong cuốn sách, “Những điều tôi viết không chỉ có mục đích học tập lý luận – tất cả mọi thứ đều liên quan trực tiếp đến những sự kiện to lớn xảy ra tại Trung Quốc với hy vọng sẽ tạo ra những ảnh hưởng nhất định tới chính trường Trung Quốc, gây dựng tiến bộ trong xã hội và giúp Trung Quốc trở nên dân chủ hơn, công bằng hơn và tự do hơn. Đấy là điều mà tôi hướng tới”.

Bình An/Theo Epoch Times

Ad will display in 09 seconds

Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

Ad will display in 09 seconds

Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

Ad will display in 09 seconds

Người cá đang sống ở đâu?

Ad will display in 09 seconds

Không gian khác có thật sự tồn tại

Ad will display in 09 seconds

Vì nó là bạn cháu!

Ad will display in 09 seconds

Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

Ad will display in 09 seconds

Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

Ad will display in 09 seconds

3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

Ad will display in 09 seconds

3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

  • Vì sao không làm việc gian dâm nhưng  vẫn bị Thần trách phạt?

    Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

  • Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

    Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

  • Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

    Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

  • Người cá đang sống ở đâu?

    Người cá đang sống ở đâu?

  • Không gian khác có thật sự tồn tại

    Không gian khác có thật sự tồn tại

  • Vì nó là bạn cháu!

    Vì nó là bạn cháu!

  • Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

    Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

  • Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

    Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

  • 3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

    3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

  • 3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

    3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng