Đường Bách Kiều: Trump sẽ bác bỏ Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông?
Mới đây, trong cuộc trả lời phỏng vấn với Fox News, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói “Chúng ta phải đứng về phía Hồng Kông, nhưng tôi cũng sẽ sát cánh với chủ tịch Tập”. Điều này đã dấy lên nhiều suy đoán rằng ông Trump sẽ không thông qua “Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông”.
Ông Đường Bách Kiều (Dang Baiqiao) từng tham gia lãnh đạo phong trào sinh viên Trung Quốc đòi dân chủ tại Thiên An Môn năm 1989, cũng là người viết “Lời nói đầu” cho cuốn sách nổi tiếng “Chết bởi Trung Quốc” (Death By China) của tác giả Peter Navarro _ người đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump bổ nhiệm phụ trách Ủy ban Thương mại Quốc gia. Dưới đây là bài phân tích của tác giả Đường Bách Kiều về cuộc phỏng vấn của Tổng thống Donald Trump trên Fox News.
***
Bài phát biểu của Tổng thống Trump về vấn đề Hồng Kông trong buổi phát sóng trực tiếp chương trình Fox TV “Fox & Friends” hôm 22/11 đã gây ra tranh cãi lớn. Ông Trump không tỏ rõ thái độ là sẽ kí vào “Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông” hay không, mà lại nói rằng: “Chúng ta phải đứng về phía Hồng Kông, nhưng tôi cũng sẽ sát cánh với chủ tịch Tập”. Nhiều phương tiện truyền thông chính thống, bao gồm cả New York Times và Washington Post giải thích rằng, Trump có thể sẽ bác bỏ dự luật này. Tôi không nghĩ vậy.
Vậy thì, tại sao Trump lại nói những lời có vẻ mâu thuẫn như vậy? Bởi vì trong tình huống bình thường, một người sẽ không cùng đồng thời đứng ở hai phe đối lập nhau. Ý nghĩa thực sự của những câu này là gì? Rốt cuộc ông ấy có bác bỏ dự luật hay không? Dưới đây là cách giải thích của tôi.
Trước hết, tôi không nghĩ rằng Trump cuối cùng sẽ phủ quyết Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông. Có hai lý do: Thứ nhất, nếu ông không muốn dự luật được đưa ra, Thượng viện sẽ không thông qua nhanh như vậy. Bởi vì hiện tại Thượng viện dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng hòa, Lãnh đạo đa số Thượng viện McConnell và Thượng nghị sĩ Marco Rubio – người đề xuất dự luật, không thể có chuyện chưa nói gì với Trump mà dám liều lĩnh để đẩy nhanh tiến độ xem xét và thông qua.
Trên thực tế, Rubio cũng đã tiết lộ ông đã liên hệ với Trump trước đó về việc thúc đẩy Thượng viện thông qua dự luật bằng đường dây nóng. Ông tin rằng Trump sẽ không phản đối dự luật. Rõ ràng là thông tin từ Rubio về Trump đáng tin cậy hơn những kết luận từ những phân tích phiến diện của giới truyền thông.
Thứ hai, Trump có cuộc bầu cử quan trọng trong năm tới, từng bước bây giờ có thể nói là phải hết sức cẩn trọng, trước vụ luận tội của Hạ viện dưới sự nắm giữ của Đảng Dân chủ, phía sau lại có người phát ngôn của ĐCSTQ tại Mỹ đánh động, nếu có chút sơ xuất, bao nhiêu công sức của Trump sẽ đổ sông đổ biển, thậm chí là thua trong cuộc tuyển cử năm sau.
Trước mắt đối với Trump mà nói, cuộc tuyển cử năm sau là sự cân nhắc quan trọng nhất. Thua cuộc tuyển cử năm sau, Trump sẽ bị lỡ mất mong muốn thay đổi lý tưởng về sinh thái chính trị của Trung Quốc từ gốc rễ. Bác bỏ dự luật sẽ khiến cho lưỡng đảng của Mỹ bất mãn, nhất là lực lượng trung gian.
Về vấn đề Hồng Kông, đại đa số người dân Mỹ ủng hộ người dân Hồng Kông trong cuộc đấu tranh cho dân chủ. Theo các cuộc thăm dò mới nhất của Mỹ, hơn một nửa người Mỹ tin rằng Hồng Kông nên độc lập. Có thể hình dung rằng người Mỹ không hài lòng với sự kiêu ngạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Hồng Kông.
Trump nhất định biết những tin tức này. Do đó, khả năng từ chối công khai bác bỏ dự luật tại thời điểm này gần như bằng không. Tôi cho rằng Trump đang giữ chút sĩ diện cho Tập Cận Bình và không làm ảnh hưởng đến quá trình đàm phán thương mại, cách làm bảo thủ nhất chính là cuối cùng khiến cho dự luật tự động có hiệu lực. (Ghi chú: Theo luật của Hoa Kỳ, nếu Thượng viện và Hạ viện thông qua dự luật với 2/3 số phiếu, tổng thống nếu không thông qua trong 10 ngày làm việc, dự luật sẽ tự động có hiệu lực).
Tiếp theo, chúng ta hãy xem bài phát biểu quan trọng của Trump hôm 22/11. Lúc ông nói về vấn đề Hồng Kông, đầu tiên ông bày tỏ rằng ông phải đứng về phía người Hồng Kông, sau đó mới nói ông cũng đứng về phía Tập Cận Bình. Xin hãy chú ý cách dùng từ và thứ tự trước sau này, vế trước dùng từ “phải”, vế sau sử dụng tuyên bố thông thường.
Nói cách khác, bất kể trong hoàn cảnh nào, ông Trump đều sẽ đứng về phía người dân Hồng Kông đang đấu tranh cho dân chủ, điều này được xác định bởi giá trị quan của người Mỹ, không thể lay chuyển được.
Đứng về phía Tập Cận Bình chỉ là thái độ hiện tại, và có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Mà tổng hợp những lần bày tỏ thái độ trước của Trump “Hy vọng Tập Cận Bình giải quyết vấn đề Hồng Kông bằng phương thức nhân đạo, nếu không sẽ không ký hiệp định thương mại” cũng đã nói một cách rõ ràng, nếu ĐCSTQ đàn áp bằng quân sự, Trump cũng sẽ thay đổi thái độ với Tập Cận Bình.
Mục đích Trump nói như vậy, một mặt cho thấy lập trường kiên quyết đứng về phía người Hồng Kông của mình; đồng thời hãm chân Tập Cận Bình, để ông ta không bí quá hóa liều phái quân đội trực tiếp trấn áp, tái diễn thảm kịch Lục Tứ (thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989).
Chính vì mức độ hiểu biết cao về bản chất xấu xa của ĐCSTQ, mà Trump và nhóm cán bộ tham mưu cao cấp của ông mới không thể không sử dụng sách lược vừa đánh vừa xoa này. Mặc dù ĐCSTQ rất hung tàn ở Hồng Kông, đàn áp quân sự trực tiếp không phải là chuyện quan trọng, nếu bọn họ không lén lút để quân nhân giả mạo cảnh sát Hồng Kông nổ súng thì cũng sẽ không có tin tức lớn. Người hiểu rõ về vụ thảm sát 4/6 chắc hẳn biết tôi đang nói cái gì.
Trump cũng nói rằng, nếu như không có sự ngăn cản hữu hiệu của ông, ĐCSTQ sẽ sớm xuất binh trấn áp, mà còn có thể san bằng Hồng Kông trong vòng 14 phút. Trên thực tế, Trump thiết lập quan hệ “bạn bè” với Tập Cận Bình chỉ vì hiệp định thương mại và vấn đề Hồng Kông, để ngăn chặn ĐCSTQ một cách hiệu quả và khiến cho ĐCSTQ không dám mạo hiểm xuất binh. Nhưng vậy, mới có thể làm cho người Hồng Kông tiếp tục tranh thủ vận động dân chủ.
Mặt khác, nếu Hoa Kỳ không chú ý đến vấn đề này, người dân Hồng Kông sẽ không thể chống cự với chính sách tàn bạo của ĐCSTQ trong một thời gian dài được. Chúng ta phải thừa nhận điều ấy.
Nói tóm lại, Trump hiện đang ở hoàn cảnh chính trị trong nước và quốc tế cực kỳ phức tạp. Những kì tổng thống trước đó đã để ĐCSTQ bành trướng tự do trong xã hội quốc tế, đồng thời gần như rộng mở cánh cửa mặc cho ĐCSTQ tiến hành thâm nhập và phá hoại các phương diện của Mỹ.
Hiện tại, ông Trump phải lãnh đạo người dân Mỹ ngăn chặn một nước chiếm 1/5 dân số thế giới, một Trung Quốc có nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới đang bành trướng bên ngoài và đàn áp nội bộ, đây là một chuyện mà những người tiền nhiệm chưa làm được. Có rất nhiều việc, ông chỉ có thể đi một bước nhìn một bước, điều chỉnh tùy thời cơ.
Trong quá trình cũng không cách nào tránh khỏi những chuyện không như ý muốn. Hy vọng mọi người, đặc biệt là những người phản cộng có thể hiểu và hỗ trợ cho ông ấy, chứ không phải liên tục dùng kính lúp để soi mói ông ấy. Nếu không có sự đả kích và kiềm chế mạnh mẽ của Trump đối với ĐCSTQ, chúng ta sẽ không thể nào tưởng tượng nổi Hồng Kông ngày hôm nay, thậm chí là cục diện mà cả thế giới và nước Mỹ phải đối mặt.
Tác giả: Đường Bách Kiều
Gia Hưng (Theo Secretchina)
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết thể hiện quan điểm của BBT Tinhhoa.net).