Đừng ngắt lá bừa bãi, bởi thực vật bị thương cũng cảm thấy đau đớn
Khi con người bị đánh sẽ cảm thấy đau, động vật cũng như vậy, còn thực vật thì sao? Một nghiên cứu gần đây tại Hoa Kỳ được đăng trên tạp chí Science cho biết, thực vật cũng có sự “đau đớn” như động vật.
>>> Thí nghiệm khoa học đã chứng thực được thực vật cũng có cảm xúc
Thực vật bị thương cũng cảm thấy đau đớn
Các nghiên cứu mới nhất của Đại học Wisconsin Hoa Kỳ cho biết, khi thực vật bị tổn thương, sẽ tiết ra một chất tương tự như vật chất dẫn truyền thần kinh của con người, nó kích thích hormone stress của thực vật, khiến cho các bộ phận khác của thực vật chuyển vào trạng thái phòng vệ sự tổn thương.
Các nhà nghiên cứu đầu tiên đã biến đổi gen một cây rau cải, làm cây này phát sáng khi hàm lượng khoáng chất trong thân cây tăng lên. Các nhà nghiên cứu theo dõi và ghi chép lại quá trình phát sáng của nó, và đã phát hiện ra kết quả đáng ngạc nhiên rằng, khi cây rau cải gặp kích thích (ví dụ như khi bị thương hay đụng nhẹ) thì nó sẽ tiết ra một chất có chứa canxi, và phát ra ánh sáng.
Các nhà nghiên cứu cho biết, khi chúng ta ngắt lá cây, thì vết thương tại đó sẽ tiết ra một hormone phòng vệ, trong quá trình đó, canxi sẽ được truyền qua các tế bào của thực vật, đồng thời cũng cảnh báo các bộ phận khác của cây về sự nguy hiểm sắp đến, phải sẵn sàng bảo vệ chính mình, cơ chế phòng vệ này cũng tương tự như khi con người cảm thấy đau đớn. Nhưng thực vật nhạy cảm hơn chúng ta nghĩ nhiều, một con sâu bướm cũng đủ để làm cho lá cây có phản ứng.
Tuy nhiên, mặc dù thực vật đã phát ra thông báo “thấy đau”, nhưng vẫn không thể tự thoát khỏi được, các nhà nghiên cứu tin rằng vai trò của phản ứng này là để giúp cây tránh các loài côn trùng có hại, bởi vì khi phát đi thông báo “thấy đau”, thì cây sẽ thải ra mùi hôi để làm giảm nguy cơ bị côn trùng ăn. Ngoài ra cũng có một số thực vật, như cỏ, sẽ phát ra hormone thu hút ong bắp cày, và để cho ong bắp cày giúp nó đuổi đi các côn trùng khác.
Tham gia cuộc nghiên cứu này có Tiến sĩ thực vật học Simon Gilroy, ông cho biết mặc dù thực vật có cảm giác đau đớn nhưng không có nghĩa chúng là một loài động vật màu xanh, thực vật chỉ có cùng một hệ thống hoạt động tương tự như động vật mà thôi, các chất mà thực vật tiết ra cũng chỉ là một chất dẫn truyền thần kinh như động vật thôi.
Thực tế thì thực vật có nhiều “khả năng kỳ diệu” mà con người không biết. Nó biết tranh giành lãnh thổ, tìm thức ăn, thoát khỏi những kẻ săn mồi, và để con mồi rơi vào bẫy. Thậm chí chúng còn có chức năng đọc vị, có thể biết ai đang nói dối.
>>> Khoa học phát hiện thực vật cũng cảm nhận được nỗi đau khi bị ăn
Thực vật có thể nhận biết được âm thanh của côn trùng nhai lá
Kênh truyền thông BBC của Anh trước đây đã công bố một bài báo với nhan đề “Thực vật có những khả năng kỳ diệu nào mà bạn không biết?” đưa ra kết quả nghiên cứu sau một thời gian dài về thực vật của nhiều chuyên gia, đó là thực vật có khả năng về thị giác, khứu giác, xúc giác, thính giác, chúng có cả khả năng nhận thức.
Jack Schultz là giáo sư ngành khoa học thực vật tại Đại học Missouri ở Columbia Hoa Kỳ, ông đã dành 40 năm nghiên cứu về sự tương tác giữa thực vật và côn trùng. Ông cho biết thực vật chuyển động là có mục đích, cũng có nghĩa là chúng chắc chắn phải ý thức được những gì đang diễn ra xung quanh: “Để có phản ứng tương tác chính xác, thì thực vật cũng cần phải điều chỉnh các cơ quan cảm biến phức tạp dựa trên các tiêu chí khác nhau”.
Trong thí nghiệm của họ, Heidi Appel và đồng nghiệp Rex Cocroft của ông đã phát hiện ra rằng, âm thanh được tạo ra bởi sâu bướm ăn lá có thể khiến cây tiết ra một lượng lớn các chất hóa học phòng vệ trên lá cây, để đuổi sâu đi. Rex Cocroft nói: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng thực vật có phản ứng đối với ‘âm thanh’ có liên quan trong môi trường sinh thái”. Và đối với âm thanh của thiên nhiên (như tiếng gió…), thì thực vật lại hoàn toàn không có phản ứng gì.
Heidi Appel nói rằng, bản giao hưởng của Beethoven gần như không có ảnh hưởng gì đến thực vật cả, nhưng một con sâu bướm lại gần nó thì lại là một vấn đề khác.
Thực vật có thể là một chuyên gia phát hiện nói dối
Chuyên gia phát hiện nói dối người Mỹ Cleve Backster, vào năm 1966 đã bất ngờ khi ghi chép được thực vật cũng có mức độ cảm xúc tình cảm cao tương tự như con người thông qua thiết bị phát hiện nói dối, sau đó ông đã tiến hành một loạt các nghiên cứu, và nghiên cứu của ông đã gây chấn động trên toàn thế giới.
>>> Nghiên cứu chấn động thế giới: Cây cối cũng có cảm xúc như con người
Cleve Backster, gắn máy phát hiện nói dối vào thân cây, kết quả phát hiện ra rằng thực vật có thể nhận biết được một người có đang nói dối hay không. Ông đã hỏi năm sinh của một người và nói ra bảy năm khác nhau, trong đó chỉ có một đáp án chính xác. Nhưng người này phủ nhận tất cả các đáp án, và kết quả là, khi anh ta phủ nhận đáp án năm sinh chính xác, thì giấy ghi chép đã xuất hiện một điểm đỉnh cao.
Chủ nhiệm bộ môn nghiên cứu y khoa tại bệnh viện Bang Rockland ở New York là Tiến sĩ Aristide Esser cũng tiến hành lặp lại thí nghiệm này. Ông cho một người đàn ông đưa ra một số đáp án sai cho một vài câu hỏi, kết quả là cái cây được anh ta trồng từ chồi non cho đến lớn đã không bao biện cho anh ta, mọi lời nói dối của anh ta đều được phản ánh trên tờ giấy ghi chép.
Một số cư dân mạng thốt lên trên trang blog của mình rằng: “Phật gia cho rằng: Vạn vật đều có linh tính. Trước đây mọi người đều cho rằng đó là sự mê tín, nhưng bây giờ khoa học đã chứng minh ra rằng: Thực vật có nhận thức”.
Tuệ Tâm, theo NTDTV