Dự án “một vành đai, một con đường” của ông Tập liệu có đi về hư không?
Dự án khổng lồ “một vành đai, một con đường” đầy tham vọng của Bắc Kinh với đường sắt, cảng biển… nối châu Á với châu Âu đang gặp rất nhiều khó khăn cả về chính trị và tài chính.
Sáng kiến “một vành đai, một con đường” (OBOR – One Belt, One Road) là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc do ông Tập Cận Bình khởi xướng kể từ khi ông trở thành lãnh đạo ĐCSTQ vào năm 2013. Trong vài năm gần đây, Bắc Kinh đã đã đầu tư hàng trăm tỷ USD và kêu gọi huy động tới 5.000 nghìn tỉ USD cho các dự án năng lượng, vận tải và cảng biển với sự cộng tác của nhiều quốc gia trong 5 năm tới.
Nắm giữ sức mạnh kinh tế và công nghiệp chỉ đứng sau Mỹ, Trung Quốc đã sử dụng hình ảnh con đường tơ lụa cổ đại làm công cụ chiến lược đưa nước này trở thành trung tâm ảnh hưởng về kinh tế và địa chính trị ở châu Á và châu Âu.
Đi qua hơn 60 quốc gia, dự án OBOR cho đến nay đã có ảnh hưởng đa chiều. Đầu tiên, bơm hàng tỉ USD vào các nền kinh tế đang phát triển (hoặc đang gặp khó khăn) sẽ mang lại cho Trung Quốc những lợi ích ngoại giao thiết thực.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc cho các quốc gia ít giàu có và các đồng minh thân cận vay các khoản lớn như vậy thì có đòi được nợ hay không, trong khi đó các nước này vẫn do dự không cam kết hoàn toàn với dự án.
Tháng 11/2017, Pakistan đã rút khỏi khoản đầu tư trị giá 14 tỷ USD mà họ nói là “chống lại các mối quan tâm của chúng tôi”. Vài ngày trước đó, Nepal hủy bỏ dự án nhà máy thủy điện 2,5 tỷ USD được một công ty nhà nước Trung Quốc xây dựng, là một phần của dự án OBOR. Myanmar đã chấm dứt một dự án tương tự và thẳng thừng nói rằng Myanmar không quan tâm đến các đập thủy điện.
Dự án OBOR bao gồm 6 hành lang kinh tế trên đất liền – gọi chung là con đường tơ lụa về kinh tế – xuất phát từ Trung Quốc đến Trung Á, Nam Á, Đông Nam Á và Siberia. Nó cũng bao gồm một con đường tơ lụa trên biển kết nối các cảng của Trung Quốc với các điểm đến dọc bờ biển Ấn Độ Dương và đến tận Đông Phi.
Bỏ tiền mua ảnh hưởng
Các nước trên thế giới đang quan sát về tính khả thi kinh tế của dự án OBOR cùng sự lo ngại về việc “người dẫn đường chỉ lối” của nước này, ĐCSTQ, đang cố gắng mua chuộc các liên minh chính trị để củng cố vị trí chiến lược về chính trị của mình. Trong kỷ nguyên mà ĐCSTQ tuyên bố sẽ tránh gây ra cuộc cách mạng cộng sản, các đề nghị đóng góp hào phóng cho các dự án đầy tham vọng như đập thủy điện, đường sắt cao tốc dường như nhằm mục đích gắn kết lợi ích của chính quyền các quốc gia với các mục tiêu dài hạn của Bắc Kinh.
Bản Chiến lược An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump, phát hành ngày 18/12/2017 kêu gọi Mỹ nhận thức và xem xét từng bước đi của Nga và Trung Quốc hòng làm suy yếu trật tự quốc tế hậu chiến tranh lạnh về sức mạnh kinh tế – quân sự được Mỹ duy trì lâu nay.
Bản Chiến lược An ninh Quốc gia có đoạn: “Đối thủ của chúng tôi sẽ không chống lại các điều khoản của chúng ta. Chúng ta sẽ nâng khả năng năng cạnh tranh để đáp ứng thách thức đó, để bảo vệ lợi ích của Mỹ và thúc đẩy các giá trị quốc gia”, và nhấn mạnh rằng: “Trung Quốc và Nga có mục tiêu đầu tư vào các nước đang phát triển để mở rộng ảnh hưởng và đạt được lợi thế cạnh tranh với Mỹ”.
Tháng 7/2016, tòa án quốc tế phán quyết rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông là vô căn cứ. Nhưng ở Philippines, nước tranh chấp lãnh thổ nhiều nhất với Trung Quốc và có phán quyết của trọng tài 3 năm trước, nhưng việc ông Rodrigo Duterte đắc cử Tổng thống đã khiến Manila thay đổi lập trường.
Philippines cũng nằm trong dự án OBOR của Bắc Kinh và sẽ được hưởng lợi từ hàng tỷ USD đầu tư về vận tải và năng lượng của Trung Quốc.
Theo PhilStar Global, mối quan hệ giữa Tổng thống Rodrigo Duterte và ông Tập “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ thái độ ôn hòa hơn đối với chủ quyền của chúng ta như chìa khóa để đạt được những lợi ích to lớn hơn”.
Sau vụ trọng tài biển đông, ông Duterte – người gây dựng tên tuổi bằng cách lăng mạ các lãnh đạo nước ngoài và trấn áp những phần tử buôn bán, sử dụng ma túy trong nước bằng vũ lực đẫm máu – gợi ý rằng Philippines sẽ làm việc trực tiếp với Bắc Kinh để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ.
Triển khai trong thực tế
>>> Trung Quốc thành lập các Toà án quốc tế riêng cho các yêu sách hàng hải
Còn ở các nước Đông Nam Á, các công ty Trung Quốc đang thực hiện tuyến đường sắt cao tốc trị giá 5 tỷ USD tại Lào, đã đầu tư 20 tỷ đô la vào khu phức hợp khổng lồ Melaka Gateway trên 4 đảo của Malaysia và một tuyến đường sắt ven biển ở Malaysia. Ở Thái Lan, Campuchia và Indonesia cũng có các dự án tương tự.
Tháng 12/2017, chính phủ Sri Lanka đã đồng ý cho Trung Quốc thuê cảng chiến lược Ấn Độ Dương Hambantota trong 99 năm. Nguyên nhân đăng sau có thể do Sri Lanka còn nợ các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc 8 tỷ USD không trả nổi.
Con đường tơ lụa thời nay hay con đường tới hư không?
Khoảng 2000 năm trước, quân đội của các tộc người du mục thời nhà Hán đã mở ra con đường ơ lụa để buôn bán xuyên qua Trung Á, mang lại sự huy hoàng của nền văn minh Trung Hoa cho tới đế quốc La Mã.
Hành lang kinh tế của dự án OBOR qua Nga và Trung Á hướng đến châu Âu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại trên đất liền và đưa Bắc Kinh đến gần hơn với chính quyền các địa phương. Kazakhstan và các nước Trung Á hậu Liên Xô được dự án OBOR đầu tư cho khá nhiều và trở thành đầu mối để Bắc Kinh thực hiện các tham vọng địa chính trị theo hướng đông-tây.
Nga đang có mối quan hệ đối nghịch thường xuyên với NATO và Liên minh Châu Âu, và hay quay sang Trung Quốc để được hỗ trợ. Nga-Trung là các đối tác thương mại mạnh và Moscow tỏ ra nhiệt tình với dự án OBOR. Tháng 6/2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng dự án đã “mở đường cho một giai đoạn hợp tác mới Á-Âu”.
Mặc dù Nga và Ukraine hay xung đột, nhưng Trung Quốc không sợ mất lòng Nga mà ve vãn Ukraine. Trung Quốc đã công bố kế hoạch chi 7 tỉ USD để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ở Ukraina và đánh giá quốc gia có 45 triệu dân này là cột mốc quan trọng trên đường Trung Quốc tiến gần hơn với châu Âu.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Daily Signal, nhà phân tích Franklin Holcomb phát biểu: “Trạng thái cuối cùng có thể chấp nhận được của 2 nước [Nga và Trung] có lẽ sẽ là một Ukraine chịu ảnh hưởng chính trị và quân sự của Nga, được xây dựng lại bằng tiền của Trung Quốc và đóng vai trò như một ống dẫn để Trung Quốc ảnh hưởng tới châu Âu, [giúp Trung Quốc] làm giảm thiểu ảnh hưởng của phương Tây”.
Mặc cho tầm với khá rộng trong những lời đề nghị của chính quyền Bắc Kinh, còn phải xem Bắc Kinh thực hiện những hùng biện của họ tới đâu. Thêm vào đó, các hợp tác Nga-Trung ở mạn phía Bắc của dự án OBOR có vẻ như đang tiến triển ảm đạm. Tháng 10/2017, trên trang the Diplomat có đăng một bài nói về nỗ lực hợp tác Nga-Trung nói trên rất ít triển vọng phát triển thực sự và còn bị cản trở bởi tệ quan liêu và tình hình tài chính trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng của Nga.
Tinh thần độc lập hoặc xu hướng thân Mỹ mạnh mẽ, đặc biệt là Ấn Độ, Úc và Nhật Bản cũng đặt ra cho chế độ Trung Quốc một câu hỏi hóc búa về dự án OBOR trên đất liền và “con đường tơ lụa” trên biển tập trung vào khu vực Nam và Đông Nam Á của nước này.
Tháng 12/2017, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thúc giục Ấn Độ ủng hộ cho dự án MVĐ-MCĐ. Dự án này đang bị Ấn Độ tẩy chay vì nó liên quan đến Pakistan, đồng minh lâu năm của Trung quốc. New Delhi phản đối việc hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan chạy qua khu vực Kashmir mà 2 nước Ấn Độ – Pakistan đang tranh chấp.
Về vấn đề tài chính, Trung Quốc đang lo ngại là chính sách cải cách cắt giảm thuế của Mỹ gần đây. Bắc Kinh kịch liệt chỉ trích cải cách thuế của Mỹ vì nó gây áp lực lên cơ cấu kinh tế lệch lạc ưu tiên cho các công ty nhà nước hơn khu vực tư nhân của Trung Quốc.
>>> Chính sách cải cách Thuế Doanh nghiệp Mỹ sẽ gây hiệu ứng Domino đến thế giới
Bạch Vân, theo Epoch Times