Đôi tai tiết lộ cách hình thành đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng
Thông qua việc quét nhận dạng đôi tai trên những bức tượng binh sĩ đất nung của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng, các nhà khoa học đã phần nào vén mở bí mật về phương thức sáng tạo của nghệ nhân cổ đại.
Khi phát hiện một địa điểm cổ vào năm 1974, những nông dân Trung Quốc không thể hình dung nơi đây lại tồn tại một lực lượng chiến binh quy mô lớn. Đội quân đất nung của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng đang làm nhiệm vụ bảo vệ ngôi mộ chủ nhân, nằm yên như chờ đợi suốt 2.000 năm qua.
Những nghiên cứu hiện nay cho thấy đôi tai của những chiến binh đất sét nổi tiếng đã cung cấp một đầu mối quan trọng về cách thức hình thành đội quân này.
Các nhà khảo cổ và sử học đã vô cùng kinh ngạc về cách thức mà các nghệ nhân từ năm 246 TCN đã sử dụng để tạo ra hàng ngũ binh lính đất sét có kích thước như người thật và mỗi bức tượng lại mang nét độc đáo riêng.
Bằng cách sử dụng công nghệ hình ảnh tiên tiến, các chuyên gia từ ĐH College London (UCL) và Bảo tàng Lăng mộ Hoàng đế Tần Thủy Hoàng phỏng đoán, mỗi chiến binh được tạo nên để đại diện cho một con người thực thụ tại thời điểm bấy giờ. Mặc dù giả thuyết này cũng từng được đưa ra trước đây nhưng chưa có bằng chứng xác thực.
Theo quan điểm thông thường thì cho đến nay, để tạo được đại đội đất nung khoảng 7.000 binh lính, cũng như 130 xe ngựa và gần 700 tác phẩm điêu khắc ngựa được chôn cùng thì toàn bộ quá trình đã được thực hiện theo ‘dây chuyền lắp ráp’, nhân công có nhiệm vụ chỉ nặn miệng hoặc mũi, các bộ phận sau đó được ráp lại thành cơ thể hoàn chỉnh. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy những nghệ nhân cổ có khả năng đã sử dụng một kỹ thuật khác.
Nhóm nghiên cứu đã quét chi tiết những bộ phận trên khuôn mặt của các chiến binh, đặc biệt là đôi tai, rồi dựa vào đó mà các chương trình nghiên cứu pháp y có khả năng nhận dạng cá thể hiệu quả như một dấu vân tay, nhà khảo cổ Andrew Bevan của UCL nói với National Geographic. Hình ảnh quét cho thấy không có bất kỳ bức tượng nào có tai giống nhau. Hình dạng khác nhau này chỉ có được từ việc mô phỏng theo người thật, qua đó càng củng cố hơn về giả thuyết các bức tượng đất nung tái hiện lại thực tế có chủ đích.
Ông Marcos Martinon-Torres của UCL nói, “Dựa trên kết quả ban đầu này, đội quân đất nung trông giống như một loạt chân dung của những chiến binh thực sự”.
Khi nghiên cứu kỹ hơn vũ khí và áo giáp của các chiến binh, người ta phát hiện những ký hiệu riêng biệt của người sản xuất. Điều này sẽ khiến mỗi nghệ nhân tự chịu trách nhiệm đối với công việc của mình.
Theo National Geographic, các nhân công của Tần Thủy Hoàng đã làm việc theo hệ thống ‘sản xuất theo công đoạn’ tương tự phần nào với phương thức sản xuất mà hãng xe hơi Toyota đi tiên phong. Thay vì chỉ tạo ra một loại bộ phận cho dây chuyền lắp ráp, những người thợ chế tạo vũ khí của hoàng đế sẽ là những thợ thủ công đa năng làm việc trong nhiều khu xưởng nhỏ phân tán rải rác để tự hoàn tất sản phẩm từ đầu đến cuối.
Phần lớn khu di tích và hàng ngàn bức tượng vẫn chưa được khai quật. Khi đội quân được thu thập đầy đủ thì những hình dung rõ nét hơn về quân đội và lịch sử Trung Quốc cổ đại sẽ được tiết lộ.
Hàn Mai, Hồ Duyên – Theo Ancient Origins