Điện tín mật của Canada tiết lộ chi tiết kinh hoàng về thảm sát Thiên An Môn
Các quan chức Canada ở Bắc Kinh trong thời gian diễn ra cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989 đã phải dùng ngôn ngữ trần trụi để nói về cuộc đàn áp đẫm máu này, theo các bức điện tín được gửi về Ottawa thời gian đó.
- Những diễn biến chính của Cuộc Thảm sát Thiên An Môn 1989
- Ẩn tình đằng sau vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn 1989
Trong những bức mật điện mà Blacklock có được nhờ luật tiếp cận thông tin, các quan chức sứ quán đã mô tả việc giết người công khai và lên án ban lãnh đạo chính quyền Trung Quốc.
Các bức điện, do cơ quan Thư viện và Lưu trữ Canada kiểm soát, đã tường thuật lại chi tiết ghê rợn của cuộc đàn áp.
Blacklock viết: “Một bà già quỳ xuống trước các binh lính để cầu xin tha mạng cho các sinh viên; nhóm binh lính đã giết bà”, sứ quán thuật lại, “Một cậu thiếu niên đang cố trốn thoát, nắm tay người phụ nữ với đứa trẻ 2 tuổi trong chiếc xe nôi, đã bị xe tăng cán qua…Chiếc xe tăng quay lại và nghiền nát họ….Binh lính bắn súng liên thanh cho đến khi hết đạn”. Họ rải đạn ở Thiên An Môn nhiều đến mức “lia cả vào bên trong những ngôi nhà gần đó, giết rất nhiều dân thường”… Họ đang bước vào giai đoạn đàn áp tàn ác, trong đó những lời hăm dọa đi cùng nỗi sợ bị bức hại sẽ khiến dân chúng khiếp đảm.
Thông điệp từ bức điện quan chức sứ quán
Trong những bức điện tín, các nhà ngoại giao Canada đã xem ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc là một “chính quyền lão trị”, tập hợp những người “không có quyền cai trị hợp pháp”.
Trong các bức điện khác, một số quan chức ta thán về “chuyện tham nhũng ngoài sức tưởng tượng của những quan chức ở cấp bậc cao nhất”, theo ông Tom Korski, tổng biên tập báo Blacklock, và là tác giả của câu chuyện. Ông Korshi từng là phóng viên tại Bắc Kinh của tờ Nam Hoa Nhật báo (SCMP).
Thông điệp trong các bức điện còn đề cập đến cuộc gặp mặt với Đại sứ Thụy Sĩ, người đã nói cho các quan chức Canada về tình hình cán bộ cao cấp đang cố gắng chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc.
Một trong trong những bức điện viết: “Vị Đại sứ Thụy Sĩ, ‘một chuyên gia am tường về Trung Quốc’ nói với chúng tôi rằng trong vài tháng qua, tất cả ủy viên Ban Thường trực Bộ Chính trị đều tiếp cận ông để đặt vấn đề chuyển những số tiền rất lớn đến các tài khoản tại ngân hàng Thụy Sĩ. Vì lý do quá hiển nhiên, ông đề nghị chúng tôi hết sức bảo mật những thông tin này”.
Những nhà ngoại giao còn nhấn mạnh, họ có rất ít thông tin, vì nhiều cựu quan chức đã bỏ trốn khỏi Trung Quốc, bị bắt giam, hoặc sợ không dám nói chuyện với người nước ngoài.
Theo các bức điện tín, nhà ngoại giao Canada ở Bắc Kinh sợ binh lính Trung Quốc có thể “đột nhập” sứ quán để truy bắt người bất đồng chính kiến đang cố tìm đường tị nạn sau cuộc thảm sát.
“Sứ quán mô tả cuộc tàn sát ‘hết sức man rợ’, khi thuật lại chi tiết câu chuyện do một người sống sót đã tận mắt chứng kiến kể lại trong một cuộc phỏng vấn với các nhà ngoại giao”, Blacklock đưa tin.
“Đất nước này hiện đang bị một nhóm các nhà cách mạng lão thành tàn ác kiểm soát, còn chính phủ lại nằm trong tay những người chỉ biết mù quáng làm theo mệnh lệnh của những kẻ tàn ác kia. Tình hình rất tồi tệ dẫu có nhìn dưới ánh mắt lạc quan nhất”, thông điệp được đại sứ quán viết trong bức điện ngày 15/6.
Hành quyết công khai
Một bức điện khác mô tả những sự việc có vẻ giống với các cuộc hành quyết công khai. “ Những phát đạn được bắn ra cách nhau khoảng một phút, tiếp sau mỗi phát đạn dường như là tiếng reo hò cổ vũ của đám đông rất lớn”, Blacklock trích dẫn một bức điện.
“Họ đang bước vào giai đoạn đàn áp tàn ác, trong đó những lời hăm dọa đi cùng nỗi sợ bị bức hại sẽ khiến dân chúng khiếp đảm“, một bức điện khác viết.
Các nhà ngoại giao còn đề cập đến tin đồn về khoảng 1.000 cuộc hành quyết đã diễn ra, con số hiện không được xác minh.
“Có lẽ họ cho rằng một cuộc thảm sát vài trăm hoặc vài ngàn người sẽ khiến dân chúng sợ và không dám tiếp tục biểu tình nữa. Có vẻ như cách này có tác dụng”, họ viết.
Tổng Hợp