Đại sứ Mỹ tại NATO: Thế giới từng dễ dãi với Trung Quốc, nhưng giờ thì không!
Trong cuộc phỏng vấn với kênh CNBC hôm 2/12, Đại sứ Mỹ tại NATO Bailey Hutchison khẳng định thế giới từng dung túng cho Trung Quốc, nhưng đã đến lúc nước này phải tuân thủ các quy tắc toàn cầu.
“Phần còn lại của thế giới đã để Trung Quốc phát triển không tuân theo các tiêu chuẩn của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nhưng đã tới lúc điều đó phải dừng lại”, bà Hutchison nói, và nhắc đến một lập luận điển hình của Mỹ rằng, Trung Quốc trước đây được ưu ái như một nước “đang phát triển”, vì vậy được hưởng các đặc quyền, không tuân theo chuẩn mực của Tổ chức WTO.
“[Tuy nhiên] giờ đây, họ đã biến thành một đối thủ cạnh tranh. Nhưng họ vẫn không muốn tuân thủ các quy tắc, vẫn đánh cắp công nghệ và sở hữu trí tuệ. Chúng ta từng dung túng cho họ làm thế, nhưng giờ thì không thể. Họ là một đối thủ cạnh tranh, một đối thủ rất mạnh”, vị đại sứ nhấn mạnh.
Trong cuộc phỏng vấn, bà Hutchison cũng khẳng định Washington không phải vì tư lợi, mà chỉ muốn đòi lại công bằng trong quan hệ thương mại với Bắc Kinh
“Bất cứ ai làm ăn với Trung Quốc trong các hoạt động kinh doanh quốc tế cũng đều ủng hộ lập trường cứng rắn của Tổng thống Trump với Bắc Kinh. Hiện tại, chúng tôi đang nói với Trung Quốc rằng các ông có thể sử dụng các lợi thế mà các ông có trong quá khứ, nhưng các ông phải tham gia vào một sân chơi bình đẳng vì các ông đang phát triển“, bà Hutchison nói thêm.
Mỹ và Trung Quốc đã liên tục đối đầu nhau trong gần 2 năm qua vì chiến tranh thương mại. Nhà Trắng cáo buộc doanh nghiệp Trung Quốc vi phạm luật bảo vệ sở hữu trí tuệ và yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt việc cưỡng ép chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ tất cả các cáo buộc từ phía Mỹ.
NATO lần đầu tiên thừa nhận Trung Quốc là một “thách thức”
NATO được thành lập năm 1949 nhằm phòng vệ trước mối đe dọa từ Liên Xô và sau này là kìm hãm các tham vọng của Nga. Tuy nhiên, theo tạp chí Time, việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng và đầu tư mạnh vào quân sự 2 thập kỷ qua đã khiến liên minh này không thể xem thường.
Theo đánh giá riêng của NATO, Trung Quốc có chi phí quốc phòng lớn thứ 2 toàn cầu trong năm 2018. Ngoài ra chỉ trong vòng 5 năm, hải quân nước này đã có thêm 80 tàu biển và tàu ngầm.
Trước bối cảnh đó, hôm 3/12, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã lên tiếng cho biết NATO lần đầu tiên chính thức thừa nhận các thách thức xuất phát từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Stoltenberg nhấn mạnh ông không muốn biến Bắc Kinh thành đối thủ của NATO.
Thay vào đó, Tổng thư ký Stoltenberg cho rằng sự phát triển quân sự gần đây của Trung Quốc bao gồm các tên lửa có thể tấn công châu Âu và Mỹ đồng nghĩa với việc NATO sẽ phải xử lý vấn đề này cùng nhau.
Đại sứ Mỹ Hutchison cũng cho biết NATO đang xem xét hành động quân sự của Trung Quốc trong những năm gần đây.
“Chúng ta phải đối mặt với điều đó, chúng ta phải thấy nó rõ ràng. Chúng ta có muốn Trung Quốc là kẻ thù không? Không. Nhưng chúng ta phải chuẩn bị”, bà Hutchison nói.
Thùy Linh (t/h)