Cựu Đại sứ Mỹ: Một số lính Nga đã bị lừa dối
Cựu đại sứ Mỹ tại NATO Kurt Volker hôm 8/3 cho biết nhà lãnh đạo Nga đã không nói cho một số binh sĩ biết sự thật về cuộc xâm lược Ukraine. Hiện tại, cả Nga và ông Putin đều đang phải đối mặt với thảm họa.
Đại sứ Volcker từng là đại diện đặc biệt cho các cuộc đàm phán với Ukraine trong chính quyền Trump. Ông Volker nói với Fox News: “Một trong những điều đáng nói nhất là những gì người Ukraine phát hiện khi bắt được một số binh sĩ Nga. Khi thẩm vấn những binh sĩ này thì thấy họ không biết mình đang làm nhiệm vụ tấn công Ukraine, họ nghĩ rằng mình đang tham gia huấn luyện”.
“Điều này cho thấy giới lãnh đạo Nga không muốn nói cho những người lính biết sự thật, vì họ biết rằng những binh sĩ này không muốn làm vậy”.
Trước đó theo Newsweek, một đoạn video về 5 binh sĩ Nga bị quân đội Ukraine bắt giữ ở Kharkov cho thấy những người lính không biết họ đang bị đưa vào một cuộc chiến toàn diện. Thay vào đó, họ tưởng rằng họ đang tiến hành tập trận quân sự.
Another captured in #Kharkov pic.twitter.com/6AdtrYwy79
— NEXTA (@nexta_tv) February 27, 2022
Khi những người lính Nga được hỏi họ đến Ukraine với mục đích gì? Người lính đầu tiên nói: “[Chúng tôi đến đây] để huấn luyện. Chúng tôi đã bị lừa”.
Người thứ hai trả lời: “Để huấn luyện. Tôi được các chỉ huy cử đến đây”.
Người thứ ba nói: “Vốn dĩ chúng tôi được cử đi huấn luyện, nhưng lại được đưa ra tiền tuyến. Mọi người mất hết tinh thần và không muốn đi, nhưng họ nói nếu vậy các anh sẽ trở thành kẻ xấu. Chúng tôi không muốn cuộc chiến này. Chúng tôi chỉ muốn về nhà và chúng tôi muốn hòa bình”.
Người lính thứ tư cũng lặp lại những lời trên: “Họ nói với chúng tôi rằng mọi thứ sẽ ổn. Chúng tôi không biết gì cả. Chúng tôi đã bị lừa dối và bị bỏ rơi”.
Ngày 7/3, một video do kênh Telegragh công bố cũng cho thấy một bà mẹ Nga tức giận cáo buộc Tổng thống Vladimir Putin đã dùng con trai họ làm “bia đỡ đạn” cho cuộc xâm lược Ukraine.
🔴Angry Russian mothers have accused Vladimir Putin of deploying their sons as “cannon fodder” in his invasion of Ukraine
— The Telegraph (@Telegraph) March 7, 2022
Read more here👇https://t.co/G1kd8kcedA pic.twitter.com/Kd4fB6tG1v
“Tất cả chúng ta đều bị lừa dối, đều bị lừa. Chúng bị đưa đến đó để làm bia đỡ đạn. Chúng còn trẻ. Chúng chưa sẵn sàng”, một phụ nữ hét lên với ông Sergey Tsivilev, thống đốc vùng Kuzbass của Siberia.
Theo Telegraph, lúc đó ông Tsivilev đang ở trong phòng tập thể dục của một trường học thì một bà mẹ người Nga tức giận mắng mỏ ông và cáo buộc chính phủ của Putin nói dối.
Khi ông Tsivilev cố gắng giải thích cuộc tấn công vào Ukraine là một “hoạt động quân sự đặc biệt” chứ không phải xâm lược, người mẹ đã cắt ngang: “Bị lợi dụng. Con cái chúng tôi đang bị lợi dụng?”.
Mẹ của những người lính Nga giữ một vị trí quan trọng trong xã hội. Trong những năm 1980, sự phản đối đầu tiên về cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Xô là đến từ những người mẹ của binh sĩ, sau đó nhanh chóng phát triển thành một lực lượng hùng mạnh.
Đại sứ Volcker cho biết ngay sau khi các binh sĩ Nga biết họ đang làm gì, họ đã bắt đầu chống lại mệnh lệnh. Volcker nói thêm rằng quân đội Nga đang hết lương thực và nhiên liệu.
“Họ (những người lính Nga) đang bỏ xe trên đường. Đó là một thảm họa cho người Nga và thảm họa cho Putin. Bạn phải hiểu rằng các tướng lĩnh và ban lãnh đạo Nga biết điều đó. Thật khó để họ có thể làm gì ngay bây giờ, nhưng điều tệ hơn là họ sẽ chỉ tập trung vào sự lãnh đạo của Vladimir Putin”, Volcker nói.
BBC hôm 9/3 đưa tin Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận một số lính nghĩa vụ – những người lính bị bắt buộc nhập ngũ – đang tham gia vào cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Ở Nga, tất cả nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 27 đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự một năm, ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ.
Chỉ vài ngày trước đó, Putin đã phủ nhận việc lính nghĩa vụ tham gia vào cuộc chiến Ukraine, nói rằng chỉ có quân nhân chuyên nghiệp được cử đến.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga cho biết một số lính nghĩa vụ đã bị quân đội Ukraine bắt giữ, họ đã di tản gần như toàn bộ số binh sĩ đó và cam kết sẽ ngăn chặn điều này tái diễn.
Thùy Linh (Theo Epoch Times)