“Có tiếng người trong gió” – Cuốn sách Việt đầu tiên đề cập về mổ cướp nội tạng
Lấy cảm hứng từ thực trạng bắt cóc, buôn bán trẻ em sang Trung Quốc để lấy nội tạng, tiểu thuyết “Có tiếng người trong gió” như một băn khoăn về nhân tính, một rùng mình về cái ác, một tiếng kêu về thiện lương. Điều gì sẽ xảy ra khi sự sống của người này bị hoán đổi bằng sự sống của người khác?
Những ai đang tự hỏi: “Con người có thể ác đến đâu? Những ai có thể ác? Liệu con người, sau những bước tiến dài của sự phát triển, có hướng đến sự tiến bộ nhân văn hay vẫn chỉ là những cạnh tranh hủy diệt và sát phạt lẫn nhau được chuyển đổi về mặt hình thức?”, có thể tìm thấy câu trả lời khá xác đáng trong cuốn tiểu thuyết “Có tiếng người trong gió”.
Nội dung cuốn tiểu thuyết nói về nạn bắt cóc, buôn bán trẻ em, lấy nội tạng sống. Cuốn tiểu thuyết đề cập đến một phần nhỏ trong tội ác kinh hoàng nhất của lịch sử loài người: Mổ cắp nội tạng sống.
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, tác giả cuốn tiểu thuyết “Có tiếng người trong gió” chia sẻ:
“Tôi luôn bị ám ảnh bởi việc người ta bằng cách này hay cách khác lấy một quả thận, một lá gan, một quả tim của người này để ghép cho người khác. Câu chuyện sẽ nhân văn ở chỗ đó là sự tự nguyện và mang lại sự sống cho cả người cho và người nhận. Thế nhưng điều gì sẽ xảy ra khi sự sống của người này bị hoán đổi bằng sự sống của người khác? Và trong thực tế liệu đã có những kiểu cướp trắng quyền được sống như thế hay không? Thời gian ấy một số vụ bắt cóc trẻ em bị phanh phui, báo chí lên tiếng vài bữa rồi thôi, khi vụ việc khép lại.
Nhưng với tôi thì nó lại mở ra một cảm hứng cho câu chuyện mình đang ấp ủ về những con người bị tước đoạt sự sống. Tôi tự hỏi nếu như vụ việc không bị phát hiện thì những đứa trẻ ấy sẽ được mang đi đâu? Con người từ bao giờ đã được coi như một thứ hàng hóa? Từ cơn cớ ấy, tôi đã tìm ra cách viết “Có tiếng người trong gió”. Tôi muốn mỗi bạn đọc cùng tôi thêm một lần nhìn nhận về cái ác, hình dung về cái ác, để bàng hoàng tại sao con người lại có thể ác đến thế”.
Những cuốn sách về mổ cắp nội tạng
Tiểu thuyết “Có tiếng người trong gió” của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy được xem là cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam đề cập đến nạn mổ cắp nội tạng. Đây có thể là một hồi chuông, là lời cảnh tỉnh xuất phát từ thực tế bức bách tại Việt Nam thời gian gần đây, khi các vụ việc trẻ em bị bắt cóc và thiếu nữ mất tích xảy ra ngày càng nhiều. Trong khi đó, Việt Nam lại nằm kề cận bên một quốc gia trọng điểm, phát triển có hệ thống mạng lưới mổ cắp và kinh doanh nội tạng bất hợp pháp: Trung Quốc.
Đề cập đến vấn đề mổ cắp nội tạng tại Trung Quốc, trước đó trên thế giới đã có không ít những cuốn sách cập nhật chi tiết về số liệu và tình trạng của hoạt động phi pháp này.
1. “Thu hoạch đẫm máu”
Cuốn sách này ghi lại quá trình điều tra độc lập của 2 tác giả người Canada là David Kilgour và David Matas với những nhân chứng sống cùng những câu chuyện có thật ngay tại Trung Quốc.
Đó là câu chuyện của hàng trăm ngàn học viên Pháp Luân Công đã bị bắt và bị yêu cầu ngừng tu luyện. Nếu không chấp thuận, họ sẽ bị tra tấn tàn bạo. Nếu tra tấn vẫn không đủ sức lay chuyển, họ bị mất tích. Những học viên mất tích đều bị giết hại để lấy nội tạng. Nội tạng này sau đó được bán với số lượng lớn cho những du khách nước ngoài có nhu cầu ghép tạng. Tại Trung Quốc, giết tù nhân để lấy tạng đã trở thành điều được chấp nhận rộng rãi.
Cuốn sách này được đăng lần đầu vào năm 2007. Đến tháng 10/2009, hai tác giả chính thức cho xuất bản cuốn sách này. Ngay sau đó vào năm 2010, luật sư David Matas đã được đề cử cho giải Nobel hòa bình.
2. “Tạng nhà nước”
Sau khi cuốn sách “Thu hoạch đẫm máu” được xuất bản, đến tháng 7/2012, luật sư David Matas và Tiến sĩ Torsten Trey (thành viên sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội các bác sĩ chống mổ cướp nội tạng DAFOH) đã cùng biên tập và xuất bản cuốn sách mới “Tạng nhà nước”.
Cuốn sách này tập hợp bài viết của các tác giả khắp 4 châu lục về tội ác mổ cắp nội tạng tại Trung Quốc với mong muốn tội ác này sớm chấm dứt.
Tại buổi ký sách, ông Matas nói rằng mục đích của việc xuất bản cuốn sách nhằm để thế giới cần có tiếng nói mạnh hơn nữa trước tội ác kinh hoàng đang diễn ra tại Trung Quốc, với hy vọng tội ác này sẽ giảm xuống khi trên thế giới ngày càng có nhiều người biết và phản đối nó.
Cuốn sách nêu rõ việc chính quyền Trung Quốc nói rằng nguồn tạng được cung cấp từ các tử tù là hoàn toàn giả dối. Thực tế cho thấy nguồn tạng hầu hết là từ các học viên Pháp Luân Công, rất nhiều học viên đã biến mất tại các trại giam giữ.
Tiến sĩ Torsten Trey nói rằng các cơ quan nhà nước như tòa án và các bệnh viện quân y ở Trung Quốc đang trực tiếp tham gia vào việc giết người này.
3. “Đại thảm sát”
Cuốn sách được thực hiện suốt 7 năm của tác giả Ethan Gutmann – phóng viên điều tra và là chuyên gia phân tích Trung Quốc sống tại Anh. Cuốn sách được xuất bản vào tháng 8/2014.
Cuốn sách kể về câu chuyện trong ngành kinh doanh ghép tạng của Trung Quốc và mối liên hệ rùng rợn của nó với các trại giam và những khu giết hại tù nhân bất đồng quan điểm, đặc biệt là học viên Pháp Luân Công. Các vụ thảm sát trên diện rộng hiện vẫn đang được tiến hành. Cuốn sách cũng là bản kết luận quả quyết từ các cuộc điều tra toàn diện về một chương trình tuyệt mật của nhà nước Trung Quốc nhằm loại bỏ những người không cùng quan điểm chính trị, đồng thời trục lợi từ việc buôn bán nội tạng của chính nạn nhân – trong nhiều trường hợp là bán cho người nhận tạng phương Tây.
Dựa trên nhiều cuộc phỏng vấn với những quan chức cảnh sát cấp cao và các bác sĩ trực tiếp giết tù nhân trên bàn mổ, cựu chuyên gia phân tích về Trung Quốc, ông Ethan Gutmann, đã làm sáng tỏ câu chuyện người trong cuộc về một cuộc tàn sát gây chấn động thế giới.
Mổ cắp nội tạng sống tại Trung Quốc
Vào tháng 6/2015, Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) đã cho công bố kết luận điều tra cho thấy hơn 2 triệu học viên của môn tập này đã bị mổ cắp nội tạng tại Trung Quốc.
Khi được hỏi vì sao một tội ác dã man như mổ cắp nội tạng người sống lại có thể tồn tại ngay trong thời đại văn minh này? Luật sư Matas bằng những thực tế điều tra của mình đã trả lời rằng: Từ năm 1999, chính phủ Trung Quốc đã truyền bá nhiều tuyên truyền sai lệch chống lại Pháp Luân Công và cố gắng kích động hận thù đối với các học viên Pháp Luân Công họ. Kết quả là, cảnh sát và bác sĩ, những người có liên quan đến mổ cướp nội tạng và cấy ghép, đã không đối xử với các học viên Pháp Luân Công bình thường như những người khác. Một học viên Pháp Luân Công đã kể với ông rằng khi anh ấy bị bỏ tù, một cảnh sát đã nói với anh ấy: “Tôi không xem anh như một con người, vì vậy tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn với anh“.
Năm 2006, một nhân chứng là vợ một bác sĩ quân y chuyên mổ nội tạng ở Trung Quốc khi ra nước ngoài đã cho biết: Nếu tù nhân mà không phải học viên Pháp Luân Công, thì dù là bị tử hình thì việc mổ lấy nội tạng đều làm theo quy trình chỉ định trước. Tuy nhiên nếu là học viên Pháp Luân Công thì tất cả đều được mặc định là chết vì “tự sát”, và bệnh viện lấy bất cứ gì trên cơ thể mà không cần qua các thủ tục gấy tờ. Các lãnh đạo Trung Quốc nói với các bác sĩ rằng đối xử với học viên Pháp Luân Công như thế không có gì là sai hay tội ác gì cả, mà đó là việc làm rất cần thiết để “dọn sạch môi trường cho Đảng”.
Ông Matas cũng chỉ ra rằng hầu hết người dân Trung Quốc không biết về việc mổ cướp nội tạng vì sự phong tỏa thông tin, và tấm thảm kịch này đang kéo dài ở Trung Quốc.
Theo daikynguyenvn.com