Cô giáo trốn thoát kể về Tân Cương: “Bạn có thể bị bắt chỉ vì nói sai một câu”
Trong những năm gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tăng cường nỗ lực “Hán hóa” Tân Cương. Một giáo viên trốn thoát khỏi đó đã tiết lộ những sự thật bàng hoàng về việc giáo dục trẻ em và cai trị độc tài của chính quyền nơi đây.
Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã và đang triển khai một kế hoạch toàn diện nhằm đồng hóa người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương bằng cách phá hủy văn hóa truyền thống của họ. Theo đó, chính quyền đã thi hành cưỡng chế văn hóa người Hán lên những dân tộc thiểu số Hồi giáo và bỏ việc dạy ngôn ngữ Duy Ngô Nhĩ trong nhiều năm qua.
Mục đích của việc này nhằm đảm bảo thế hệ người Duy Ngô Nhĩ tiếp nhận giáo dục “Hán hóa” từ nhỏ và sẽ ủng hộ chính quyền cộng sản Trung Quốc vô điều kiện. Người Duy Ngô Nhĩ và các gia đình Thổ Nhĩ Kỳ khác được khuyến khích gửi con cái họ theo học trung học ở bên ngoài Tân Cương. Dần dần, các trường học tiếp nhận trẻ em Duy Ngô Nhĩ được yêu cầu dạy tất cả các môn bằng tiếng Trung.
Từ năm 2017, ĐCSTQ đã mở một đợt tuyển dụng quy mô lớn dành cho các giáo viên tiểu học và trung học từ các tỉnh nội địa chuyển đến Tân Cương.
Nam Tân Cương là nơi sinh sống của phần lớn người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc. Đây cũng là khu vực tập trung cao độ các trại giáo dục chuyển hóa. Năm 2019, có 5.498 giáo viên từ bên ngoài được thuê để làm việc tại bốn địa khu – Aksu, Hoà Điền, Kashi (Kashgar) và Châu tự trị Kizilsu Kyrgyz. Con số này chiếm tới 62% tổng số người được Bộ Giáo dục Duy Ngô Nhĩ ở Khu tự trị Tân Cương tuyển dụng vào năm 2019.
Tính đến cuối năm 2018, chỉ riêng địa khu Kashi đã có 11.917 giáo viên được tuyển dụng để “tiếp tục tăng cường giáo dục tiếng Trung”. Huyện Sơ Phụ thuộc địa khu Kashi đã tự mình thuê 780 giáo viên dạy tiếng Trung từ khắp đất nước Trung Quốc theo nguyên tắc “thực hiện tốt các hoạt động chính trị, yêu tổ quốc, ủng hộ đường lối, chủ trương và chính sách của Đảng”.
Tại huyện Bì Sơn thuộc địa khu Hoà Điền có 1.000 giáo viên được tuyển dụng trong năm 2019. Trong khi ở huyện Lop, có hơn 10 cái gọi là nhà trẻ Ái Tâm và 9 trường mẫu giáo dành cho những đứa trẻ Duy Ngô Nhĩ có cha mẹ bị bắt giữ. Ngoài ra, họ còn tuyển dụng thêm 410 giáo viên tiểu học và trung học cũng như giáo viên mẫu giáo từ nội địa Trung Quốc.
Nhiều giáo viên đã hối hận ngay khi đến nhận việc ở Tân Cương. Họ không chỉ cảm thấy bị nhà nước lừa dối vì những điều kiện không như đã hứa, mà quan trọng hơn, các giáo viên cảm thấy họ bị kiểm soát và theo dõi mọi lúc, ngay cả khi làm việc và trong thời gian rảnh.
Một trong những giáo viên mới được tuyển dụng đến Tân Cương đã kể về những trải nghiệm không thể quên của mình sau khi cô trốn khỏi nơi này. Cô yêu cầu giấu tên vì sợ ĐCSTQ bức hại.
Không nhận được bất kỳ phúc lợi nào và phải liên tục tiếp nhận tuyên truyền của ĐCSTQ
Năm 2017, một người phụ nữ trẻ đã nhìn thấy thông báo tuyển dụng vị trí giáo viên dạy học ở Tân Cương của chính phủ với mức lương hàng tháng hơn 5.000 RMB (khoảng hơn 16 triệu VND), được áp dụng sau 3 tháng làm việc. Họ cũng hứa hẹn sẽ hoàn trả tiền vé máy bay khứ hồi. Những điều kiện hấp dẫn và hào phóng này đã thu hút cô cùng một vài người bạn của mình đăng ký đến Tân Cương.
Lần đầu tiên đặt chân đến nơi đây, thị trưởng đã tổ chức một bữa tiệc chào đón và khuyến khích họ làm việc chăm chỉ, ổn định. Sau khoảng 3 tháng, mọi thứ bắt đầu thay đổi: tiền lương hàng tháng của họ giảm mạnh xuống còn 3.000 RMB (khoảng 10 triệu đồng) và vé máy bay của họ vẫn chưa được hoàn trả. Trên hết, họ được yêu cầu phải đóng 500 RMB (khoảng 1,6 triệu) hàng tháng cho việc “xóa đói giảm nghèo”. Hóa ra, số tiền này được sử dụng cho những đứa trẻ bị buộc phải tách khỏi cha mẹ và hiện đang bị cải tạo trong các trại chuyển hóa giáo dục. Với mức lương hạn chế như thế, hầu như không đủ để các giáo viên trẻ chi tiêu cho cuộc sống sinh hoạt của mình.
Điều khiến người phụ nữ trẻ này thất vọng và đau khổ nhất đó chính là sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ. Mỗi ngày nhà trường sẽ tổ chức các buổi họp chính trị và buộc các giáo viên phải ghi nhớ, thuộc lòng các chính sách của quốc gia cũng như các bài phát biểu của ông Tập Cận Bình. Họ làm điều này chủ yếu để chuẩn bị khi có đoàn thanh tra đến thăm trường bất kỳ lúc nào. Nếu các giáo viên không thể trả lời các câu hỏi, họ sẽ bị xem là thiếu “ý thức hệ” và bị trừng phạt sau đó.
Người phụ nữ nhớ lại cảm giác của mình ở Tân Cương: “Bạn có thể bị bắt chỉ vì nói sai một câu. Chúng tôi không dám nói rằng trường học làm điều gì đó sai hoặc ám chỉ rằng sự lãnh đạo của Đảng không phải lúc nào cũng đúng. Tất cả những gì chúng tôi có thể làm chỉ là vâng lời và tuân lệnh. Một số giáo viên bị bắt chỉ vì họ dùng điện thoại chụp lại những chiếc xe tuần tra. Việc giám sát toàn diện và kiểm soát liên tục bất kỳ thông tin liên lạc nào càng làm chúng tôi khó chịu hơn. Nếu họ phát hiện có ai đó nói những điều không phù hợp với ‘Tư tưởng Tập Cận Bình’, những người đó có thể bị bắt bất kỳ lúc nào”.
“Ngay cả điện thoại của lãnh đạo trường cũng bị giám sát. Trong khoảng thời gian tôi dạy ở Tân Cương, một số giám đốc và quản trị viên cao cấp của trường đã bị bắt vì nói sai điều gì đó. Tuy nhiên, không ai dám đứng ra làm chứng hay bênh vực họ, bởi vì người nào làm vậy có thể bị gán cái mác là “kẻ hai mặt” và sẽ bị giam giữ để “chuyển hóa tư tưởng”. Không ai dám nói điều gì bừa bãi vì sợ phạm sai lầm và bị bắt. Thậm chí khi nói chuyện với mẹ qua điện thoại, tôi cũng không thể nói nhiều hơn những lời chào hỏi hoặc một số điều thông thường. Mỗi ngày tôi bị kìm kẹp đến mức cảm thấy không thể thở được”.
Hầu hết cha mẹ của những đứa trẻ ấy đều ở trong trại giam giữ
Vị giáo viên trẻ đó cũng cảm thấy rất tội nghiệp cho những học sinh của mình. “Hầu hết trẻ em chỉ có một người cha và một người mẹ: cứ 100 trẻ thì có 80 trẻ có phụ huynh bị bắt giữ, chủ yếu là các ông bố. Nhưng cũng có vài trường hợp cả cha và mẹ chúng đều bị giam giữ”, cô nói.
Để ngăn không cho các giáo viên rời khỏi Tân Cương, chính phủ đã giữ lại các chứng chỉ chuyên nghiệp, bằng cấp và các giấy tờ khác của họ, nói rằng giữ lại “để xem xét”. Điều này khiến các giáo viên cảm thấy khó chịu hơn. Cô chia sẻ với Bitter Winter rằng, trước đây một vài đồng nghiệp của cô muốn trở về nhà và yêu cầu lấy lại bằng cấp từ Bộ Giáo dục. Thế nhưng họ lại bị gắn mác là có “khuynh hướng phản động” và bị bắt.
Cô cũng đã đến Bộ Giáo dục nhiều lần để lấy lại giấy tờ của mình nhưng lần nào cũng bị từ chối. Sau khi sử dụng đến vài biện pháp khéo léo, cuối cùng cô cũng lấy lại được. “Ngay cả khi tôi không nhận được chứng chỉ chuyên nghiệp của giáo viên và các giấy tờ khác liên quan, hay công việc giảng dạy của tôi ở Tân Cương không được công nhận sau khi tôi trở về nội địa Trung Quốc, thì tôi vẫn muốn rời khỏi nơi đó và thoát khỏi sự kiểm soát của chính phủ”.
Thiên Thanh (Theo Bitter Winter)