Chủ tịch Hà Nội: Không kỳ thị với sinh viên, người dân đến từ Vĩnh Phúc
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, cần phải tuyên truyền, vận động để người dân ‘không kỳ thị với người nước ngoài, không kỳ thị với sinh viên các tỉnh giáp biên giới, các sinh viên đến từ Vĩnh Phúc’.
Vào chiều ngày 12/2, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đã chủ trì họp Ban chỉ đạo về công tác phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona. Đại diện các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đều xin ý kiến về việc cách ly, giám sát đối với sinh viên đến từ vùng tâm dịch (Vĩnh Phúc).
Tại quận Bắc Từ Liêm, Chủ tịch UBND, ông Trần Thế Cương cho biết, hiện quận gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh do có nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn quận với hơn 120.000 sinh viên, trong đó trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là trường có số lượng sinh viên Vĩnh Phúc nhiều nhất, trong đó có nhiều trường hợp đến từ huyện Bình Xuyên – vùng tâm dịch.
“Chúng tôi đề xuất các trường ĐH, CĐ cho các sinh viên nghỉ học, đồng thời cách ly sinh viên đang tạm trú trên địa bàn”, ông Cương cho biết.
Ông Cương đề xuất, cần thống nhất các trường cho học sinh, sinh viên, nghỉ học vì nhiều trường ĐH vẫn cho sinh viên theo học, như vậy nguy cơ phát sinh dịch bệnh là rất cao.
Về việc cách ly sinh viên trên địa bàn, ông Cương cho hay, dù quận Bắc Từ Liêm đã có các tổ công tác gồm công an, tình nguyện viên, tổ trưởng dân phố, đo thân nhiệt 2 lần/ngày nhưng việc cách ly sinh viên vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
“Sinh viên thường thuê trọ 1 mình, việc ăn ở, sinh hoạt rất khó khăn. Chúng tôi phải xuống vận động chủ nhà trọ đứng ra mua giúp đồ cho các sinh viên cách ly ở đây”, ông Cương cho biết.
Về công tác chuẩn bị các trang thiết bị, vật tư y tế để phòng dịch, ông Cương cho biết, hiện nay, việc mua hóa chất cloramin B rất khó và nếu nhập về giá cao hơn so với trước đây.
Tại quận Nam Từ Liêm, đại diện quận này cho biết, trên địa bàn quận có khoảng 40 sinh viên là người Trung Quốc, tới đây sẽ nhập cảnh để tiếp tục học tập. Ngoài ra, quận còn phải giám sát, theo dõi 79 người, trong đó có cả người Trung Quốc và người Việt Nam
Đại diện quận Nam Từ Liêm cũng đề xuất, cần có hướng dẫn, quan tâm tới sinh viên đến từ những vùng có dịch bệnh như Vĩnh Phúc, và các tỉnh biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc.
Trong khi đó, đại diện UBND huyện Chương Mỹ cho biết, trên địa bàn huyện có 15 sinh viên ở Vĩnh Phúc về theo học tại ĐH Sư phạm thể dục thể thao. Huyện đã đề xuất trường cho các sinh viên này tiếp tục nghỉ học.
Vị đại diện này cho biết thêm, huyện Chương Mỹ đã kết thúc cách ly 49 trường hợp nghi nhiễm, hiện còn theo dõi 1 số trường hợp khác. Tuy nhiên, có trường hợp huyện dùng cả biện pháp xử phạt nhưng rất khó, họ không chấp hành cách ly tại nơi cư trú.
Về cách sinh viên đến từ Vĩnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Ngô Văn Quý cho hay, với các sinh viên đến từ Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) hiện chưa có hướng dẫn của Bộ Y tế, nhưng nếu trường hợp nào phát hiện ho, sốt thì sẽ phải đưa xuống khu cách ly của thành phố.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, chúng ta cần phải tuyên truyền, vận động để người dân “không kỳ thị với người nước ngoài, không kỳ thị với sinh viên các tỉnh phía Bắc giáp biên giới và các sinh viên đến từ Vĩnh Phúc”.
Ông chung nhận định, các biện pháp cách ly theo dõi cần phải thực hiện nhẹ nhàng chứ không thực hiện quá mức cần thiết, nhưng phải đảm bảo nghiêm túc.
Chia sẻ của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc
Vào chiều ngày 14/2, sau khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc phong tỏa, cách ly toàn bộ xã Sơn Lôi của huyện Bình Xuyên, nơi có 9/11 ca nhiễm bệnh. Tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức họp báo về tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Buổi họp này được tổ chức tại thị trấn Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, cách nơi tâm dịch 20km nhưng nhiều phóng viên vẫn trang bị khẩu trang trong quá trình tham dự cuộc họp.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề sinh viên và người dân Vĩnh Phúc bị kỳ thị, ông Bùi Huy Vĩnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, “rất lấy làm tiếc” về 1 số cá nhân do nhận thức không đầy đủ hoặc do thiếu thông tin nên đã có suy nghĩ, hành vi như vậy. Điều này không thể hiện được tình cảm chia sẻ lẫn nhau trong lúc cả nước cùng chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19.
“Sau buổi họp báo hôm nay, chúng tôi rất mong muốn có thể truyền đi một thông điệp tới mọi người và các địa phương khác để có những cái nhìn đúng đắn hơn, không còn sự phân biệt đối xử với người dân Vĩnh Phúc như 1 số thông tin lan truyền trong thời gian vừa qua”, ông Vĩnh chia sẻ.
Từ Nguyên (t/h)