Chính trị gia Anh nhận ra viện Khổng Tử của TQ không liên quan gì đến Khổng Tử
Mối đe dọa của các viện Khổng Tử đã thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp Mỹ trong một thời gian. Giờ đây, các chính trị gia Anh cũng đang nhận ra những mối nguy từ các tổ chức đáng ngờ của Trung Quốc này.
Mối nguy đối với Vương quốc Anh
Theo chính quyền Trung Quốc, các Viện Khổng Tử được mở ra nhằm mục đích quảng bá văn hóa Trung Quốc trên thế giới. Khoảng 525 Học viện Khổng Tử đã được thành lập trên toàn cầu, trong đó có 29 viện nằm tại Vương quốc Anh. Từ năm 2006 – 2016, chính quyền Trung Quốc được cho là đã chi khoảng 2,17 tỷ USD để duy trì các viện này.
Tuy nhiên, đã có nhiều báo cáo nói rằng Trung Quốc đang sử dụng các viện nghiên cứu này để tuyên truyền hệ tư tưởng của mình ra thế giới, đồng thời can dự vào tự do học thuật và tự do biểu đạt tại các trường đại học. Đây được coi là mối đe dọa đối với một xã hội dân chủ, tự do như Vương quốc Anh.
Fiona Bruce MP, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Đảng Bảo thủ Anh, cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi hoan nghênh và khuyến khích giảng dạy ngôn ngữ cũng như trao đổi văn hóa, nhưng chúng tôi tin rằng cần phải xem xét đánh giá lại liệu viện Khổng Tử có là mối đe dọa đối với tự do học thuật, tự do ngôn luận, các quyền cơ bản khác và nhất là đối với an ninh quốc gia hay không. Chúng tôi cũng tin rằng công tác đánh giá để đảm bảo rằng chương trình giảng dạy tại Viện Khổng Tử đã được cân nhắc kỹ, độc lập, thống nhất và toàn diện là một việc làm đúng đắn”.
Một điều đáng nghi ngờ là Học viện Khổng Tử có những quy định nghiêm ngặt về ứng viên nộp đơn làm giáo viên. Chẳng hạn, những người học Pháp Luân Công, một môn tu luyện ôn hòa đang bị đàn áp phi pháp ở Trung Quốc, không được phép giảng dạy tại các trường đại học.
Điều này ngang nhiên chống lại luật pháp của Vương quốc Anh, nơi coi sự phân biệt tôn giáo như vậy ở những cơ sở giáo dục là bất hợp pháp và vô đạo đức. Các Viện cũng từ chối thảo luận về các chủ đề như Thảm sát Thiên An Môn năm 1989, cuộc đàn áp các nhóm thiểu số Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, Đài Loan,…
Canada cũng hành động
Chính quyền tỉnh New Brunswick, Canada, gần đây cũng đã quyết định chấm dứt các chương trình của Học viện Khổng Tử trong các lớp học. Điều này được thực hiện sau khi xuất hiện các báo cáo nói rằng viện đang kiểm duyệt nội dung có thể khiến Trung Quốc mang tiếng xấu và chỉ giảng dạy những chủ đề được chính quyền Trung Quốc phê duyệt. Học viện Khổng Tử được giới thiệu trong tỉnh vào năm 2008 và đến năm 2016 đã hoạt động ở khoảng 28 trường.
Dominic Cardy, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Phát triển Trẻ thơ ở New Brunswick, cho biết trong một tuyên bố: “Công việc của họ là tạo ra một bộ mặt vui vẻ, thân thiện cho một chính phủ đã gây ra nhiều cái chết hơn bất kỳ chính phủ nào khác trong lịch sử nhân loại. Và tôi không nghĩ đó là điều phù hợp khi chúng ta mở cửa cho một chính phủ như vậy trong hệ thống giáo dục được coi là phương tiện truyền tải giá trị của chúng ta đến với thế hệ tiếp theo”.
Ông Cardy cũng đã nhận được khiếu nại từ 5 sinh viên cho biết một số chủ đề nhạy cảm về Trung Quốc đã bị cấm thảo luận tại viện. Một tối hậu thư đã được gửi đến Viện Khổng Tử để ngừng các chương trình của họ. Dự kiến họ sẽ ngừng hoạt động vào tháng 6/2019.
Ngoài Vương quốc Anh, Canada và Hoa Kỳ, một số quốc gia dân chủ khác cũng đưa ra quan ngại về ảnh hưởng của các Viện Khổng Tử trong các cơ sở giáo dục của họ. Tháng 6/2018, Rob Stokes, một nhà lập pháp Úc, đã lập luận rằng các viện nghiên cứu này đang hoạt động không minh bạch và bị ảnh hưởng bởi “các thế lực đáng quan ngại ở nước ngoài”.
Ở New Zealand, học giả Anne Marie Brady, người đã viết về ảnh hưởng tiêu cực của các viện Khổng Tử thậm chí đã nhận được một lá thư cảnh báo vào năm 2018 rằng cô sẽ bị tấn công vì đã nêu lên ý kiến của mình.
Bảo San (Theo Vision Times)