Chính sách quốc phòng mới của Trung Quốc: Nhiều dối trá và đấu đá
Theo viện Nghiên cứu Hải quân Mỹ, hôm Thứ Ba (26/5), lần đầu tiên Bộ quốc phòng Trung Quốc đã công bố Sách Trắng, với tổng cộng 9.000 từ. Trong đó, điểm nổi bật được dư luận chú ý là “phòng thủ chủ động”, chứa nhiều lập luận dối trá về việc các nước trong khu vực đang cải tạo mở rộng, nên nước này buộc phải tham gia vào đó.
Sách Trắng, mang tên Chiến lược Quân sự Trung Quốc do Văn phòng thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc ấn hành, mở đầu bằng các ngôn từ cao cả như vì mục đích “thực hiện giấc mơ trẻ hóa dân tộc“, “chung tay cùng thế giới duy trì hòa bình, theo đuổi sự phát triển và thịnh vượng“, khẳng định chính quyền Trung Quốc sẽ theo đuổi một chính sách không bàn cãi, đó là chỉ phòng thủ và phát triển hòa bình.
Theo đó, Sách Trắng tuyên bố tiếp tục phát triển “việc bảo vệ vùng biển ngoài khơi” và chỉ trích các nước láng giềng có “hành động khiêu khích” trên những rạn san hô và hòn đảo mà Trung Quốc đang chiếm đóng.
Nói một đằng làm một nẻo
Dùng ngôn từ truyền thông để che mắt dư luận, Trung Quốc đang theo đuổi một chính sách ngược, hiểu nôm na “thiên hạ loạn để Trung Quốc yên“, tích cực chia rẽ các nước lân cận bằng chính sách ngoại giao, ngang nhiên đưa giàn khoan vào hoạt động trong lãnh thổ của một nước có chủ quyền, bơm cát cải tạo đảo và thiết lập vành đai quân sự trên Biển Đông.
Để giải thích cho hành động xây dựng cải tạo đảo, sân bay và các căn cứ quân sự trên biển đông, Trung Quốc giải thích đây là chính sách “phòng thủ chủ động“.
“Chúng tôi sẽ không tấn công nếu không bị tấn công, nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ phản công nếu bị tấn công”, Tân Hoa xã trích một đoạn trong Sách Trắng vừa công bố.
Với chiến lược “chủ động phòng vệ”, Hải quân Trung Quốc sẽ đặt trọng tâm hơn vào “bảo vệ vùng biển khơi” so với “bảo vệ vùng biển gần bờ”, Sách Trắng quốc phòng cho biết. Không quân Trung Quốc sẽ chuyển hướng trọng tâm “từ phòng thủ sang cả phòng thủ và tấn công”.
Sách còn viết, quân đội Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác an ninh quốc tế và lực lượng hạt nhân của nước này, tức lực lượng pháo binh thứ hai của Trung Quốc, để phát triển năng lực “tấn công chính xác tầm trung và tầm xa”.
Đề cập đến vấn đề Biển Đông, Trung Quốc cho biết: “Một số quốc gia bên ngoài nỗ lực can thiệp vào vấn đề Biển Đông; một vài nước vẫn còn duy trì hoạt động trinh sát trên không và trên biển chống lại Trung Quốc”.
Một mũi tên trúng hai đích nhắm
Khuấy động ồn ào khu vực Biển Đông là một chiến thuật hiệu quả để chính quyền nhà nước này đánh lạc hướng dư luận đối với các vấn đề khủng hoảng trong nước, như ô nhiễm môi trường, sa sút kinh tế và cả đấu đá chính trị, dân trong nước đã quá mệt mỏi và mất niềm tin vào chính quyền Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Các phương pháp tuyên truyền lâu nay đã mất tác dụng, giờ đây nhà nước Trung Quốc cần các cuộc vận động lớn như tạo ra các mối nguy “ảo“, khơi gợi lại tinh thần yêu nước, yêu Đảng và cần có Đảng để chung tay chống “kẻ thù ngoại xâm“, một trong những kẻ thủ hiện đang được kích động thù hận nhiều nhất là Nhật Bản, tiếp nữa là Mỹ.
Liệu một chiến lược cũ được “nhai đi nhai lại” còn có thể phát huy hiệu lực.
Xem clip CNN: Máy bay quân sự Mỹ chạm trán Trung Cộng tại Trường Sa
Bruce Phan, tổng hợp