Chấp nhận rủi ro, ngày càng nhiều sinh viên Trung Quốc vượt tường lửa
Một người Mỹ ở Trung Quốc đã viết email cho tác giả bài viết bày tỏ lo ngại về việc người dân Trung Quốc chấp nhận kiểm duyệt. Và đây là trả lời.
Chào Jeremy,
Trong email, anh nói rằng thấy sốc khi những người anh gặp trong cuộc sống hàng ngày bàng quan với việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) áp đặt kiểm duyệt các phương tiện truyền thông.
Tôi đồng tình với lời nhận xét của anh.Tôi nghĩ rằng, có một vài lý do giải thích tại sao việc này đã xảy ra.
ĐCSTQ điều hành hệ thống lọc thông tin Internet tinh vi nhất trên thế giới, được gọi là “tường lửa” (Great Wall – GFW), và vượt tường lửa sẽ bị phạt nặng.
Vào tháng 9, một người đàn ông Trung Quốc lãnh chín tháng tù giam vì bán phần mềm VPN (mạng riêng ảo), cho phép mọi người ghé thăm các trang web mà ĐCSTQ cấm. Đôi khi, chỉ đề cập đến qua mặt kiểm duyệt thôi cũng đủ khiến người ta khó chịu. Tránh đối đầu với kiểm duyệt còn dễ dàng hơn.
Thật ra, người dân Trung Quốc cũng bị lừa giống như các cư dân của thành phố Mega trong phim Ma trận. Trên bề mặt, Internet ở Trung Quốc dường như bình thường, và có vẻ ai cũng đang tận hưởng cuộc sống riêng của mình. Hầu hết người dân nước này không nghĩ rằng toàn bộ hệ thống Internet ở đây đang lừa đảo người tiêu dùng.
Trong khi nhiều trang web được phổ biến rộng khắp ở phương Tây như Google, Facebook và Twitter lại bị chặn ở Trung Quốc. Các trang web hoặc phần mềm nhái ở nước này đã làm giảm nhu cầu sử dụng các trang web và phần mềm phương Tây đến một mức nhất định. Các sản phẩm do Trung Quốc thay thế không tốt, nhưng cũng có hiệu quả vì không có sự lựa chọn.
Hơn nữa, nếu người ta không hề biết về một sự kiện đã xảy ra, thì tất nhiên người ta không tò mò hoặc tìm kiếm thông tin về nó. Việc lấp liếm sự thật của ĐCSTQ quả là rất tàn nhẫn với thế hệ trẻ, một số sự kiện lịch sử nhất định không bao giờ được hé lộ. Điển hình là cuộc thảm sát ở quảng trường Thiên An Môn.
Lựa chọn sự tự do
Trong phần 1 phim Ma trận, nhân vật chính đã được cung cấp một viên thuốc màu xanh và một viên thuốc màu đỏ. Nếu anh ta chọn viên thuốc màu xanh, anh có thể tiếp tục sống cuộc sống như mọi khi trong thành phố Mega như chưa từng có gì xảy ra. Nếu anh ta chọn viên màu đỏ, anh ta sẽ có được tự do, nhưng sẽ trở thành một kẻ lang thang và liên tục bị các thế lực trong Ma trận săn đuổi.
Một phần nhỏ cư dân mạng Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng khó xử tương tự. Bên trong tường lửa, họ biết rằng họ đang sống trong một thực tế ảo. Phá vỡ tường lửa, họ sẽ có được kiến thức và thông tin, nhưng nguy cơ đụng chạm với ĐCSTQ.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy nhiều người Trung Quốc đang sẵn sàng chọn viên thuốc màu đỏ.
Trong năm 2013, một cuộc thăm dò không chính thức của 120 sinh viên báo chí tại 8 trường đại học, được thực hiện bởi một giáo sư người Mỹ giảng dạy tại Đại học Thanh Hoa, cho thấy 3/4 số người được hỏi muốn có ít kiểm duyệt truyền thông hơn. Hơn 76% sinh viên cho biết họ tin tưởng phương tiện truyền thông phương Tây hơn các phương tiện truyền thông trong nước. Chỉ có 9% sinh viên tin rằng phương tiện truyền thông Trung Quốc của nhà nước đáng tin hơn của nước ngoài.
Thậm chí bây giờ tường lửa vẫn được xem là không thể vượt qua, như bức tường Berlin trước kia.
Nghiên cứu gần đây của Đại học Stanford đã kiểm tra một cách hệ thống tác động của Internet không bị kiểm duyệt đến sự sốt sắng của sinh viên Trung Quốc khi tìm kiếm các thông tin nhạy cảm về chính trị. So với một cuộc thăm dò không chính thức thì quy mô của cuộc khảo sát này lớn hơn, về thiết kế và quy trình thực hiện cũng chặt chẽ hơn.
Trong nghiên cứu, sinh viên đại học Trung Quốc được truy cập miễn phí Internet không kiểm duyệt trong 18 tháng. Một kết quả thú vị là, nếu chỉ được phép truy cập mà không có tác động nào khác thì không thể khuyến khích sinh viên tăng tiếp nhận các thông tin tự do. Vì thế, để thúc đẩy, người ta chuyển đổi cuộc điều tra trực tuyến sang hình thức trao phần thưởng nhỏ cho người tham gia, dẫn đến nhu cầu về thông tin không kiểm duyệt tăng cao và dài hạn.
Được tiếp xúc với Internet không kiểm duyệt trong thời gian ngắn, sinh viên đã thay đổi niềm tin về kinh tế, thái độ chính trị và hành vi. Họ trở nên hoài nghi hơn về sự điều hành đất nước của ĐCSTQ, bi quan hơn về nền kinh tế Trung Quốc nhưng lạc quan hơn về nền kinh tế Mỹ.
Có thể họ trò chuyện về các chủ đề chính trị với các sinh viên khác và truyền đạt thông tin thu được. Sau khi tham gia thử nghiệm, khoảng 1/3 số sinh viên bày tỏ mong muốn được theo học sau đại học ở nước ngoài, rồi sẽ rời Trung Quốc trong tương lai gần, trái ngược với 1/5 trong nhóm đối ứng.
Bạn có thể nói rằng các sinh viên đã bị “đầu độc đỏ”. Đối với một số người, sống trong một thực tế ảo đang trở nên quá sức chịu đựng. Thật ngạc nhiên là việc truy cập Internet miễn phí trong khoảng thời gian 18 tháng có thể đẩy lùi được việc tẩy não của ĐCSTQ mà sinh viên đã phải trải qua suốt cuộc đời họ. Đây là điều mà ĐCSTQ lo ngại nhất và là lý do tại sao việc cố gắng cô lập Trung Quốc khỏi thế giới tự do được xem là nhiệm vụ đầu tiên.
Có lẽ anh đã nhận thấy rằng hầu hết người dân Trung Quốc thường tránh thảo luận các chủ đề như kiểm duyệt truyền thông và tường lửa. Tôi hy vọng anh không coi đây là dấu hiệu cho thấy người dân Trung Quốc không muốn tự do, hoặc họ không quan tâm đến thông tin không bị kiểm duyệt. Họ muốn và quan tâm chứ. Giờ đây, có hàng chục nghìn cư dân mạng Trung Quốc thách thức ĐCSTQ và tìm kiếm sự thật trên Internet không kiểm duyệt.
Tường lửa có thể ghê gớm. Thậm chí bây giờ tường lửa vẫn được xem là không thể vượt qua, như bức tường Berlin trước kia. Nhưng hôm nay bức tường Berlin đó có còn không? Tìm thấy một mảnh tường trong viện bảo tàng là may mắn lắm rồi. Tường lửa cũng sẽ không ngăn người dân Trung Quốc có được thông tin tự do. Tôi đang hy vọng và lạc quan.
Trân trọng,
Tian Yuan
Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tinh Hoa.
Bạch Vân, theo Epoch Times