Cánh cửa bước vào thế giới tâm linh: Dùng ngón tay để nhìn không gian khác
Trên trang web cá nhân của mình, Giáo sư Lý Tự Sầm đã có một bài viết chia sẻ về kết quả đột phá trong nghiên cứu khoa học, đó là dùng ngón tay để đọc chữ và phân biệt màu sắc. Đồng thời thông qua điều này đã mở ra một cánh cửa cho khoa học bước vào thế giới tâm linh…
Giáo sư Lý Tự Sầm là nhà khoa học người Đài Loan, ông lấy bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ chuyên ngành điện tại Đại học Stanford, Mỹ năm 1981. Ông có nhiều thành tựu lớn trong công tác nghiên cứu và phát minh. Ông cũng nhận được nhiều giải thưởng về khoa học và nghiên cứu như: Giải thưởng Kỹ sư trẻ xuất sắc của Hiệp hội kỹ sư Trung Quốc (1987), Giải thưởng Nghiên cứu xuất sắc của Hội đồng Khoa học Quốc gia – Đài Loan (1986-1996), Huân chương Thiên niên kỷ thứ 3 của IEEE cho những thành tựu và đóng góp xuất sắc với thiết bị điện tử (2000)…
Giáo sư Lý từng giữ chức hiệu trưởng trường Đại học Quốc gia Đài Loan từ năm 2005 đến năm 2013. Hiện ông là giám đốc phòng nghiên cứu liên kết giữa TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Co., Ltd, tập đoàn chuyên về chế tạo chất bán dẫn lớn nhất thế giới) và Đại học Quốc gia Đài Loan. Ngoài nghiên cứu về thiết bị bán dẫn, thì từ năm 1985, ông bắt đầu nghiên cứu khoa học thân thể người bao gồm Khí công và tiềm năng của con người. Ông có hàng chục báo cáo nghiên cứu khoa học về lĩnh vực này.
Ông có một trang web có tên ‘Trang web cá nhân của Giáo sư Lý Tự Sầm’ giới thiệu các công trình nghiên cứu của bản thân về Khí công và tiềm năng của con người. Trong đó có một bài đăng chia sẻ về những đột phá trong lĩnh vực này. Dưới đây là nội dung bài chia sẻ của Giáo sư Lý:
Khoa học thân thể người đôi khi bị loại ra khỏi phạm vi khoa học
Hai khám phá về khoa học vật lý trong 30 năm đầu của thế kỷ 20 là ‘Thuyết tương đối’ và ‘Cơ học lượng tử’ đã cho con người một hiểu biết nhất định về cấu trúc lớn nhất của vũ trụ (Dải ngân hà và thiên hà) và cấu trúc nhỏ nhất (hạt quark, nguyên tử và phân tử).
Năm 1952, 2 nhà khoa học Watson và Crick đã khám phá ra cấu trúc phân tử DNA, dẫn đến sự phát triển đột phá của khoa học sự sống. Từ việc thay đổi gen bằng công nghệ sinh học cho đến sinh sản vô tính trên cừu đều đã được thực hiện, thậm chí trong tương lai nếu có xuất hiện người nhân bản thì cũng không phải là chuyện lạ.
Bên cạnh những lĩnh vực phát triển nhanh chóng, vẫn còn một số lĩnh vực có tiến độ chậm, thậm chí đôi khi bị loại ra khỏi phạm vi khoa học. Đó là các hiện tượng phát xuất ra từ não bộ, liên quan đến khoa học thân thể người như: ý thức, giá trị quan, đạo đức, luân lý, lực sáng tạo, nhận thức siêu giác quan, trí lực, kinh nghiệm tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo… Đây là bởi vì các nhà khoa học trong quá khứ rất khó sử dụng sinh lý học thần kinh để giải thích những hiện tượng này, thậm chí có lúc các nguyên tắc cơ bản của chúng cũng không thể phân biệt một cách rõ ràng.
Nghiên cứu của phương Tây về khoa học thân thể người được gọi là ‘Nhận thức Ngoại cảm’ (ESP). Một số giáo sư từ Đại học Cambridge ở Anh đã thành lập ‘Hội Nghiên cứu Ngoại cảm’ vào năm 1882, và chính thức bắt đầu nghiên cứu về khoa học thân thể người. Tại Hoa Kỳ, nhiều nghiên cứu tâm lý học đang được thực hiện trong Phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, các giáo sư nghiên cứu thường xuất bản sách sau khi đã nghỉ hưu. Ví dụ, William A. Tiller – Nhà khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu của Đại học Stanford đã xuất bản cuốn sách“Science and Human Transformation: Subtle Energies, Intentity and Consciousness” (tạm dịch: Khoa học và sự chuyển đổi: Năng lượng ở vi quan, cảm xúc và ý thức) vào năm 1997.
Nguyên cứu hiện tượng Khí công ở Phương Đông
Ở phương Đông hiện nay đối với nghiên cứu ‘Khí công’, có các đơn vị tham gia nghiên cứu chính là Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Nhật Bản.
Kể từ năm 1979 tại Trung Quốc đại lục, Tiến sĩ Tiễn Học Sâm đã đưa ra các khuyến nghị về chính sách và bắt đầu thực hiện các nghiên cứu sâu rộng về bản chất của khí công và vai trò của ngoại khí. Năm 1987, Hiệp hội Khoa học Nhân văn Trung Quốc được thành lập, chính thức đưa khí công vào điện đường khoa học, cũng như thành lập viện nghiên cứu khí công và bệnh viện khí công. Sau 21 năm làm việc chăm chỉ, thành quả nghiên cứu khả quan đã được đưa ra. Trong những năm gần đây, nghiên cứu về công năng đặc dị đã giảm bớt do sự kiện đàn áp Pháp Luân Công, nhưng các nghiên cứu khác vẫn tiếp tục. Tại Nhật Bản, viện Khoa học và Công nghệ đã lên kế hoạch 5 năm để nghiên cứu công năng đặc dị.
Về nghiên cứu Khí công, ở Đài Loan có Bác sĩ Thái Đôn Nhân và Bác sĩ Lại Kim Hâm tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Đài Loan. Cách đây 10 năm Bác sĩ Thái Đôn Nhân đã áp dụng Khí công để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, qua quan sát thì thấy những bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiết niệu sau khi tập Khí công thì bệnh tình đều chuyển biến tốt rõ rệt. Bác sĩ Lại Kim Hâm đã nghiên cứu ảnh hưởng của Khí công đối với hoạt động tim phổi của người trung niên và cao tuổi, kết quả cho thấy việc luyện tập khí công có thể làm chậm lại quá trình lão hóa.
Ngoài ra tại Đài Loan còn có Giáo sư Thôi Cửu, ông thông qua các huyệt đạo để khám phá tinh hoa của kinh mạch và khí huyết, đồng thời kết hợp y học Trung y, Tây y và các loại y học khác để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Giáo sư Vương Duy Công nghiên cứu mối quan hệ giữa lưu lượng máu, nhịp đập của mạch và khí.
Tại Đại học Quốc gia Đài Loan, ngoài nghiên cứu của tôi trong lĩnh vực công năng đặc dị của con người, thì phòng Thể thao Đại học Quốc gia Đài Loan cũng bắt đầu hai dự án về Khí công. Năm ngoái, Giáo sư Trịnh Kiện Dân của Đại học Khoa học và Công nghệ Cao Hùng đã bắt đầu nghiên cứu sự cải thiện các chỉ số sinh lý sau khi tập Khí công, đồng thời thông qua phương pháp châm cứu bằng điện Fuer để xác minh tính khoa học của ‘vòng tuần hoàn Tí Ngọ’ trong văn hóa tu luyện Trung Hoa cổ.
Đọc chữ và phân biệt màu sắc bằng ngón tay
Thí nghiệm nhận biết chữ viết bằng ngón tay chính là biết được nội dung văn tự và màu sắc trên tờ giấy mà không cần nhìn, chỉ dùng ngón tay để chạm vào. Kể từ năm 1993, bằng cách thực hiện liên tục các thí nghiệm với những nội dung văn tự khác nhau, một lượng lớn dữ liệu đã được tích lũy, chúng đóng vai trò đắc lực để chứng thực rằng con người có thể đọc chữ và phân biệt màu sắc thông qua ngón tay chứ không cần dùng đến đôi mắt.
Đối với loại công năng này của con người, mỗi năm chúng tôi sẽ có những thí nghiệm mới, từ đo nhiệt độ của lòng bàn tay, hiện tượng phóng điện, đến nghiên cứu sự khác biệt giữa thị giác đặc biệt (không thông qua cặp mắt để nhìn) và thị giác bình thường (thông qua cặp mắt để nhìn).
Trong thí nghiệm nghiên cứu thị giác, chúng tôi sẽ bịt mắt của người tham gia nghiên cứu, sau đó phủ lên tay họ một tấm vải dày, bên trong có 1 tờ giấy có chữ để họ dùng tay sờ. Cường độ ánh sáng bên trong phạm vi của tờ giấy lúc này rất thấp, không thể cho phép thị giác bình thường nhìn thấy bất kỳ ký tự hay màu sắc nào, nhưng thị giác đặc biệt của ngón tay có thể nhìn thấy được văn bản và thông tin màu sắc của nó.
Theo nguyên lý hoạt động của thần kinh thị giác, để mắt nhìn được màu sắc cần phải có ánh sáng kích thích 3 loại tế bào hình nón ở võng mạc sau đó truyền thông tin về trung tâm não để nhận biết đây là màu sắc nào. Vậy nhìn thấy màu sắc khi không có ánh sáng là loại tình huống gì? Đây là một thách thức đối với tất cả các nhà khoa học.
Nếu người ta cho rằng loại thị lực đặc biệt này được truyền trực tiếp đến não qua một trường thông tin nào đó chứ không phải qua võng mạc của cặp mắt, thì sẽ đưa đến kết luận hợp lý cho trường hợp này, đó chính là những người có loại công năng này có thể “nhìn thấy” được cả khi mắt mở và nhắm… Những điều này cho thấy thế giới xung quanh chúng ta còn quá nhiều điều kỳ diệu và khoa học hiện nay có những khuyết điểm rất lớn.
Tuy nhiên, điều thú vị của nghiên cứu là bạn không bao giờ biết khi nào bạn sẽ gặp một hiện tượng mới. Trong thí nghiệm “từ khóa đặc biệt”, một giáo sư vật lý đến quan sát cuộc thí nghiệm đã vô tình đưa ra một chữ “Phật”. Điều này đã mở ra một cánh cửa khác cho việc nghiên cứu khả năng đọc bằng ngón tay.
Các ký tự đặc biệt như “Phật”, “Dược Sư Phật”, “Om Mani Pad Miao” được 3 bạn trẻ sở hữu công năng đặc dị tham gia thí nghiệm. Trong lúc tiến hành thí nghiệm các bạn trẻ cho biết khi sờ vào những chữ này có lúc thấy người, chùa miếu hoặc hòa thượng, có lúc nghe được thanh âm, thấy ánh sáng.
Để giải thích thỏa đáng cho hiện tượng này, có lẽ phải chấp nhận sự tồn tại của một “trường không gian” khác nằm ngoài thời không 4 chiều mà nhân loại đang tồn tại. Bởi vì những gì mà những bạn trẻ này nghe và thấy có những thứ không hề liên quan đến nền tảng và nhận thức vốn có. Ví dụ khi sờ vào từ “SAM” thì Mai Takahashi nhìn thấy ánh sáng rực rỡ, còn cô bé họ Vương nhìn thấy một người toàn thân phát ra ánh sáng.
“SAM” là tiếng Do Thái có nghĩa là tên của Chúa, tên của Thượng Đế. Từ này do Giáo sư Gary Schwartz gợi ý. Ông là người Do Thái và tin vào đạo Do Thái. Một ngày nọ ông cầu nguyện và nói với Chúa, Chúa ơi con không thích tên của Ngài, Ngài còn tên nào khác không? Sau đó, ông nghe thấy một giọng nói nói “Sam”. Trong từ điển, Sam là biệt hiệu của Chúa trong tiếng Do Thái cổ đại.
Khi đến gần sự thực thì ắt sẽ có tranh cãi
Thông qua ngón tay đọc chữ đã giúp khoa học mở ra cánh cửa tìm hiểu về thế giới “tâm linh”, những điều bí ẩn trong thân thể người. Điều mà trước đây không có cách nào để nghiên cứu, mà chỉ đơn thuần là những phát biểu của cá nhân mà thôi. Cụ thể Đức Phật nói với con người rằng có 3 tầng trời, có lục đạo luân hồi, có Tây phương thế giới cực lạc.
Nhưng nếu chỉ có một sự thật thì rốt cuộc bạn muốn tin ai? Phương pháp khoa học này có thể cho chúng ta biết, cái thế giới phồn vinh mỹ lệ kia vốn không chỉ có một mà có rất nhiều: Cơ đốc giáo có thế giới Cơ đốc; Hồi giáo, Phật giáo, Đạo giáo, đều có thế giới riêng của mình, mỗi thế giới đều có vương quốc riêng, giống như nhân gian vậy.
Những tín ngưỡng bên trên họ có chân lý phổ thông hay không? không có. Quá khứ người ta chỉ có thể nghe một chút rồi lựa chọn tin tưởng ai để bước theo con đường đó mà thôi.
Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đào sâu hơn nữa về lĩnh vực nghiên cứu này, mà chủ đề nghiên cứu lớn nhất là: Nó liên quan đến tôn giáo, văn hóa, sự thật của thế giới, và cấu trúc của vũ trụ. Đây cũng là một nghiên cứu gây tranh cãi.
Với tư cách là một nhà khoa học, Galileo vào thời của mình đã nói rằng Trái Đất quay quanh Mặt Trời, vì điều đó mà ông bị nhốt và bị kết án tử hình. Cuối cùng không chịu nổi áp lực Galileo đã phải nhượng bộ, và nói rằng: “Tôi đã sai”. Nhưng vô luận thế nào thì Trái Đất vẫn quay quanh Mặt Trời. Vào thời đại của ông, nếu nói rằng Trái Đất không phải là trung tâm của vũ trụ thì toàn bộ lịch sử của phương Tây, cấu trúc tư tưởng và logic hoàn toàn bị quét sạch. Vậy nên nó có tác động rất lớn đến con người thời bấy giờ. Nhưng bây giờ mọi người đều đã chấp nhận sự thật rằng Trái Đất quay quanh Mặt Trời.
Chân lý ở ngoài kia. Việc con người đeo đuổi chân lý chẳng qua chính là lật đổ những định kiến sai lầm trong quá khứ, để chúng ta có thể đến gần hơn với thế giới chân thật. Vì vậy khi một nhận thức mới được đưa ra thì ắt sẽ có tranh cãi.
Thật ra những kiến thức đó vốn đã có từ xa xưa, tổ tiên nhân loại đã biết đến chúng từ lâu, chẳng qua là khi đó không có cái gọi là khoa học như ngày nay mà thôi. Sau khi khoa học ra đời mọi thứ đều phải dựa trên bằng chứng, nếu bằng chứng được đưa ra có thể chứng minh những gì tổ tiên chúng ta nói là đúng, thì điều đó được thừa nhận. Như vậy công trình khoa học hiện nay không phải là “khám phá” mà là “xác nhận”, vì con người đã biết đến nó từ hàng nghìn năm trước.
Tử Vi biên dịch