Cách học sinh TQ đối xử với giáo viên thời Cách mạng Văn hóa
Sau khi Cách mạng Văn hóa bắt đầu, tại các trường học, từ các hội trường cho đến sân bãi vui chơi đều trở thành địa điểm đấu tố. Các giáo viên bị lôi lên bục, trước ngực mỗi người bị treo một bảng tên lớn có đánh dấu chéo màu đỏ.
Sau mỗi giáo viên có hai học sinh canh chừng, một tay chúng nắm tay người bị đấu tố kéo ra sau, tay kia cầm tóc người bị đấu tố kéo xuống thành tư tế cúi đầu nhận tội. Tư thế “máy bay cất cánh” này đã trở thành tư thế kinh điển của tất cả các trận đấu tố sau đó.
>>> 12 người đẹp chết thảm trong thời Cách mạng Văn hóa
Ban đầu việc đấu tố chỉ áp dụng đối với các Hiệu trưởng và Chủ nhiệm, nhưng việc cứ lôi những người này ra đấu tố mãi cũng thấy nhạt nhẽo, vậy là những học sinh bắt đầu hướng vào các giáo viên, xem những ai có “thành phần gia đình xấu, lý lịch cá nhân phức tạp” để lôi ra đấu tố, chúng còn cạo một nửa tóc trên đầu từng người bị đấu tố (gọi là “đầu âm dương”) và treo bảng tên kéo đi quanh khuôn viên trường.
Diện tích trường trung học Phụng Dương (Fengyang) không phải là nhỏ, từ khu vực giảng dạy phía trước ra khu vực ký túc xá phía sau, từ ban Cao trung phía Đông đến ban Sơ trung phía tây ít nhất cũng ba hoặc bốn dặm, đi vòng quanh trường trong điều kiện thời tiết oi nóng khiến cả học sinh lẫn người bị đấu tố đều ướt đầm mồ hôi, nhưng các học sinh có cảm giác đang làm cách mạng nên không sợ nóng bức, chúng hào hứng vui thích.
Các học sinh ban Cao trung (tương đương khối trung học phổ thông) làm gương, học sinh ban Sơ trung (tương đương khối trung học cơ sở) cũng không chịu thua kém, chúng học theo ban Cao trung, trước tiên lôi các giáo viên Cao trung ra tổ chức buổi đấu tố, sau đó đến các giáo viên ban Sơ trung. Tổ chức đấu tố có thể ví như hút thuốc phiện, dễ gây nghiện, nếu một hoặc hai ngày không tìm được đối tượng để lôi ra đấu tố, có thể ví như là cơn nghiện phát tác, lúc này nhất định phải tìm được một ai đó để đấu tố nhằm hóa giải cơn nghiện.
Một lần, thủ lĩnh tạo phản của lớp chúng tôi không tìm được người đấu tố liền lôi thầy Cao dạy lớp âm nhạc ban Cao trung ra đấu tố trong phòng đọc sách. Tuy nhiên, thầy Cao có “vấn đề chính trị” gì thì chúng tôi không biết, chỉ thấy thầy khi đi thì ngẩng đầu ưỡn ngực ra dáng thanh cao gây cảm giác gai mắt, vì thế mà thầy bị lôi ra làm bia. Nhưng nào ngờ sau khi hội đấu tố khai màn, không phải là thầy Cao phải đuối lý và cúi đầu nhận tội mà là chúng tôi không có gì để hỏi, đành phải kết thúc. Buổi đấu tố kết thúc vô ích vì thầy Cao không có vấn đề chính trị gì ngoài chuyện đi ngẩng đầu ưỡn ngực và ít nói ít cười.
Thời gian đó, chỉ cần nghe thấy có những âm thanh hô khẩu hiệu “đả đảo…” ở đâu đó trong khuôn viên trường là chắc chắn chỗ đó có giáo viên đang bị đấu tố hoặc kéo đi giễu. Sau đó khi hoạt động đấu tố và kéo diễn tại trường không còn mới lạ, các học sinh đã đi tìm đến tận nhà những hiệu trưởng và giáo viên, sau cùng chúng tìm được một “điệp viên Quốc dân Đảng”.
Cô Tôn, một giáo viên tiếng Anh ban Cao trung, trước đây cô được giảng dạy ở Nam Kinh nhưng sau đó không biết tại sao cô bị chuyển đến trường trung học huyện. Cô Tôn dạy tiếng Anh ban Cao trung, nhưng đôi khi giáo viên ban Sơ trung nghỉ phép thì cô lên lớp chúng tôi dạy thay. Chồng của cô Tôn đã qua đời, cô có một con, mặc dù tuổi ngoài 40 nhưng vẫn còn dáng vẻ quyến rũ, đầy đặn, da trắng, cô thường mang đôi giày cao gót trắng, nhan sắc của cô trở thành tâm điểm chú ý của thị trấn nhỏ. Cô không chỉ xinh đẹp và phóng khoáng, còn ăn nói dễ mến khiến nhiều thầy dạy tiếng Anh địa phương quan tâm.
Có kẻ nói rằng cô thường dùng sữa bò để tắm nhằm giữ làn da, cách làm xa xỉ này khiến nhiều người ngỡ ngàng. Nhưng đây chỉ là tin đồn, kẻ nào nhìn trộm cô tắm thì không ai chỉ ra. Bao nhiêu sữa bò mà cô có lấy từ đâu, cũng không ai đề cập đến. Bởi vì có tin đồn rằng cô đã từng là thư ký của Tưởng Kinh Quốc (con lãnh đạo Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch), vì thế cô đã trở thành một trong những đối tượng quan trọng để đấu tố.
Nhưng khi đấu tố cô, những học sinh chỉ biết hỏi huyên thuyên mà không thể xác định được cô phạm tội gì. Sau đó các học sinh đã đến lục soát nhà cô, sau khi lục tung tất cả nữ trang vàng bạc và các hình ảnh cô chụp chung với vài cán bộ Quốc dân đảng, có kẻ xác định một trong những người đàn ông trong hình là Tưởng Kinh Quốc! Thực tế khi đó rất hiếm có được hình ảnh của Tưởng Kinh Quốc, những kẻ phe cách mạng chỉ đoán mò.
Phát hiện này đã làm cả trường choáng váng, còn có cả bức ảnh đủ để chứng minh cô thực sự là “gián điệp” ngầm từ lâu của Quốc dân đảng! Vậy là bọn học sinh cho mở phen đấu tố, chúng cắt mái tóc đẹp của cô thành “đầu âm dương”, đưa cô đi giễu phố để cho quần chúng cách mạng biết rõ tình trạng là “kẻ thù giai cấp” của cô. Một lần, các học sinh lôi “kẻ thù giai cấp” ra bắt đi diễu phố, có kẻ treo vào cổ của cô một đôi giày bị hư để chứng minh rằng cô là một “kẻ xấu”. Vì noi theo câu nói nổi tiếng của anh hùng Cộng sản Trung Quốc Lôi Phong (Lei Feng) là: “Hãy đối xử với đồng chí ấm áp giống như mùa xuân, đối xử với kẻ thù nên tàn nhẫn giống như mùa đông”, nhiều kẻ phe cách mạng tạo phản không muốn kẻ khác thấy mình như “cánh tả” nửa vời, nên hò hét rằng một “đặc vụ Quốc dân đảng” như cô Tôn thì có sỉ nhục như thế nào cũng vẫn còn ít.
Các lãnh đạo và giáo viên trường học đã từng bị đấu tố, ngoài việc phải định kỳ báo cáo tư tưởng và nghe giáo huấn, còn phải lao động nghĩa vụ. Những công việc như nhổ cỏ dại và dọn rác rưởi mà trước đây do các học sinh làm thì giờ họ phải làm. Các hiệu trưởng và giáo viên từng được kính trọng như các vị thần thì bỗng nhiên biến thành nhếch nhác thảm hại. Nhưng học sinh nào yếu lòng thốt ra lời cảm thông mà bị người phái tạo phản nghe được là sẽ bị lên án là “lập trường cách mạng không vững vàng”, từ bi với “kẻ thù giai cấp”, như vậy là phản bội giai cấp vô sản!
“Lý tưởng vĩ đại” của phe cách mạng tạo phản là quét sạch tất cả di sản, những gì thuộc thế giới cổ xưa; thực hiện triệt để cuộc Cách mạng Văn hóa Vô sản, làm thế nào có thể thực hiện được mục tiêu vĩ đại này nếu còn bị các nhà giáo cản trở? Vậy là phải khởi đầu bằng thực hiện cuộc cách mạng trong khuôn viên trường học, lật ngược những giá trị xã hội bình thường đang hiện hữu.
Mai Tang Du
>>> Chuyện hoang đường thời Cách mạng Văn hóa: Hậu quả vì không khóc khi Mao Trạch Đông qua đời
Theo Trithucvn