Các TNS Úc: ‘Chúng ta nên cảm tạ Chúa’ vì những người trẻ đang ‘đối đầu’ với ĐCSTQ
Một báo cáo điều tra của Thượng viện Úc về các vấn đề mà cộng đồng di dân đang phải đối mặt đã khuyến nghị chính phủ xem xét nâng cao nhận thức về Đường dây Nóng An Ninh Quốc gia như là một cách thức để báo cáo sự can thiệp của nước ngoài, đặc biệt là từ Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Trong khi chuyển báo cáo này lên Thượng viện thì chủ tịch ủy ban – Thượng nghị sĩ Đảng Lao Động, bà Kimberley Kitching, cho biết can thiệp từ nước ngoài đã được chứng minh là một vấn đề then chốt đối với cuộc điều tra.
Bà nói trước Quốc hội rằng, “Thật không may, một số nhân chứng không cảm thấy đủ an toàn để đưa bằng chứng ra trước công chúng. Chúng tôi đã nghe bằng chứng ẩn danh từ một số người, bởi vì họ sợ hãi với những trải nghiệm trong quá khứ dưới những chế độ đó ở nơi quê hương của mình, hoặc họ lo sợ cho gia đình họ, cho dù gia đình họ đang ở tại đây hay vẫn ở quê hương của họ.”
Thượng nghị sĩ Đảng Lao Động này cũng cho biết việc chỉ ra chính quyền cố quốc khiến “các nhân chứng cảm thấy bị đe dọa” là điều không thể tránh khỏi. Bà chỉ rõ: “Chế độ đó là ĐCSTQ.”
Bà Kitching phàn nàn rằng giao thương với Trung Quốc đã dẫn đến sự im lặng trước một số hành động tàn bạo, tồi tệ nhất của ĐCSTQ, nhưng bà hy vọng thế hệ tiếp theo sẽ đứng lên chống lại điều đó.
Bà cho biết, “Sự im lặng của chúng ta trước những vấn đề này và quan điểm của một số người cho rằng thương mại quan trọng hơn đạo đức là điều mà những người trẻ tuổi đang đối mặt và lên án ngày càng mạnh mẽ hơn. Tôi sẽ nói trắng ra như thế này: chúng ta nên cảm tạ Chúa vì những gì họ đang làm.”
Bà nói thêm rằng: “Tôi cầu nguyện cho tiếng nói của họ ngày càng lớn hơn nữa.”
Cuộc điều tra của Ủy ban Đối ngoại, Quốc phòng, và Thương mại đã “lúng túng” bởi những báo cáo về các bằng chứng về sự can thiệp của nước ngoài nhắm vào toàn bộ các cộng đồng dân cư, các cá nhân, và một số hãng thông tấn, như The Epoch Times, tờ báo đã cung cấp các bằng chứng cho cuộc điều tra của ủy ban này.
Thượng nghị sĩ Đảng Tự Do, ông Eric Abetz, nói với The Epoch Times rằng việc các công dân Úc lo ngại khi đưa ra các bằng chứng cho một cuộc điều tra của Quốc hội cho thấy nhu cầu cấp thiết phải nâng cao nhận thức về Đường dây Nóng An ninh Quốc gia, nhằm bảo vệ các cộng đồng di dân của Úc và ‘đưa ra ánh sáng’ các hoạt động can thiệp của nước ngoài.
Ông nói: “Việc thực hiện khuyến nghị này là nền tảng để tăng tính minh bạch và giúp đỡ các cộng đồng di dân chống lại sự can thiệp của các chính phủ nước ngoài.”
Ông cũng cho biết minh bạch là giải pháp tốt nhất để phơi bày ĐCSTQ và sự can thiệp ra nước ngoài của nó.
Người Trung Quốc không ‘đồng nghĩa với ĐCSTQ’
Ông Abetz nói rằng công chúng cần phải hiểu rộng hơn rằng việc chỉ trích chế độ ĐCSTQ và các hoạt động của nó có thể dẫn đến các cáo buộc sai trái về phân biệt chủng tộc và bài ngoại.
Ông nói: “Điều này được sử dụng như là một chiến thuật có chủ ý của ĐCSTQ và các cơ quan của nó nhằm bịt miệng những người đối lập.”
Ông nói rằng, dù ĐCSTQ có khẳng định điều này một cách sai trái như thế nào đi nữa, thì chúng ta cần phải phân biệt rõ, con người, lịch sử, và văn hóa Trung Hoa không đồng nghĩa với ĐCSTQ.
Trong quá trình điều tra, đã có có những cáo buộc phân biệt chủng tộc đối với ông Abetz, khi ông hỏi ba nhân chứng từ các tổ chức nghiên cứu và giới chính trường liệu họ có sẵn sàng lên án ĐCSTQ không.
Như ông dự đoán, họ cáo buộc ông Abetz phân biệt chủng tộc khi đặt câu hỏi đó cho họ, vì họ là người gốc Trung Quốc. Tuy nhiên, như ông Abetz trình bày trước Quốc hội, ông đang kiểm tra dự đoán của giáo sư kiêm tác giả Clive Hamilton.
Ông nói, “Khi quý vị yêu cầu các nhà lãnh đạo tinh thần và chuyên gia tự phong lên án chế độ độc tài tàn bạo đó, thì những kẻ biện hộ đó sẽ làm gì? Như giáo sư Clive Hamilton đã dự đoán trong cuốn sách của mình, họ sẽ ngay lập tức quy tội quý vị là phân biệt chủng tộc và đưa ra một số chỉ trích đối với chế độ này vừa đủ nhằm giữ uy tín, nhưng họ sẽ không bao giờ lên án chế độ độc tài đó.”
Ông nói thêm: “Đây là một trong những lý do mà tôi khuyến khích một số người thực sự lên án chế độ đó, nhưng họ đã không làm như vậy.”
Ông Abetz khẳng định rằng những nhóm người đã bị ĐCSTQ bức hại sẽ muốn những nhân chứng đó “chung tay đoàn kết cùng với họ” bằng cách lên án ĐCSTQ.
Ông phát biểu: “Tôi biết những người Duy Ngô Nhĩ muốn họ làm gì. Tôi biết các học viên Pháp Luân Công cũng muốn họ làm gì. Tôi biết những gia đình theo đạo Công giáo muốn họ làm gì. Những người phụ nữ đang bị cưỡng ép triệt sản và bị cưỡng hiếp khi chúng ta đang nói đây cũng muốn chúng ta ở Úc đoàn kết cùng với họ.”
Từ Thức
Theo theepochtimes.com