Các món ăn truyền thống ngày Tết của các quốc gia trên thế giới
Mỗi quốc gia đều có phong tục đón Tết khác nhau, Việt Nam có bánh chưng, bánh tét là đặc trưng, vậy các quốc gia khác cũng có những phong tục và món ăn ý nghĩa để đón chào năm mới.
1. Nhật Bản
“Osechi ryori” là bữa ăn mà hầu hết người Nhật Bản dùng vào đầu năm mới. Ý nghĩa gốc của món Osechi ryori chính là bữa ăn này giúp cho những người nội trợ (và gia đình họ) sống sót qua những ngày đầu tiên của năm mới, khi những cửa hàng trên khắp Nhật Bản đều đã đóng cửa. Các thực phẩm để làm món Osechi có thể được chuẩn bị sẵn và để ở nơi thoáng mát trong vòng vài ngày mà không bị hư hỏng. Thông thường nhất, mọi thứ thường được đựng thành từng lớp trong các hộp sơn mài và có nhiều ngăn.
Hàn Quốc
Mâm cơm ngày Tết của người dân Hàn Quốc thường có đến 20 món. Bên cạnh kimchi hay canh rong biển quen thuộc, món ăn nhất thiết phải có là canh bánh gạo (Tteokguk). Canh bánh gạo gồm phần bánh gạo (tteok) và nước hầm (guk), ngoài ra còn có bánh gạo, trứng thái chỉ, đậu hũ, thịt bò, hành.
Việc ăn canh bánh gạo được suy đoán là có nguồn gốc từ thời cổ đại. Bánh gạo trắng thể hiện sự thanh khiết và sạch sẽ được coi như là một điều may mắn để bắt đầu một năm mới. Bát canh bánh gạo có ý nghĩa mang lại sự may mắn và sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.
Trung Quốc
Người Trung Quốc quan niệm những món ăn ngày Tết đều có ý nghĩa tiễn những điều không may của năm trước và rước tài lộc may mắn vào nhà.
Sủi cảo là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người Trung Quốc. Sủi cảo nhân rau thịt được nặn theo hình các lượng bạc của Trung Quốc. Truyền thuyết kể rằng, càng ăn nhiều sủi cảo, bạn sẽ càng có nhiều tiền trong năm mới.
Mì Trường Thọ cũng là một món ăn truyền thống và quen thuộc tại đây. Món mì này mang lời chúc về tuổi thọ dài lâu, vì vậy những sợi mì đều rất dài và không được cắt ngắn. Mì thường được ăn cùng nước dùng và rau cải.
Lào
Món ăn truyền thống trong ngày Tết ở Lào là món “lạp”. Theo ngôn ngữ của nước này, lạp có nghĩa lộc. Theo nhiều chuyên gia văn hóa Lào thì lạp được xem như là “linh hồn” của người Lào trong năm mới. Người ta có thể tặng nhau món lạp thay lời chúc may mắn đầu năm. Gia đình nào nhận được nhiều món này thì hy vọng năm mới sẽ có nhiều tài lộc. Lạp ở đây thường được làm bằng thịt gà hay thịt bò tươi, sau đó đem trộn với gia vị. Người Lào thường ăn lạp với xôi nóng.
Mông Cổ
Người Mông Cổ cũng ăn Tết Âm lịch từ mùng 1 đến mùng 3 đầu năm mới. Trong những ngày đầu năm, người Mông Cổ có tục lệ dùng sữa ngựa để rửa sạch bát đũa trong nhà.
Ngoài ra họ còn uống trà và ăn những món ăn được làm từ sữa ngựa. Đây là hành động được coi là có ý nghĩa tẩy sạch những tội lỗi từ năm trước.
Singapore
Với cộng đồng người Hoa đông đảo, Singapore cũng là quốc gia ăn Tết Nguyên Đán. Những ngày Tết ở Singapore thường diễn ra lễ hội mùa xuân với các sự kiện nổi bật như lễ hội hoa đăng, lễ hội đường phố Chingay cùng nhiều hoạt động khác.
Mâm cơm ngày Tết của người dân nơi đây không thể thiếu món gỏi Yusheng. Món gỏi này được chế biến theo phong cách Quảng Đông, bao gồm cá sống (thường là cá hồi), trộn với rau củ thái nhỏ và nhiều loại nước sốt kèm gia vị. Yusheng được coi là một biểu tượng của sự phong phú, thịnh vượng và tràn đầy sức sống.
Ấn Độ
Điểm đặc biệt tại Ấn Độ là thời điểm đón năm mới khác nhau tùy thuộc vào mỗi địa phương. Miền Bắc đón năm mới vào tháng 4, miền Nam vào trung tuần tháng 3, ở bang Kirala vào tháng 6, miền Tây Ấn tháng 11-12. Lễ mừng năm mới ở Ấn Độ cũng phụ thuộc vào các truyền thống diễn ra ở từng vùng khác nhau.
Ví dụ, vào ngày này, cư dân miền Bắc trang trí bằng các loại hoa màu sắc khác nhau, phổ biến nhất là các màu hồng, đỏ, tím hoặc trắng. Trong khi đó, ở miền Nam, lễ mừng năm mới nhất định phải có một mâm quả. Buổi sáng, trẻ em nhắm mắt lại chờ người lớn dẫn đến mâm quả để chúng có thể thưởng thức hương vị của món ăn truyền thống này. Tuy nhiên, điểm chung đặc biệt chính là mâm cỗ mừng năm mới trong các gia đình Ấn Độ không thể thiếu món ăn truyền thống là beriane (cơm trộn thịt).
Mexico
Món ăn truyền thống trong ngày Tết ở Mexico là Tamales, đây là món được làm từ bột ngô trộn với mỡ, thịt, hải sản, cá, rau… cùng một số loại gia vị khác. Tuy nhiên, tùy theo khẩu vị cũng như các khu vực khác nhau mà Tamales có cách chế biến và thưởng thức riêng. Tuy nguyên liệu có thể biến tấu nhưng nguyên tắc không thể bỏ qua khi làm món bánh này chính là hấp. Bánh phải được hấp kỹ trước khi ăn khoảng 2 giờ và nên ăn nóng để thưởng thức trọn hương vị riêng biệt này.
Hà Lan
Oliebollen là một loại bánh truyền thống tương tự như bánh chưng bánh tét của người Việt Nam vào năm mới. Người Hà Lan tin rằng nếu thưởng thức món bánh này vào ngày đầu năm mới thì sẽ nhận được những điều tốt lành nhất. Bánh được làm từ bột mì và trứng cùng nhân là các loại quả như táo, dứa hoặc nho. Bánh được nặn hình tròn sau đó được chiên ngập trong chảo dầu và rắc thêm bột đường lên, rất hấp dẫn.
Pháp
Vào đêm giao thừa, người Pháp sẽ chuẩn bị bánh Gateaux được trang trí cầu kỳ đặt trên bàn tiệc. Khi năm mới đến, cả gia đình sẽ thưởng thức bánh để cầu mong sức khỏe, may mắn, thuận lợi. Bánh Gateaux cũng là món ăn truyền thống ở nhiều đất nước với những tên gọi khác nhau như Vasilopita (Hy Lạp), Rosca de Reyes (Mexico), Banitsa (Bulgari)…
Italy
Người Italia ăn mừng ngày đầu năm mới với món ăn truyền thống là cotechino con lenticchie (món hầm gồm xúc xích thịt heo và đậu lăng) để đem lại nhiều may mắn cho cả năm. Trong đó, đậu lăng có hình dạng giống những đồng xu, thể hiện cho sự may mắn và tiền bạc, còn thịt heo tượng trưng cho sự sung túc, đầy đủ.
Đan Mạch, Na Uy
Bánh Kransekage được làm bằng hạnh nhân, ở trung tâm thường có một chai rượu, được trang trí xung quanh với cờ và bánh quy giòn. Tháp bánh gồm nhiều vòng bánh đồng tâm xếp chồng lên nhau. Kransekage là món ăn truyền thống không thể thiếu trong đêm giao thừa và các dịp đặc biệt khác ở Đan Mạch và Na Uy.
Chúc Di (t/h)