Belarus dậy sóng biểu tình, Lukashenko cầu cứu Tổng thống Nga
Ngày 17/8, Tổng thống Belarus – Alexander Lukashenko đến thăm một nhà máy tại vùng ngoại ô thủ đô Minsk, ông đã bị nhiều công nhân tại đây chất vấn gay gắt và liên tục hô to: “Từ chức đi”.
Điều này cho thấy Tổng thống Alexander Lukashenko đang ngày càng mất đi tín nhiệm của mình. Bên cạnh đó, hàng trăm nhân lực của đài truyền hình quốc gia – một cơ quan đầu não trong bộ máy tuyên truyền của chính phủ cũng đã đình công.
Người dân Belarus ngập tràn trong phẫn nộ sau kết quả bầu cử Tổng thống đầy tranh cãi được công bố vào ngày 10/8. Kết quả cho thấy ông Lukashenko tiếp tục tái đắc cử, ngay lập tức ông đã phát động một cuộc đàn áp bạo lực từ phía cảnh sát để chống lại dân biểu tình, và hơn 6.700 người đã bị bắt giữ.
Các cuộc biểu tình đã gia tăng trong suốt tuần qua, đỉnh điểm là một cuộc biểu tình lớn diễn ra vào ngày 16/8. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử của đất nước. Những người biểu tình thề rằng sẽ biểu tình vào mỗi buổi tối cho đến khi ông Lukashenko chịu từ chức.
Chuỗi các nhà máy rộng lớn tại Belarus chính là trụ cột của nền kinh tế theo khuynh hướng Xô Viết mới, và chuyến thăm của ông Lukashenko đến nhà máy sản xuất xe quân sự nhà nước MZKT vào ngày 17/8, là để thể hiện vị Tổng thống Belarus vẫn duy trì được tín nhiệm của mình với tầng lớp lao động, sau khi cuộc biểu tình lớn nhất trong thời gian gần đây diễn ra tại quốc gia nhằm phản đối quyền cai trị của ông.
Tuy nhiên, thay vì nhận được sự ủng hộ, các đoạn video và băng ghi âm bị rò rỉ từ bài phát biểu của ông với một vài công nhân được chọn tham dự lại cho thấy, vị tổng thống đã nhận phải vô vàn tiếng hét, kêu rằng: “Từ chức đi!”. Ông Lukashenko có phần hơi lúng túng trước sự việc, nhưng vẫn tiếp tục phần phát biểu của mình trong lúc những người bên dưới liên tục hét lớn “Đồ giả dối!”.
Trong một bài phát biểu đầy thách thức, vị Tổng thống khẳng định ông sẽ không cân nhắc việc tổ chức lại cuộc bầu cử bê bối diễn ra vào tuần trước.
“Các bạn khẳng định cuộc bầu cử không công bằng và muốn tổ chức bầu cử công bằng”, ông phát biểu và đám đông hét lớn: “Đúng!”. “Vậy câu trả lời của tôi là: chúng ta có tổ chức bầu cử, và miễn là các bạn không giết tôi, nếu không sẽ không còn bất kỳ cuộc bầu cử nào nữa”.
Để nhượng bộ, ông Lukashenko đã lặp lại đề xuất sửa đổi Hiến pháp, để giảm bớt quyền lực Tổng thống của mình, nhưng cho biết thêm ông sẽ không tiến hành quá trình này “nếu bị gây sức ép”.
Mục đích chính của Tổng thống Lukashenko là để biện minh cho sự cai trị độc tài của ông, và sự tàn bạo của cảnh sát diễn ra tại quốc gia trong tuần qua, ông khẳng định rằng mình đang cố bảo vệ đất nước thoát khỏi tình trạng bạo loạn.
Ông phát biểu: “Đúng, tôi không phải là thần thánh. Các bạn biết rằng tôi hà khắc. Các bạn đều biết nếu không có sự hà khắc của tôi thì quốc gia này đã không còn nữa”.
Ông Lukashenko đã cai trị Belarus trong suốt 26 năm qua. Ông cho rằng, các cuộc biểu tình chống lại ông được thực hiện và viện trợ bởi các thế lực nước ngoài mờ ám, và ông đã yêu cầu Tổng thống Nga – Vladimir Putin can thiệp.
Tiến sĩ Dmitri Trenin – Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow cho biết: “Tôi nhận thấy việc Nga can thiệp quân sự vào Belarus sẽ hoàn toàn là một tai họa, và tôi hy vọng điều đó sẽ không xảy ra”.
Điện Kremlin cho biết, chính quyền Nga sẵn sàng giúp đỡ dưới một hiệp định hợp tác quân sự nếu cần thiết, nhưng Tổng thống Putin đã không còn thể hiện sự ủng hộ ông Lukashenko. Trước quyền lực đang bị lung lay của ông Lukashenko, có thể ông Putin sẽ chỉ cố gắng kiểm soát công tác chuyển đổi người đương nhiệm, thay vì can thiệp trực tiếp.
Ngày 17/8, hàng loạt nhân công tại các nhà máy trên khắp cả nước đã đình công, nhằm tăng thêm sự căng thẳng trong công cuộc biểu tình hàng ngày, cũng như gây sức ép để buộc vị Tổng thống đương nhiệm phải từ chức.
Военные и гражданские люди друг напротив друга на площади Независимости.
Посмотрите, какая там атмосфера! pic.twitter.com/kj8Bs8ZNLZ
— TUT.BY (@tutby) August 14, 2020
Колонна работников МТЗ идет по улице Козлова и скандирует «Далучайся!» pic.twitter.com/hpOKMCYJNV
— TUT.BY (@tutby) August 14, 2020
Sergei Dylevsky – một trong những thành viên của ủy ban đình công tại nhà máy Minsk Tractor Factory phát biểu: “Chúng ta đã dè chừng trước chính quyền trong suốt 26 năm vừa qua. Nhưng giờ đây, những gì đã xảy ra vào tuần qua khiến chúng ta nhận ra rằng mình cần phải lên tiếng”. Trong số khoảng 14.000 nhân viên tại nhà máy, đã có 4.000 người tham gia vào cuộc đình công.
Ông Dylevsky cho hay: Họ sẽ đến xưởng mỗi ngày để chấm công, nhưng sẽ không làm việc cho đến khi tổ chức bầu cử lại.
Các công nhân khai thác của một nhà máy sản xuất kali tại thành phố Soligorsk cũng tham gia đình công. Đây là nhà máy khổng lồ, chiếm 1/5 sản lượng phân kali trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều báo cáo tương tự từ các nhà máy trên khắp cả nước.
Cuộc đình công đã lan truyền đến cả đài truyền hình quốc gia. Tính đến nay đã có khoảng 300 trong số 2.000 cán bộ nhân viên cho biết: Họ sẽ không làm việc cho đến khi tổ chức lại cuộc bầu cử mới, và họ có thể làm việc mà không bị kiểm duyệt.
Cùng ngày 17/8, một cuộc chiến đã xảy ra tại đài truyền hình, trong đó một số nhượng bộ đã được tiến hành, nhưng kênh truyền hình vẫn phát sóng các chương trình ủng hộ ông Lukashenko, đồng thời bộ phận cảnh sát xử lý bạo loạn đã phải bảo vệ tòa nhà khỏi hàng trăm người biểu tình tụ tập bên ngoài.
Trong một tuyên bố qua video vào ngày 17/8, ứng cử viên đối lập – Svetlana Tikhanovskaya, người đã sang nước láng giềng Lithuania sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố cho biết: bà đã sẵn sàng để trở thành “nhà lãnh đạo quốc gia”, bà khẳng định mình sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tuần trước, và kêu gọi cảnh sát “hãy đứng về phía người dân”.
Chồng của Tikhanovskaya hiện vẫn đang bị giam tại Belarus. Kết quả chính thức của cuộc bầu cử cho thấy, bà chỉ giành được 10% phiếu bầu so với chiến thắng áp đảo 80% số phiếu của ông Lukashenko. Tuy nhiên, rất ít người dân tại Belarus hoặc các quốc gia khác tin rằng đây là kết quả chính xác.
Bà phát biểu trong một tuyên bố: “Tôi đã sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm và phục vụ nhiệm kỳ này, với tư cách một nhà lãnh đạo quốc gia để giúp đất nước bình ổn, quay lại trạng thái bình thường, để chúng ta có thể trả tự do cho toàn bộ tù nhân chính trị sớm nhất có thể, và chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống mới”.
Một số nước phương Tây đã chỉ trích mạnh mẽ ông Lukashenko, và Liên minh châu Âu cũng đang soạn thảo biện pháp trừng phạt mới đối với Belarus.
Ngày 17/8, Ngoại trưởng Anh – Dominic Raab đã chia sẻ trong một tweet: “Bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa ở Belarus thật kinh khủng. Chính quyền Anh không chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống gian lận này, và kêu gọi điều tra khẩn cấp thông qua @OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu) về những sai sót nghiêm trọng, và cuộc đàn áp kinh khủng diễn ra”.
Việt Anh (Theo Guardian)