Nhà bị trúng bom, bé gái bị tường đè lên người vẫn cố giữ lấy em khỏi rơi
Hình ảnh thương tâm về một cô bé 5 tuổi bị những mảng bê tông đè lên người đang nỗ lực trong vô vọng để cứu đứa em gái bé bỏng trong một đợt đánh bom ở Syria đã khắc họa rõ nét sự tàn khốc của cuộc chiến vẫn đang kéo dài trên khắp đất nước này.
Trong bức ảnh là cảnh tượng một cô bé Riham al-Abdullah đang cố giải cứu em gái 7 tháng tuổi của mình khỏi ngôi nhà đổ nát ở Syria vừa mới bị bom không kích phá hủy. Bức ảnh đã gây ra một làn sóng phản ứng mạnh mẽ trên Internet và được xem là hình ảnh có tác động mạnh nhất về cuộc chiến tranh chết chóc ở Syria.
Bức ảnh đã gây ra cú sốc rất lớn khi ghi lại nỗi kinh hoàng trên khuôn mặt người cha, anh Amjad al-Abdullah, đang cố hết sức để cứu đứa con nhỏ của mình bị treo lơ lửng vì quần áo bị vướng vào đống đổ nát.
Sau khi được giải cứu, cô bé Riham và mẹ được đưa đi cấp cứu nhưng đã chết trên đường đến bệnh viện vì thương tích quá nặng. Còn em gái Riham vẫn đang được chăm sóc đặc biệt.
Ông Bashar al-Sheikh, nhiếp ảnh gia của hãng tin SY24 kể lại: “Khi tôi đến nơi thì bắt gặp khung cảnh thương tâm này. Người cha la hét, khóc than đau đớn, cố gắng cứu những đứa con của mình đang bị mắc kẹt trong đống hoang tàn. Do tầng năm của tòa nhà bị nứt nên họ đã bị rơi xuống dưới. Tôi vội vàng tắt máy ảnh và lao vào giải cứu họ. Tôi đưa họ vào ô tô rồi chở họ thẳng tới bệnh viện”.
Cô bé trong ảnh là một trong số 20 thường dân đã thiệt mạng sau khi chính phủ ra lệnh không kích bằng máy bay phản lực vào hôm 24/7 ở phía bắc tỉnh Idlib, nơi lực lượng Bashar al-Assad đang chiến đấu để chiếm lại pháo đài cuối cùng của phiến quân nước này.
Mặc dù đã có thỏa thuận quốc tế thống nhất ngăn chặn các cuộc tấn công toàn diện vào khu vực Idlib. Nhưng kể từ cuối tháng 4 vừa qua, chính quyền Syria và Nga vẫn đẩy mạnh các cuộc tấn công chết chóc vào khu vực 3 triệu dân này.
“Ác mộng kinh hoàng” khi trẻ em cũng bị cuốn vào cuộc xung đột vô nghĩa
Theo một báo cáo mới của tổ chức quốc tế Save the Children. Số trẻ em bị giết ở Idlib trong 4 tuần qua đã vượt quá tổng số tử vong của năm 2018. Sự leo thang bạo lực từ cuối tháng 4 đến nay đã dẫn đến cái chết của ít nhất 400 người, trong đó có 90 trẻ em và khiến cho 440.000 người phải di dời.
Tổ chức Save the Children còn cho biết ít nhất 33 trẻ em đã thiệt mạng kể từ ngày 24/6, nhiều hơn so với 31 trẻ em bị giết trong cả năm 2018. Đây là lần giao tranh nguy hiểm và thương vong nhất trong tuần này kể từ khi giao tranh leo thang ở tây bắc Syria, khu vực có 3 triệu dân.
Liên Hợp Quốc cho biết đại đa số nạn nhân là phụ nữ và trẻ em. Giám đốc tổ chức Save The Children ở Syria, bà Sonia Khush nói: “Hiện trạng tàn khốc ở Idlib thực sự là một cơn ác mộng. Những tổn thương mà chúng ta đang thấy thật sự khủng khiếp. Nó cho thấy rõ rằng trẻ em luôn là nạn nhân bị giết hại và tổn thương trong hầu hết các cuộc tấn công bừa bãi”.
Theo như thỏa thuận, Idlib là nơi được bảo vệ khỏi cuộc tấn công quy mô lớn do Nga đàm phán ủng hộ Assad, Thổ Nhĩ Kỳ và phiến quân. Một thỏa thuận ngừng bắn đã được thiết lập ở khu vực này, nơi có gần 3 triệu người sinh sống.
Theo đó, các chiến binh nổi dậy phải rời khỏi khu vực và người dân ở nơi khác được phép đến đây để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, Nga đã tiến hành không kích vào khu vực này.
Nguồn cung ứng tối thiểu sắp cạn kiệt
Các cơ quan nhân đạo đã phải xoay sở bằng mọi cách để di chuyển trên khắp khu vực tây bắc Syria. Cơ sở hạ tầng và dân sự, bao gồm cả trường học và bệnh viện tiếp tục bị phá hủy hoặc bị hư hại nghiêm trọng.
Liên Hợp Quốc cho biết, ít nhất 4 cơ sở y tế đã bị ảnh hưởng bởi bạo lực và khủng hoảng chỉ trong 2 tuần vừa qua, chẳng hạn như một trạm nước phải phục vụ hơn 80.000 người, và thêm cả một số trường học, các khu định cư cho dân thường, chợ và các tiệm bánh.
Có Ít nhất 8 cơ sở cung cấp nước uống cho khoảng 250.000 người ở miền nam Idlib đã bị tấn công trong 2 tháng qua, vì nhiệt độ mùa hè tăng cao nên nguy cơ mắc bệnh của người dân đã dần tăng lên.
Cô Sonia Khush cho biết thêm: “Những đứa trẻ ở tây bắc Syria bị bắt trong các cuộc xung đột bạo lực dù đã qua gần 3 tháng nhưng vẫn còn chưa hết bàng hoàng. Chúng bị từ chối giáo dục, cung cấp thực phẩm và chăm sóc sức khỏe và bị buộc phải ngủ dưới những tán cây trong những cánh đồng trong nhiều tháng nay”.
Thiện Thành (Theo SBS)