Bản ghi nhớ “FISA” tố FBI chống Tổng thống Donald Trump được công khai
Bản ghi nhớ FISA gây tranh cãi nêu chi tiết về việc lạm dụng Đạo luật Giám sát Tình báo Nước ngoài (FISA) của Bộ Tư pháp và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã được giải mật và Tổng thống Donald Trump phê duyệt phát hành công khai vào hôm thứ Sáu (2/2).
Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa nói rằng bản ghi nhớ này, do văn phòng của Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Devin Nunes soạn thảo, đã chỉ ra việc Bộ Tư pháp và FBI đã sử dụng các kỹ thuật giám sát tình báo không đúng như thế nào trong cuộc điều tra Trump-Nga.
Trong khi đó, các nghị sĩ Dân chủ đã bác bỏ bản ghi nhớ này. Họ lập luận rằng bản ghi nhớ đã bị các nghị sĩ Cộng hòa chỉnh sửa nội dung để vẽ ra câu chuyện rằng cuộc điều tra Nga đang có thành kiến chống lại Tổng thống Trump.
Dưới đây là những điều chúng ta cần biết về bản ghi nhớ FISA và mối liên hệ của nó với cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.
Bản ghi nhớ FISA này là gì?
Bản ghi nhớ gồm 4 trang, được soạn thảo bởi văn phòng của Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Devin Nunes – Dân biểu bang California. Trong đó, bản ghi nhớ tiết lộ việc FBI và Bộ Tư pháp Mỹ đã sử dụng các kỹ thuật giám sát tình báo không đúng nhắm vào cuộc điều tra Nga.
Bản ghi nhớ này đã “dấy lên những quan ngại về tính hợp lý, hợp pháp của các tương tác giữa Bộ Tư pháp cùng FBI với Tòa án Giám sát Tình báo Nước Ngoài (FISC) và trình bày một sự cố đáng lo ngại về các quy trình pháp lý được thiết lập để bảo vệ người Mỹ khỏi những vi phạm liên quan đến tiến trình FISA”.
Một số điểm quan trọng của bản ghi nhớ này như sau:
– Ông Christopher Steele, người đã biên soạn hồ sơ gây tranh cãi có chứa những tuyên bố đầy màu sắc nhưng không xác minh được về ông Trump, đã khẳng định với cựu Thứ trưởng Bộ Tư pháp Bruce Ohr rằng ông “đã mong muốn đến tuyệt vọng rằng ông Donald Trump không được bầu và khao khát việc ông [Trump] không phải là tổng thống [Mỹ]”.
– Hồ sơ của Christopher Steele là chìa khóa cho giấy phép FISA của FBI trong việc giám sát các thành viên của đội ngũ Trump.
– FBI và Bộ Tư pháp đã có được giấy phép FISA ban đầu nhắm vào ông Carter Page – cựu cố vấn về chính sách đối ngoại cho ông Trump. Các giấy phép giám sát này và các bản gia hạn không đề cập đến việc hồ sơ của Christopher Steele đã được Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ và chiến dịch của bà Hillary Clinton tài trợ một phần. Bản ghi nhớ nói rằng Bộ Tư pháp đã nhận thức được vào thời điểm áp dụng FISA ban đầu rằng “các nhà hoạt động chính trị có liên quan đến hồ sơ của Steele”.
– Trong khi Thứ trưởng Bộ Tư pháp Bruce Ohr gặp ông Christopher Steele, vợ của ông Ohr lại được Fusion GPS thuê làm việc. Công ty Fusion GPS ký hợp đồng soạn thảo hồ sơ, và đã hỗ trợ nghiên cứu đối lập với ông Trump. Thông tin này không có trong giấy phép FISA cấp cho FBI và Bộ Tư pháp.
– Cựu Phó giám đốc FBI Andrew McCabe vào tháng 12/2017 đã nói với Ủy ban Tình báo Hạ viện rằng một giấy phép giám sát tình báo sẽ không được đưa ra nếu không có hồ sơ của Steele và những gì được cho là tiết lộ trong hồ sơ đó.
Vào hôm thứ Hai (29/1), Ủy ban Tình báo Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua việc công khai bản ghi nhớ mật này.
Dân biểu Matt Gaetz đã nói trong một bức thư được ký bởi 65 nhà lập pháp khác rằng những người Cộng hòa ủng hộ việc công khai bản ghi nhớ làm vậy là vì lợi ích của “sư minh bạch” đối với “những người quan tâm đến nước Mỹ và hệ thống chính quyền dân chủ của chúng ta”.
Đảng Dân chủ phản ứng thế nào?
Các Hạ nghị sĩ Dân chủ đã cảnh báo về việc phát hành bản ghi nhớ. Họ dấy lên nghi vấn về tính xác thực của nó và cảnh báo rằng nó có thể gây bất lợi cho an ninh quốc gia.
Ông Trump phản ứng thế nào?
Tổng thống Trump đã quyết định giải mật bản ghi nhớ này vào thứ Sáu (2/2) không với bất kỳ việc sửa đổi nào.
Ông Trump nói: “Rất nhiều người nên xấu hổ về bản thân và nhiều điều tồi tệ hơn thế”.
Phản ứng của FBI?
FBI nói trong một tuyên bố rằng cơ quan này “quan ngại nghiêm trọng” về bản ghi nhớ.
Tuyên bố của FBI cho hay: “Liên quan đến bản ghi nhớ của Ủy ban Tình báo Hạ viện, FBI chỉ được cung cấp một cơ hội hạn chế để xem xét bản ghi nhớ này vào ngày trước khi Ủy ban bỏ phiếu công khai nó. Như đã trình bày trong lần xem xét ban đầu của chúng tôi, chúng tôi có mối quan ngại nghiêm trọng về sự thiếu sót chứng cứ thực tế, điều ảnh hưởng cơ bản đến tính chính xác của bản ghi nhớ này”.
Các quan chức của Bộ Tư pháp đã yêu cầu Nhà Trắng ngăn chặn việc phát hành bản ghi nhớ, nhưng bất thành.
Điều gì ngay từ đầu đã gây tranh cãi về chương trình giám sát FISA?
Trong điều 702 của Đạo luật Giám sát Tình báo Nước ngoài cho phép các quan chức tình báo Mỹ giám sát việc liên lạc của người nước ngoài bên ngoài Hoa Kỳ mà không cần lệnh.
Các nhà phê bình điều khoản này lập luận rằng mặc dù Đạo luật FISA không thể được sử dụng để nhắm vào người Mỹ, nhưng công dân Hoa Kỳ vẫn thường bị thu thập thông tin trái phép trong hồ sơ dữ liệu của cơ quan chức năng. Trong khi giới chức lại có thể được phép xem những hồ sơ dữ liệu đó mà không cần lệnh cho phép.
Theo trithucvn.net