Bạn có biết lập trình viên máy tính đầu tiên trong lịch sử là một phụ nữ?
Bạn có biết lập trình viên máy tính đầu tiên là một phụ nữ? Và trên hết, bà sống trong những năm 1800, khoảng thời gian mà khi nói về máy tính người ta cho là điều dị thường tương tự như hiện nay chúng ta nói về chuyện sống trên Sao Hỏa.
Ada Lovelace (tên trước khi kết hôn: Augusta Ada Byron) sinh năm 1815, là một thần đồng toán học người Anh, bà được cho là người đầu tiên giới thiệu về khái niệm lập trình máy tính. Bố của bà là George Gordon Byron, một nhà thơ đã bỏ rơi con mình và mẹ là Anne Isabella Millbanke Byron, một người yêu thích toán học.
Ngay từ khi còn nhỏ, mẹ Ada đã khuyến khích bà dành nhiều thời gian để giải các bài toán. Ada được mẹ mời gia sư về dạy toán tại nhà, nhờ đó mà bà nhận thấy sự hứng thú với kỹ thuật.
Một số gia sư của bà như William frend, William King, Mary Somerville – Nhà thiên văn học – Nhà toán học người Scotland, một trong những phụ nữ đầu tiên được kết nạp vào Hội Thiên Văn Hoàng Gia – cùng nhiều giáo sư có tầm vóc vĩ đại khác.
Ada bắt đầu nghiên cứu toán học cấp cao tại Đại học London. Năm 1833, bà gặp Charles Babbage – Nhà toán học kiêm kỹ sư cơ khí lần đầu tiên qua sự giới thiệu của gia sư Mary Somerville. Sau đó, Babbage trở thành người cố vấn của bà, tiếp theo là cha đẻ của máy tính cơ học đầu tiên, và là người hướng dẫn của lập trình viên đầu tiên trên thế giới.
Sau khi Charles Babbage phát minh ra chiếc máy tính cơ khí đầu tiên, The Analytical Engine, nhà toán học người Ý Luigi Menabrea đã viết một quyển sách về chiếc máy này. Trong thời gian 9 tháng, giữa 1842 và 1843, Ada đã giúp Babbage dịch cuốn sách đó.
Trong bản dịch, không những cho thêm ý kiến của mình , bà còn phụ chú một chương nói về cách tính chuỗi số Bernoulli bằng cách dùng máy tính của Babbage. Bản phụ chú này được xem như là chương trình máy tính đầu tiên trong lịch sử.
Bên cạnh đó, Ada nhận thấy máy tính của Babbage có khả năng chuyển tải các nội dung khác như âm nhạc, hình ảnh, văn bản và các ký hiệu thành dạng kỹ thuật số. Bà cũng tiên đoán sự ra đời của kỷ nguyên những máy móc tính toán phức tạp, hay gọi là máy tính.
Tuy nhiên, công trình của Ada chỉ giành được sự quan tâm mãi lâu sau khi bà qua đời lúc 37 tuổi vào năm 1852, do căn bệnh ung thư tử cung. Sau khi Ada Lovelace qua đời, công trình của bà vẫn nằm trong bóng tối trong hơn 1 thế kỷ.
Đến năm 1953, BV Bowden giới thiệu lại công trình của bà bằng việc công bố chúng trong hội thảo Faster Than Thought – một hội thảo về kỹ thuật số và máy tính. Trong những năm 1980, tên bà được Bộ Quốc Phòng Mỹ đặt cho một ngôn ngữ lập trình máy tính. Ngày nay, dưới vai trò của người phụ nữ đầu tiên trong lĩnh vực tin học, Ada Lovelace chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử.
Hoàng An, Theo Elite Readers