Bạn có biết diện tích nước Việt xưa lớn gấp 10 lần ngày nay
Vùng đất phía Bắc của nước Việt cổ từng lên đến tận Hồ Động Đình thuộc tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc của Trung Quốc ngày nay, tức là diện tích Việt Nam xưa lớn gấp 10 lần ngày nay. Việc này không chỉ được ghi nhận trong các truyền thuyết mà còn nằm trong những chứng tích lịch sử.
Truyền thuyết
Theo Lĩnh Nam Chích Quái, ông nội của Lạc Long Quân là Đế Minh (cháu 3 đời của Thần Nông) sinh ra con cả là Đế Nghi. Khi Đế Minh đi tuần thú phương Nam thì gặp và cưới con gái bà Vụ Tiên sinh ra Lộc Tục. Ngay từ tấm bé Lộc Tục đã có biểu hiện rất thông minh và đoan chính.
Đế Minh rất ngạc nhiên trước tư chất thông minh và tài trí của Lộc Tục nên muốn chọn làm người nối ngôi, thế nhưng Lộc Tục lại muốn nhường ngôi cho anh mình là Đế Nghi.
Cuối cùng Đế Minh quyết định truyền ngôi cho con trưởng Đế Nghi làm vua phương Bắc, và cho Lộc Tục làm vua phương Nam, lấy sông Dương Tử làm giới tuyến. Ông tế cáo trời đất trên Thiên đài rằng: “Trước đất trời nguyện rằng: Nam, Bắc cương thổ có khác. Nam không xâm Bắc. Bắc không chiếm Nam. Kẻ nào phạm lời nguyền thì chết dưới đao thương”.
Từ đấy phía Bắc sông Dương Tử do Đế Nghi cai quan, phía Nam sông Dương Tử do Lộc Tục cai quản. Lộc Tục khi lên ngôi Vua lấy hiệu là Kinh Dương Vương, năm 2879 TCN đặt quốc hiệu là Xích Quỷ, biên giới phía Bắc tới Động Đình Hồ, phía Nam giáp với nước Hồ Tôn, phía Tây giáp với Ba Thục, phía Đông giáp với biển Nam Hải.
Như vậy theo sự phân chia vào thời đấy, biên giới phía Bắc của người Việt lên đến Động Đình Hồ (phía Nam sông Dương Tử), bao gồm cà các tỉnh của Trung Quốc ngày nay như Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Quảng Tây, Quảng Đông, v.v.
Nếu tính diện tích thì Bắc giáp Động Đình Hồ vĩ tuyến 29 Bắc, phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành sau này) vĩ tuyến 11 Nam, phía Tây giáp Ba Thục (tỉnh Tứ Xuyên) kinh tuyến 105 Đông, phía Đông giáp bể Nam Hải, kinh tuyến 118 Đông. Tổng cộng diện tích của Xích Quỷ khoảng 2.900.000 km2.
Khi vua Kinh Dương Vương mất, con trai là Lạc Long Quân lên nối ngôi, lập ra nhà nước Văn Lang. Khi ấy, biên giới của Bách Việt vẫn được vẹn toàn.
Trong khi đó, dù hậu nhân sau này đã mở mang bờ cõi về phía Nam, nhưng lại mất đi phần đất phía Bắc, nên diện tích Việt Nam bây giờ là 331.698 km2 (tính cả diện tích trên biển), chỉ bằng khoảng 1/10 so với trước kia.
Hai Bà Trưng khôi phục giang sơn
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vào năm 40 đã giành được thắng lợi và lấy lại nguyên vẹn lãnh thổ nước Việt cổ.
Hai Bà Trưng cùng các nữ tướng quả cảm của mình đánh đuổi quân Hán đến tận Động Đình Hồ, một nữ tướng là Trần Thiếu Lan đã tử trận tại sông Thẩm Giang. Đây là con sông nối với Hồ Động Đình. Sách thời nhà Nguyễn có ghi chép rằng: “Các sứ thần triều Lý, Trần, Lê đi sứ sang Trung Quốc, khi qua nơi đây đều có sắm lễ vật đến cúng miếu thờ bà Trần Thiếu Lan.”
Khi giành được giang sơn, Hai Bà Trưng giao cho nữ tướng Phật Nguyệt chức Tổng trấn khu hồ Động Đình – Trường Sa. Năm 1979, giáo sư Trần Đại Sỹ tìm thấy tại thư viện bảo tồn di tích cổ ở tỉnh Hồ Nam (tỉnh thủ phủ phía Nam Động Đình Hồ, Trung Quốc) có ghi chép trận đánh Động Đình Hồ như sau: “Quang Vũ nhà Hán sai Phục ba tướng quân Tân tức hầu Mã Viện. Long nhượng tướng quân Thận hầu Lưu Long đem quân dẹp giặc.
Vua Bà sai nữ tướng Phật Nguyệt tổng trấn hồ Ðộng đình. Mã Viện, Lưu Long bị bại. Vua Quang Vũ truyền Nhị thập bát tú nghênh chiến, cũng bị bại. Nữ vương Phật Nguyệt phép tắc vô cùng, một tay nhổ núi Nga mi, một tay nhổ núi Thái sơn, đánh quân Hán chết, xác lấp sông Trường giang, hồ Ðộng đình, oán khí bốc lên tới trời”.
Giáo sư Trần Đại Sỹ từng tới Trung Quốc để tìm hiểu về lịch sử cuộc chiến giữa Hai Bà Trưng và quân Hán, thấy rất nhiều tỉnh đều thờ Vua Bà, nhiều nhất là tỉnh Hồ Nam (khu vực Động Đình Hồ), nhưng không ai còn nhớ Vua Bà là ai.
Khi ông đến đến Côn Minh, giáo sư sử học Đoàn Văn ở đây cho hay: “Trong truyền thuyết dân gian nói rằng hồi đầu thế kỷ thứ nhất có trận đánh giữa quân vua Bà với quân Hán tại Bồ lăng. Nay Bồ lăng nằm trên lãnh thổ Tứ Xuyên, chỗ ngã ba sông Trường giang và Ô giang.”
Giáo sư Trần Đại Sỹ đến bến Bồ Lăng thuộc huyện Bồ Lăng, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc để tìm hiểu. Tại đây giáo sư được Sở du lịch hướng dẫn đến miếu thờ 3 vị thần, tướng của Vua Bà. Nhưng bản thân họ cũng không biết Vua Bà và 3 vị tướng này cụ thể là ai, chỉ cho biết vua Bà là người nổi lên chống tham quan thời Hán, cả vùng đó đều có đạo thờ Vua Bà.
Miếu thờ có rất nhiều câu đối, nhưng cuộc cách mạng văn hóa của Trung Quốc đã hủy gần hết các câu đối này. May mắn là ba câu đối vẫn còn tồn tại tới ngày nay.
Phía trước cửa miếu có câu đối rằng:
Khẳng khái, phù Trưng, thời bất lợi,
Ðoạn trường, trục Ðịnh, tiết… can vân.
Nghĩa là:
Khẳng khái phù vua Trưng, ngặt thời của Ngài không lâu.
Ðuổi được Tô Ðịnh, nhưng đau lòng thay, phải tự tận…
khí tiết ngút từng mây.
Phía trong miếu có câu đối:
Giang thượng tam anh phù nữ chúa,
Bồ Lăng bách tộc khốc thần trung.
Nghĩa là:
Trên sông Trường giang, ba vị anh hùng phò tá nữ chúa,
Tại bến Bồ lăng, trăm họ khóc cho các vị thần trung thành.
Những tư liệu này cho thấy biên giới người Việt thời Hai Bà Trưng phía bắc tới Động Đình Hồ (phía Nam sông Dương Tử), phía Tây tới tận Ba Thục (tức tỉnh Tứ Xuyên ngày nay).
Trải qua ngàn năm Bắc thuộc, người Việt dồn dần xuống phía Nam để tránh sự cai trị hà khắc, khiến khu vực phía Bắc người Hoa Hạ ngày càng đông hơn.
Năm 938, Ngô Quyền lãnh đạo người Bách Việt đánh bại quân Nam Hán, làm chủ lại các vùng đất của nước Việt. Tuy nhiên một dải đất lớn phía Bắc là Nam Hải, Tượng Quận, Quế Lâm đã bị bỏ qua, và diện tích nước Việt nhỏ hơn trước. Sau này dù bờ cõi đã được mở rộng về phía Nam, nhưng diện tích ngày nay chỉ bằng hơn 1/10 so với trước đây.
Truyền thuyết không cách xa sự thực
Trong bài viết có tựa đề “Thử tìm lại biên giới cổ của Việt Nam” trên diễn đàn Lý Học Đông Phương, vốn là bài diễn văn tiếng Pháp của giáo sư Trần Đại Sỹ đọc trong dịp khai giảng niên khóa 1991-1992 tại Viện Pháp – Á, được dịch giả Tăng Hồng Minh đăng tải, giáo sư Trần Đại Sỹ đã nhắc tới nhiều luận điểm khẳng định biên giới cổ của Việt Nam nằm ở hồ Động Đình. Những luận điểm này được đích thân giáo sư Trần Đại Sỹ khảo cứu và viếng thăm thực địa, trong đó nổi bật là:
1. Núi Ngũ lĩnh trong truyền thuyết về Đế Minh xác thực nằm ở Trường Sa, Hồ Nam. Ngoài ra tại tỉnh này còn có rất nhiều các di tích được nhắc tới của tộc Việt như: hồ Động Đình, núi Tam Sơn, sông Tương, Thiên đài, Tương đài, cánh đồng Tương.
2. Thiên đài mà Đế Minh tế cáo trời là có thật, nằm gần bên bờ Tương Giang. Trên đỉnh này có một ngôi chùa nhỏ, bên trong còn có nhiều chứng tích về Hai Bà Trưng và trận Động Đình. Ngoài ra giáo sư Trần Đại Sỹ còn tìm thấy một tài liệu mang tên “Thiên đài di sự lục” tại thư viện Hồ Nam, trong đó miêu tả rõ rằng Thiên đài thờ vua Đế Minh và vua Kinh Dương.
3. Cánh đồng Tương là nơi mà Lạc Long Quân và Âu Cơ đã hẹn nhau tái hội mỗi năm một lần là có thật. Giáo sư Trần Đại Sỹ kết luận rằng cánh đồng Tương chính là vùng trũng phía Tây Ngạn, giới hạn phía Bắc là hồ Động Đình, Nguyên Giang. Phía Nam là Linh Lăng, Hành Giang. Phía Tây là vùng Chiêu Dương, Lãnh Thủy. Nhưng nay cánh đồng Tương chỉ còn khu vực tứ giác: Tương Giang, Nguyên Giang, Liên Thủy, Thạch Khê Thủy.
Cùng với một số luận điểm vững chắc khác, giáo sư Trần Đại Sỹ đi đến kết luận rằng: Biên giới cổ của nước Việt Nam, với các triều đại Hồng Bàng, Âu Lạc, Lĩnh Nam, phía Bắc quả tới hồ Ðộng Đình, phía Tây giáp Tứ Xuyên.
Vậy là diện tích nước Việt cổ thực sự lớn gấp 10 lần ngày nay.
Theo Trithucvn
>>> Vì sao người Do Thái vốn thông minh nhưng phải sống lang bạt suốt 2.000 năm?